Header Ads

Giáo dục trẻ chưa ngoan




Cuốn phim “Sự lựa chọn sinh tử “ tuy nói về vấn đề kinh tế chính trị và xã hội của Trung Quốc, nhưng khi xem xong tôi liên tưởng đến vấn đề giáo dục trẻ chưa ngoan  tại Việt Nam và tự nhủ: Ước chi những bậc cha mẹ, thầy cô và các cấp lãnh đạo đều có được một lương tâm tự do sáng suốt như nhân vật chính trong phim là Lý Cao Thành để có những chọn lựa đúng, ưu tiên cho vấn đề giáo dục theo chủ trương của nhà nước: Giáo dục phải là Quốc sách hàng đầu cho sự đổi mới, phát triển.
I. THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN TRẺ CHƯA NGOAN
1/ Thực trạng:
Trẻ chưa ngoan là một thực trạng đang gây nhiều bức xúc trong gia đình và trường học. Theo các nhà nghiên cứu tâm lý giáo dục thì thực trạng trẻ chưa ngoan ngày càng gia tăng trong xã hội. Đây là một thách đố lớn cho sự phát triển của một dân tộc vì nó là nguồn gốc trực tiếp sản sinh ra lớp trẻ lang thang, bụi đời, trẻ “phạm pháp” và nhiều tệ nạn xã hội.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, UV. Đoàn Chủ tịch UB. Trung ương Hội LHTN-VN, Trẻ có những biểu hiện và hành động chưa ngoan như sau:
- Trẻ học kém, lười học, chán học, muốn bỏ học.
– Trẻ ham chơi, kết thân với bạn xấu.
– Trẻ bướng bỉnh, quậy phá, nói dối, không vâng lời cha mẹ, thầy cô.
– Kết quả học tập sa sút, trốn học, bỏ học.
– Vi phạm nội qui, kỷ luật nhà trường, hạnh kiểm yếu kém.
– Trẻ có những hành vi lệch lạc thô bạo trong quan hệ với người lớn, bạn bè.
– Trẻ bị xã hội lôi kéo, tiêu cực: cà phê, hút thuốc, nhậu nhẹt, yêu sớm, yêu theo phong trào, nạo phá thai, cá độ, cờ bạc, hút chích, gây xáo trộn trong gia đình, nhà trường, xã hội.
2/ Nguyên nhân:
Trẻ chưa ngoan trong gia đình và trường học hiện nay, về thực chất các em chưa phải là những đứa bé bị “hư hỏng”, mà chỉ là những biểu hiện về hành vi, tính cách “lệch chuẩn đạo đức xã hội” (có thể là nhất thời, thiếu ý thức, ảnh hưởng môi trường, chưa cấu thành bản chất). Chính hoàn cảnh gia đình, nhà trường và xã hội là những môi trường giáo dục có vấn đề đã tạo cho các em những “phẩm chất” chưa ngoan đó. (Theo tài liệu Hội thảo Khoa học “Tăng cường chăm sóc giáo dục trẻ chưa ngoan” của Hội Liên Hiệp Thanh niên VN, Hội Đồng Đội TW – Báo Yêu Trẻ tổ chức trong tháng 5-2001)
Theo ông Dương Thiệu Tống, Tiến sĩ  Giáo dục: “Gần một thế kỷ nay, các nhà tâm lý đã chứng minh qua các cuộc nghiên cứu rằng: nguyên nhân của tình trạng trẻ em ‘chưa ngoan’, ‘cá biệt’ hay ‘phạm pháp’ là do môi trường xã hội, trong đó quan trọng nhất là gia đình và trường học. Thay vì hiểu biết trẻ với tất cả sự sáng suốt thông cảm, chúng ta chỉ tập trung vào việc đặt lên chúng những áp lực dồn dập, hỗn độn, thiếu sự phối hợp, không quan tâm đến sự phát triển tự nhiên của chúng theo lớp tuổi.” Trong trường hợp như vậy, không phải là trẻ em có vấn đề, mà chính chúng ta, gia đình và trường học mới là những đối tượng cần phải sửa chữa.
II. SỰ LỰA CHỌN ƯU TIÊN DÀNH CHO TRẺ
Từ những nguyên nhân trên, xin đề nghị một vài định hướng giáo dục trong gia đình, nơi học đường và tổ chức xã hội như sau:
1/  Nơi gia đình: con cái phải là ưu tiên số một
Trong bất cứ ca tư vấn nào về giáo dục con cái, sau khi nghe những lời than phiền trong nước mắt của nhiều cha mẹ về những đứa “con hư” của họ, tôi đều gợi ý giúp họ nhìn lại những sinh hoạt gia đình, những thái độ, lời nói, tình cảm họ đã dành cho con của mình. Cuối cùng thì họ đã nhận thực với tôi rằng: vì họ quá bận bịu với công việc, sự thăng tiến bản thân và hưởng thụ cá nhân, nên con cái chưa phải là ưu tiên số một trong gia đình của họ, và bây giờ họ đã đánh mất đứa con của mình.
