Lời cầu của bà Anna, mẹ ngôn sứ Samuel, và lời cầu của vua Đavít
Lời cầu của bà Anna, mẹ ngôn sứ Samuel, và lời cầu của vua Đavít
Cầu nguyện |
Sách Samuel I kể rằng bà Anna vợ ông Elcana hiếm muộn. Mỗi lần cùng chồng lên tế lễ Giavê Thiên Chúa tại trung tâm thờ tự Shilô thì bà lại buồn phiền. Vì bà bị bà Pơnina vợ hai của ông Elcana khinh rẻ, chọc tức và hạ nhục bởi không có con. Tâm hồn bà cay đắng, bà lên đền thờ cầu nguyện với Chúa và khóc nức nở. Bà khấn hứa rằng: ”Lậy Đức Chúa các đạo binh, nếu Ngài đoái nhìn đến nỗi khổ cực của nữ tỳ Ngài đây, nếu Ngài nhớ đến con và không quên nữ tỳ Ngài, nếu Ngài cho nữ tỳ Ngài một mụn con trai, thì con sẽ dâng nó cho Giavê mọi ngày đời nó, và dao cạo sẽ không đụng tới đầu nó”.
Vì bà cứ cầu nguyện lâu trước nhan Giavê nên ông Eli để ý đến miệng bà. Bà Anna thầm thì trong lòng chỉ có môi bà mấp máy, không nghe thấy tiếng bà. Ông Eli nghĩ rằng bà say rượu. Ông Eli bảo bà: ”Bà còn say đến bao giờ? Hãy lo dã rượu đi!” Bà Anna trả lời rằng: ”Không, thưa ngài, tôi chỉ là một người đàn bà tâm hồn đau khổ. Tôi đã không uống rượu và đồ uống có men, tôi chỉ thổ lộ tâm can trước nhan Giavê. Xin đừng coi nữ tỳ ngài đây là đứa vô lại; chỉ vì qúa lo âu phiền muộn mà tôi đã nói cho đến bây giờ”.
Ông Eli trả lời rằng: ”Bà hãy đi về bình an. Xin Thiên Chúa của Israel ban cho bà điều bà đã xin Người!”. Bà thưa: ”Ước chi nữ tỳ của ngài đây được đẹp lòng ngài!” Rồi người đàn bà ra đi; bà dùng bữa và nét mặt bà không còn như trước nữa” (1 Sm 1,10-18).
Ở đây chúng ta có thêm một định nghĩa khác về lời cầu nguyện: cầu nguyện là than thở, thổ lộ tâm can âu lo buồn phiền trước Thiên Chúa và xin Ngài ban ơn, trong trường hợp của ba Anna là được có con trai để dâng cho Chúa.
Hiệu qủa của lời cầu nguyện thiết tha tín thác nơi Chúa là sự an bình thanh thản, nếu không nói là tươi vui và chú bé Samuel, ngôn sứ tương lai của Giavê Thiên Chúa.
Và quả thế Thiên Chúa đã cho bà có con trai. Bà nuôi con lớn cho tới khi nó cai sữa, rồi đem con lên đền thờ Shilô hiến dâng cho Thiên Chúa. Hai ông bà cũng đem theo một con bò mộng ba tuổi, hai thùng bột và một bầu da đầy rượu. Họ sát tế con bò và đưa đứa trẻ tới với thầy cả Eli. Bà Anna nói: ”Thưa ngài, xin thứ lỗi, tôi xin lấy mạng sống ngài mà thề: tôi là người đàn bà đã đứng bên ngài, tại đây, để cầu nguyện với Giavê. Tôi đã cầu nguyện để được đứa trẻ này, và Giavê đã ban cho tôi điều tôi đã xin Người. Đến lượt tôi, tôi xin nhượng nó lại cho Giavê. Mọi ngày đời nó, nó sẽ được nhượng cho Giavê.”
