Header Ads

Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi : Chương I - Phần 1



Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi : Chương I - Phần 1

Chương I

Quyền năng của tâm hồn biết ca ngợi

Jim có một người cha uống rượu từ 30 năm nay. Trong suốt những năm đó, mẹ của Jim và sau này chính anh ta cùng với vợ anh đã cầu xin Chúa chữa lành cha mình, nhưng vô hiệu. Cha anh không chịu thú nhận mình say mê rượu chè, và vùng vẫy khi nghe nói đến tôn giáo.
Một hôm Jim nghe tôi nói về năng lực được phóng thích khi chúng ta ca ngợi Chúa trước mỗi biến cố trong cuộc sống chúng ta, thay vì năn nỉ nài xin Chúa thay đổi những gì gây khó chịu cho mình.
Jim mang về nhà bản ghi âm cuộc họp và cho các bạn nghe lại. Rồi một ngày kia nảy ra một ý kiến: Chưa bao giờ anh đã thử ca ngợi Chúa vì hoàn cảnh cha anh đang sống. Vui mừng quá, anh chia sẻ với vợ anh.
-        Em à, chúng ta hãy cám ơn Chúa cho người cha say rượu của chúng ta, vì đó cũng là trong chương trình tuyệt diệu của Chúa đã hoạch định cho cuộc sống của cha.
Và trong ngày hôm đó, cả hai vợ chồng cảm tạ và ca ngợi Chúa về tất cả mọi mặt của hoàn cảnh. Chiều đến, cả hai cảm thấy một niền vui và hy vọng mới.
Ngay hôm sau, cha mẹ của Jim đến thăm các con như thường lệ mỗi trưa chúa nhật. Thường ngày cha của Jim không thích ở lâu và xong bữa là ra về, nhưng lần này, trong khi uống cà phê, ông đột nhiên hỏi:
-        Con nghĩ sao về cái gọi là “Cách Mạng của Đức Giêsu?” Quay về phía Jim ông tiếp: hôm qua, truyền hình đã chiếu vài đoạn. Có phải đó là mốt mới không? Hay thật sự những đám trẻ hút ma túy đã được chinh phục và đã đổi lòng?
Câu hỏi đó là khởi điểm cho một cuộc tranh luận dài và chân thật về Kitô giáo, Và cha mẹ của Jim ở lại đến chiều.
Sau vài tuần, cha Jim chấp nhận là ông uống rượu. Ông ta trở về với Đức Giêsu Kitô và ngừng hẳn rượu; cùng với gia đình, ông ta kể cho tất cả mọi người chung quanh nghe những điều Chúa có thể làm khi chúng ta biết ca ngợi. Jim nói với tôi:
- Thế mà chúng con đã cầu xin Chúa trong 30 năm, xin Ngài thay đổi cha chúng con, trong khi chúng con chỉ ca ngợi Chúa vì hoàn cảnh của ba con trong có một ngày mà đã thu hoạch biết bao nhiêu.
Chúng ta dễ nói một cách máy móc: “Vinh danh Chúa” và “Tạ ơn Chúa”, nên chúng ta cũng dễ quên ý nghĩa thật của những chữ đó.
Ca ngợi, theo tự điển có nghĩa là: ca tụng một người nào đó, đề cao họ, làm cho họ vẻ vang, tuyên bố công nghiệp và hoan hô người đó. Vậy ca tụng là góp phần mình, để tán đồng về một điều nào đó. Tán đồng nghĩa là chấp thuận, là thỏa thuận về điều đó. Như thế, ca tụng Chúa trước một hoàn cảnh khó khăn, một bệnh tật hay một tai họa, có nghĩa là chúng ta chấp thuận, chúng ta đồng ý coi những trường hợp đó như ở trong chương trình Chúa định cho cuộc sống của chúng ta.
Chúng ta không thể thật sự ca ngợi Chúa về một điểm nào mà lại không đồng thời cảm tạ Chúa về điểm đó. Và chúng ta không thể thật sự cảm tạ mà lại không vui sướng về điều mà chúng ta cảm tạ Chúa. Vậy ca ngợi đòi hỏi sự biết ơn và niềm hoan lạc.
Khi chúng ta ca ngợi Chúa, chứ không phải ca ngợi một ông thần vô danh của định mệnh, có nghĩa là chúng ta chấp nhận rằng Chúa có một trách nhiệm trong việc xảy đến cho chúng ta, nếu không thì cảm tạ Ngài nào có nghĩa gì?

“ Hãy vui mừng luôn
Và đừng ngớt cầu nguyện
Hãy tạ ơn trong mọi dịp,
Và đó là thánh ý Thiên Chúa
về anh em trong Đức Kitô Giêsu”
(1 Thes 5,16-18)

