Header Ads

Giúp trẻ tập trung

tap trung
Trong một lớp bậc tiểu học, nếu quan sát cách chăm chú, ta sẽ nghe được điệp khúc quen thuộc của các cô giáo : “Này các trò tập trung vào”. Tại gia đình cũng thế, những câu nói đại loại ‘Con tập trung ăn cơm đi, đừng lơ đãng như thế chứ !’ luôn được lập lại. Tuy nhiên, lời nhắc này chỉ được thực hiện cách rời rạc và không bền bỉ, tệ hơn, nó thường xuyên làm đứa trẻ bị stress, vì thực chất ở tuổi này trẻ không biết phải làm thế nào. Do đó, quan trọng là nhà giáo dục và các bậc phụ huynh cần biết rõ đâu là những điều giúp trẻ hình thành thói quen tập trung, và những kỹ năng giúp trẻ tập trung.
Những điều kiến tạo nên sự tập trung
Qui luật của sinh hoạt nhóm. Đối với các trẻ, lớp học và nhất là sinh hoạt tổ, nhóm là nơi dễ dàng để học biết về qui luật sinh hoạt của một nhóm nhỏ cùng những đòi hỏi của quy luật ấy. Chính việc trao đổi trong nhóm tạo nên một sự đối chiếu ‘quan điểm’ giữa các em với nhau. Điều này đòi hỏi sự lắng nghe người khác, để biết xem người đó đang nói về chuyện gì ? Những cuộc thảo luận trong nhóm thế này được xem như bài tập đòi các trẻ phải có sự chú tâm vào đó khi tham gia.
Những câu chuyện kể. Các trẻ phát triển khả năng tập trung rất cao và nhanh qua những câu chuyện kể và những câu chuyện lịch sử. Thực vậy, khi các trẻ bị lôi cuốn vào câu chuyện thì việc theo dõi đòi trẻ phải có sự lắng nghe chăm chú và có sự tập trung cao độ. Trong  giờ văn, sử, kể chuyện đạo đức … Các trẻ tập trung vào một vài nhân vật anh hùng của quá khứ hay vào những chứng nhân của ngày hôm nay. Chính  kinh nghiệm của những nhân vật này nuôi dưỡng đời sống các em và cho phép các em phác ra ước mơ về cuộc sống chính mình. Sau mỗi câu chuyện, nhà giáo dục nên đưa ra những trò chơi, những câu gợi ý dưới dạng hỏi-đáp nhằm kích thích các em suy tư, sử dụng nguồn năng lực và thúc đẩy sự tò mò. Các em sẽ cố gắng tập trung để giành thắng lợi.
Thế giới chung quanh. Trẻ ở giai đoạn tuổi từ 7-12 tuổi đã bắt đầu quan tâm, thích thú với thế giới chung quanh, vượt qua giới hạn bốn bức tường của gia đình. Với tuổi này, tivi hay vi tính là những phương tiện quan trọng để giúp các em nhận biết về thế giới đang bao bọc các em. Nhà giáo dục nếu xử dụng nguồn phương tiện này vào việc giáo dục sẽ có những thuận lợi đáng kể để phát triển khả năng nhận thức của các em.
Để tạo điều kiện cho trẻ tập trung
Nhà giáo dục đừng chờ đợi mọi trẻ em đều ‘hoàn toàn tập trung’ mới khởi đầu cho những tập trung tiếp theo.
Nhà giáo dục không nên quá căng thẳng đối với sự khó khăn để tập trung mà các trẻ có thể gặp, nhưng tốt hơn, họ nên đánh giá tất cả những gì làm trẻ thích thú và quan tâm.
Nhà giáo dục nên tổ chức những hoạt động khác nhau để duy trì sự hứng thú nơi trẻ. Các nhà chuyên môn đã đồng thuận với ý kiến rằng khả năng tập trung của trẻ từ 7-12 tuổi không vượt quá 10 phút. Vì thế nhà giáo dục nên có những thay đổi cả tư thế ngồi, đứng hoặc hoạt động của trẻ để các em có thể tập trung trở lại.
Nhà giáo dục cũng cần quan tâm đến lối hành xử của từng em. Chính lúc mà các em thổ lộ về cuộc sống của chúng, đôi khi cả những bận tâm của chúng thì đó cũng là những ‘bài tập’ nhỏ trên khả năng chú ý tức thời. Tuy nhiên, đối với trẻ đang có vấn đề về học hành, về gia đình hay yếu bệnh thì kết quả gặt hái được của nhà giáo dục có thể là rất ít.
Nhà giáo dục nên tránh trả lời quá nhanh trước một câu hỏi. Một câu trả lời mang tính lý thuyết phục ngay tức khắc không tạo nên hiệu ứng cho sự tập trung. Việc lập lại chậm rãi câu hỏi của trẻ cho phép chúng dừng lại, tức là tập trung, điều này thúc đẩy khả năng suy tư của trẻ.
Nhà giáo dục nói chậm rãi rõ ràng cùng với những khoảng lặng. Khi đứa trẻ được đặt trước sự ‘hồi hộp chờ đợi’sẽ làm thức tỉnh sự chú tâm nơi em. Ta nghĩ xem: Nếu một trẻ tỏ ra ưu tư thì có thể đầu óc em đang hoạt động mạnh ? Có thể  rằng em đang tập trung trên những gì vừa nghe nói ?
Nhà giáo dục đừng quên tác động của hình ảnh. Đối với trẻ ở lứa tuổi 7-12 tuổi, thì hình ảnh là một trong những hỗ trợ đắt giá của việc giáo dục. Ví dụ, nhà giáo dục có thể cho các em xem một bức ảnh (hay một bức tượng, một tranh kiếng) trong độ một phút rồi cất đi. Sau đó hãy đề nghị các em nhắm mắt lại, tưởng tượng lại vật đã được xem, và mô tả chúng bằng lời.
Với sự kiên trì, sáng kiến và lòng yêu trẻ, hy vọng các nhà giáo dục rèn luyện cho trẻ khả năng tập trung, để góp phần hình thành nhân cách của các em, cho việc học ngày càng đòi hỏi suy tư và phản tỉnh của trẻ, nhưng hơn hết, là tránh khỏi thái độ hời hợt đang rất phổ biến trong xã hội.
Nhật Tâm
source:daminhtamhiep

Không có nhận xét nào