Họ ở đó thờ lậy Giavê. Bà Anna hát lên bài ca chúc tụng và cảm tạ có nội dung hơi giống bài thánh ca Magnificat, mà mười một thế kỷ sau trinh nữ Maria làng Nagiarét sẽ hát lên ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa, là Đấng triệt hạ kẻ kiêu căng quyền thế và nâng người hèn mọn lên. Bà Anna hát như sau: ”Tâm hồn con hoan hỉ vì Đức Chúa, nhờ Đức Chúa con ngẩng đầu hiên ngang. Con mở miệng nhạo báng quân thù: Vâng, con vui sướng vì được Ngài cứu độ. Chẳng có Đấng thánh nào như Đức Chúa, chẳng một ai khác, ngoại trừ Ngài, chẳng có núi đá nào như Thiên Chúa chúng ta. Các ngươi chớ nhiều lời huênh hoang tự đắc, miệng đừng thốt ra lời ngạo mạn, vì Đức Chúa là Thiên Chúa quán thông, mọi hành vi chính Người xét xử. Cung nỏ người hùng bị bẻ tan, kẻ yếu sức lại trở nên hùng dũng. Người no phải làm mướn kiếm ăn, còn kẻ đói được an nhàn thư thái. Người hiếm hoi thì sinh năm đẻ bẩy, mẹ nhiều con lại ủ rũ héo tàn. Đức Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử, đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên. Đức Chúa bắt phải nghèo và cho giàu có, Người hạ xuống thấp, Người cũng nhắc lên cao. Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng người cất nhắc từ đống phân tro, đặt ngồi chung với hàng quyền qúy, tặng ngai vinh hiển làm sản nghiệp riêng. Vì nền móng địa cầu là của Đức Chúa. Người đặt cả hoàn vũ lên trên. Chúa gìn giữ bước chân người trung hiếu, còn ác nhân bị tiêu diệt trong chốn mịt mù, vì con người đâu phải mạnh mà thắng. Kẻ thù Đức Chúa sẽ bị đập tan, từ trời cao Người cho sấm sét giáng trên đầu. Đức Chúa xét xử khắp cùng cõi đất, ban quyền năng cho đức vua Người chọn, nên uy thế đấng Người đã xức dầu tấn phong.” (1 Sm 2,1-10). Ông Elcana và bà Anna trở về nhà, còn chú bé Samuel thì ở lại trung tâm thờ tự Shilô, dưới sự chăm sóc của thầy cả Eli. Chính nơi đây Giavê đã gọi Samuel làm ngôn sứ của Ngài.
Vào thời đó dân Israel bắt chước các dân ngoại nên đến xin ngôn sứ Samuel cho họ một vua cai trị họ. Ngôn sứ tức giận không muốn nghe lời họ xin, vì như thế là đồng ý cho họ chối bỏ Thiên Chúa là vua duy nhất của dân Israel. Nhưng Giavê bảo ông cứ làm theo lời họ xin, nhưng chỉ báo trước cho họ biết các hệ lụy khổ cực và thiệt thòi họ sẽ phải gánh chịu vì các vua. Ngôn sứ Samuel đã xức dầu tấn phong Saul làm vị vua đầu tiên của dân Israel. Sau khi vua Saul qua đời Đavít lên làm vua thay thế. Đó là năm 1004 trước công nguyên. Đavít là vì vua có tài đã đánh đông dẹp bắc và thành lập một vương quốc hùng cường nhất trong lịch sử Israel.
Ông đã tổ chức việc rước Hòm Bia Thánh vào thành Giêrusalem và vui mừng múa nhảy trước Hòm Bia. Nhà vua ngỏ ý với ngôn sứ Nathan là muốn xây nhà cho Thiên Chúa, vì cho tới lúc đó Hòm Bia Thánh vẫn ở trong Lều, mà vua thì ở trong nhà bằng gỗ bá hương. Giavê sai ngôn sứ Nathan nói báo vua biết không phải nhà vua, nhưng một người con do ông sinh ra sẽ xây nhà cho Thiên Chúa: ”Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi - một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để kính danh Ta và Ta sẽ cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta nó sẽ là con. Khi nó phạm lỗi Ta sẽ sửa phạt nó bằng roi của người phàm, bằng roi của con người. Tình thương của Ta sẽ không rời khỏi nó, như Ta đã cho rời khỏi Saul, kẻ Ta đã bắt rời khỏi mặt ngươi. Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (2 Sm 7,12-16). Đây là lời tiên tri liên quan tới vua Salomon con vua Đavít, người sẽ xây Đền Thờ Giêrusalem để giữ Hòm Bia Giao Ước; nhưng nó cũng liên quan tới vì vua Cứu Thế là Đức Giêsu Kitô thuộc dòng tộc Đavít.