Tôi được biết nhiều người có thể ca ngợi Chúa vì tất cả những gì xảy đến cho họ, chỉ vì họ chấp nhận cách đối nhân xử thế trong Kinh Thánh.
Khi ca ngợi, họ thường nhận ra ngay kết quả của một thái độ cương quyết tạ ơn và hoan hỉû. Đức tin của họ vững mạnh hơn, và họ bắt đầu một nếp sống mới.
Có người thì khó thuyết phục hơn. Họ nói: “Tôi không thể hiểu được. Tôi cố gắng tạ ơn Chúa, nhưng tôi không thể hiểu được là Chúa đã nhúng tay trong những tai ương đến với tôi”.
Chúng ta nói chúng ta không hiểu được rồi chúng ta ngừng ở đó. Cách lý luận của chúng ta làm cản trở sự tiếp xúc với Chúa. Nhưng Chúa cũng có một chương trình tuyệt diệu cho khả năng lý luận của chúng ta, và khi chúng ta sử dụng khả năng này theo như Chúa muốn, thì nó không còn là một cản trở mà là một điểm tựa quý báu cho đức tin.
“ Vì Chúa là vua khắp hoàn vũ.
Hãy ca tụng Người
Với tất cả trí thông minh” (TV 47,8)
Chúng ta không cắn răng rồi bắp ép trí tuệ chúng ta nói: “Điều này vô nghĩa đối với tôi, nhưng vì đó là lối thoát duy nhất, tôi sẽ ca ngợi Chúa với bất cứ giá nào”.
Như vậy không phải là ca ngợi mà là mặc cả. Ai trong chúng ta cũng đã mặc cả với Chúa, và một điều tuyệt diệu là Chúa quá yêu chúng ta nên chiều lòng chúng ta. Chúng ta phải ca ngợi Chúa với tất cả trí thông minh của chúng ta chứ  không phải chỉ miễn cưỡng mà thôi.
Chúng ta bắt đầu gặp khó khăn khi đặt câu hỏi: “tại sao” và “làm thế nào được” trước những biến cố xảy đến trong cuộc sống mình. Chúng ta sẽ không hiểu lý do cũng như không hiểu được cách làm của Chúa, nhưng Chúa muốn lý trí chúng ta chấp nhận rằng Chúa là tác giả các sự việc đó. Đó là nền tảng của sự ca ngợi. Chúa muốn chúng ta hiểu rằng Chúa yêu chúng ta và có một kế hoạch cho chúng ta.
“Ta biết rằng: Với những ai yêu mến Thiên Chúa thì Người đồng công cộng tác biến mọi sự nên lành, tức là những ai đã được Người kêu gọi theo ý định của Người”. (Rom 8,28).

Bạn đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn ư?
Bạn đang nặn óc để giải thích vì sao lại có điều đó. Hãy cố gắng tìm hiểu rằng: Chúa thương bạn, và Ngài cho phép những điều đó xảy tới vì Ngài biết là có ích cho bạn.

Hãy ca ngợi Chúa, vì những gì đã xảy ra trong đời bạn: Hãy cố làm điều đó và để cho trí tuệ của bạn có phần trong đó.
*
*        *
Một hôm, một cặp vợ chồng nghe tôi nói về nguyên tắc ca ngợi Chúa trong mọi sự. Họ trở về nhà, lòng trí bối rối. Trong suốt mấy tháng, họ đã khóc than vì đứa con gái của họ đã phải vào nhà thương tâm trí, và đã nghe tuyên bố bệnh thần kinh của con họ vô phương cứu chữa.

Nhiều nhóm đã đến cầu nguyện để xin Chúa đoái thương, và cha mẹ cô gái đó đã mỗi ngày xin Chúa chữa lành con mình. Nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Họ quá bị thử thách khi phải ca ngợi Chúa vì bệnh tình con gái họ: điều này làm cho họ đau lòng và ngỡ ngàng.

Bà mẹ phản ứng: “Thật phạm thượng! Cảm tạ Chúa về một điều bỉ ổi như vậy! Phải chăng là kết án Chúa đã cố tình làm hại con mình! Điều này khác xa với những gì tôi nghĩ về Thiên Chúa tình yêu”.
Và người cha cũng họa thêm:
- “Không, điều này không có vẻ hợp lý. Nhưng giả sử như giảng viên có lý”.
Người vợ ngơ ngác nhìn chồng:
-        “Tôi không hiểu được”.
-        Dù sao đi nữa, chúng ta đâu có mất mát gì, nếu chúng ta thử. Vậy chúng ta hãy thử xem.
Và hai người quỳ xuống. Người chồng bắt đầu:
-  Lạy Chúa, chúng con biết rằng Chúa yêu chúng con, và Chúa yêu đứa con này hơn cả chúng con yêu nó. Chúng con đặt niềm tin vào Chúa, và chúng con tin rằng Chúa cho phép xảy ra cho nó là điều tốt nhất cho nó. Chúng con cảm tạ Chúa vì bệnh tình của nó. Cám ơn Chúa vì nay con gái chúng con đang ở nhà thương. Cám ơn Chúa vì các bác sĩ đã chưa tìm được cách trị bệnh. Chúng con ca ngợi Chúa vì sự khôn ngoan và tình yêu Chúa đối với chúng con .……..”
Trong khi họ cầu nguyện, họ còn xác tín rằng điều đã xảy ra đó là điều tốt nhất cho họ.
Sáng hôm sau, họ được một cú điện thoại của bác sĩ nhà thương tâm trí.
-        “Thưa ông, một việc lạ lùng vừa xảy ra cho con ông. Mời ông đến chứng kiến.”
Chưa đầy hai tuần sau, cô con gái ra khỏi viện tâm trí. Một năm sau, một chàng thanh niên đến gặp tôi trong một buổi họp, tự giới thiệu là anh của cô đó, cho tôi hay rằng cô đã lập gia đình và đang mang thai. Cô hiện nay là một người phụ nữ hạnh phúc nhất đời ...

Không có nhận xét nào