Một quan chức nhà nước đã bay từ Hà Nội vào Tp. HCM để tìm đứa con trai 18 tuổi bỏ nhà đi theo chúng bạn. Ông đã gọi điện thoại 1088  xin tôi giúp đỡ. Sau khi lắng nghe và trao đổi với ông, tôi đã đề nghị ông nhìn lại những thiếu sót trong mối tương quan tình cảm giữa cha con, thể hiện qua việc không dành thời gian để gần gũi, thăm hỏi và hiện diện với con trong những bữa cơm gia đình; và thiếu sót những lời hướng dẫn, khích lệ động viên con học tập. Trong tâm tình đó, tôi khuyên ông tâm sự với con của mình, có thể xin lỗi cháu về những thiếu sót của mình đã dẫn cháu đến thái độ sống cô lập, tin tưởng bạn bè hơn cha mẹ. Tôi hy vọng rằng khi cậu con của ông thấy mình được tôn trọng và yêu thương, nó sẽ xúc động và có được chọn lựa tốt đẹp hơn. Sau một tuần, chính người cha đã vui vẻ báo tin cho tôi là ông đã tìm lại được đứa con của mình.
2/ Nơi học đường: học sinh là trọng tâm trong giáo dục
Mỗi nhà giáo là một người “hộ sinh”. Nêu lên ý tưởng này tôi muốn nhắc lại phản ánh của nhiều bài viết gần đây về một vài điểm chưa tốt cho học sinh nơi học đường như việc thương mại hoá giáo dục, giáo viên chạy theo thành tích thi đua khen thưởng, chỉ quan tâm đến một số ít những học sinh giỏi mà thiếu quan tâm, kiên nhẫn hướng dẫn những học sinh yếu kém, có vấn đề vì nhiều lý do khác nhau. Điểm cần nhấn mạnh hơn là giáo dục mang tính áp đặt, biến trẻ em thành cái máy để thích nghi theo những thay đổi của chương trình được soạn thảo do cấp trên quyết định một cách chặt chẽ, cứng rắn và được kiểm soát bằng các kỳ thi quốc gia. Nguy cơ của vấn đề là biến nhà trường thành “trung tâm dạy chữ”, “trung tâm luyện thi” mà quên đi vai trò giáo dục giúp cho tất cả các học sinh trở thành những con người tốt.
Tôi rất cảm phục Nhà Giáo Ưu Tú  Nguyễn Thị Lộc (TT Giáo dục thường xuyên Q.1) đã cảm hóa được một em học sinh lớp 9 sau 7 lần đi bụi đã chăm chỉ học tập trở lại. Em đã đi chơi với các bạn đồng cảnh ngộ vì chán bầu khí gia đình bất hòa, vì sợ những làn roi đánh đập tàn nhẫn của cha mẹ. Nhưng nhờ sự  cảm thông nâng đỡ và kiên trì nhắc nhở của cô giáo và các bạn trong lớp, em đã lấy lại được niềm tin nơi bản thân và hứng thú học tập trở lại. Em thực sự cảm động khi thấy rằng ngay cả những lúc em bị cám dỗ quay về đi bụi, cô và các bạn vẫn đi tìm, tha thứ và cho em những lời khuyên bảo yêu thương chân thành. Cô giáo Nguyễn Thị Lộc đã có một chọn lựa đúng cho chức năng nhà giáo của mình, cô là một “người hộ sinh” đúng nghĩa.
3/ Nơi xã hội: giáo dục phải là quốc sách hàng đầu
Vươn tới chỉ tiêu này thiết nghĩ phải là một chiến dịch vĩ mô đồng bộ của nhà nước và nhân dân, đặc biệt là các cấp lãnh đạo. Chọn ưu tiên cho vấn đề giáo dục là một chương trình đầu tư chất xám cần nhiều hỗ trợ về tài chính cho ngành giáo dục. Đồng thời việc xây dựng nhân cách trẻ em, hạn chế “hội chứng trẻ chưa ngoan” cần loại bỏ một số những hình thức kinh doanh nhân phẩm con người và những văn hóa phẩm phim ảnh đồi trụy đang lưu hành trong xã hội.
Tới đây chúng ta có thể đưa đến kết luận rằng: khi thấy trẻ em chưa ngoan, cần xét lại môi trường sống của các em: đặc biệt là gia đình và học đường. Trên tất cả các em cần có những tấm gương, những người mẫu trong sinh hoạt đời thường của cha mẹ và các thầy cô giáo. Các em cần cảm được tấm lòng thương yêu của cha mẹ và thầy cô giáo khi chăm sóc về thể chất, trí tuệ và tình cảm cho các em để nói lên rằng các em luôn là ưu tiên số một trong tất cả chọn lựa của cha mẹ và thày cô. Về trách nhiệm xã hội, tôi thiết nghĩ vấn đề giáo dục con người luôn phải là một lựa chọn sinh tử đối với các bậc lãnh đạo nhân dân. Mặt khác, dù các em là một nhân vị bé nhỏ luôn cần nương tựa, hướng dẫn, nhưng các em cũng luôn cần được tôn trọng để trưởng thành nhân cách. Vì thế ngay cả khi các em đã có những hành vi lệch chuẩn đạo đức xã hội, chúng ta cũng nên gần gũi lắng nghe và giải thích, giáo dục các em trong tình yêu thương chân thành. Hãy tin rằng từ trong nội tâm mỗi người ai cũng muốn sống hạnh phúc, muốn thể hiện bản thân ở mức hoàn hảo nhất.
Sr. Têrêsa Phạm Thị Oanh
Trích từ Sr. Têrêsa Phạm Thị Oanh, Gia đình-mái trường thân yêu, tr. 39-45

Không có nhận xét nào