Sau khi nghe ngôn sứ Nathan nói lại các lời của Giavê, vua Đavít vào ngồi chầu trước nhan Đức Chúa và thưa: ”Lậy Giavê là Thiên Chúa, con là ai và nhà của con là gì, mà Ngài đã đưa con tới địa vị này? Nhưng lậy Giavê là Thiên Chúa, Ngài còn coi là quá ít; Ngài lại hứa cho nhà của tôi tớ Ngài một tương lai lâu dài. Phải chăng đó là luật chung cho con người, lậy Giavê là Thiên Chúa? Đavít còn nói được gì thêm với Ngài? Ngài biết tôi tớ Ngài, lậy Giavê là Thiên Chúa! Vì lời Ngài đã phán và theo như lòng Ngài muốn, Ngài đã thực hiện tất cả công trình vĩ đại này, để làm cho tôi tớ Ngài được biết. Vì thế, lạy Giavê là Thiên Chúa, Ngài thật vĩ đại, không ai sánh được như Ngài; và không có Thiên Chúa nào khác ngoại trừ Ngài, theo như mọi điều tai chúng con đã từng được nghe. Dưới đất có một dân tộc nào được như dân Israel? Thiên Chúa đã đến cứu chuộc dân này để làm thành dân của Ngài, đặt tên cho nó, thực hiện cho nó những điều vĩ đại và khủng khiếp, hầu xua đuổi các dân tộc và các thần của chúng cho khuất mắt dân mà Ngài đã cứu chuộc từ đất Ai Cập về cho mình. Ngài đã lập Israel, dân Ngài, để nó thành dân Ngài mãi mãi; còn Ngài, lạy Giavê, Ngài đã trở thành Thiên Chúa của chúng. Giờ đây lạy Giavê là Thiên Chúa, lời Ngài đã phán về tôi tớ Ngài và nhà của nó, xin Ngài giữ mãi mãi, và xin hành động như Ngài đã phán. Danh Ngài sẽ vĩ đại mãi mãi và người ta sẽ nói: ”Đức Chúa các đạo binh là Thiên Chúa thống trị Israel”. Nhà của tôi tớ Ngài là Đavít sẽ vững bền trước nhan Ngài. Thật vậy, lậy Đức Chúa các đạo binh, Thiên Chúa của Israel, chính Ngài đã mặc khải cho tôi tớ Ngài rằng Ta sẽ xây cho người một nhà. Vì thế tôi tớ Ngài đủ can đảm dâng lên Ngài lời cầu nguyện ấy. Giờ đây lậy Giavê là Thiên Chúa, chính Ngài là Thiên Chúa, những lời Ngài phán là chân lý, và Ngài đã hứa ban cho tôi tớ Ngài điều tốt đẹp ấy. Vậy giờ đây, cúi xin Ngài giáng phúc cho nhà của tôi tớ Ngài, để nhà ấy được tồn tại mãi trước nhan Ngài. Bởi vì, lậy Giavê là Thiên Chúa, chính Ngài đã phán, và nhờ Ngài giáng phúc mà nhà của tôi tớ Ngài sẽ được chúc lành mãi mãi.” (2 Sm 7,18-29).
Lời cầu trên đây của vua Đavít cũng giúp chúng ta nhận ra một vài yếu tố khác. Trước hết nó là lời cầu cảm tạ, chúc tụng và tuyên xưng đức tin nơi Giavê Thiên Chúa quyền năng vĩ đại của dân Israel, dân riêng Chúa chọn. Ngài là Đấng giải phóng Israel khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai Cập cho họ vào Đất Hứa và luôn hướng dẫn chở che họ. Ngài là Đấng đã chọn Đavít và cất nhắc ông từ một kẻ chăn chiên lên làm vua và lại còn hứa cho vương triều nhà Đavít tồn tại mãi muôn đời.
(Thần Học Kinh Thánh bài số 1198)
Linh Tiến Khải
Post a Comment