Header Ads

Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 03/07 - 09/07/2014 - Câu chuyện Thánh Phaolô trở lại.

1. Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật

Trong hai tháng hè 7 và 8 này, nhiều hoạt động của Đức Thánh Cha đã bị hủy bỏ, nhưng ngài vẫn muốn giữ lại giờ đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu hành hương tại Quảng Trường Thánh Phêrô vào trưa Chúa Nhật hàng tuần. Chia sẻ với các tín hữu hôm Chúa Nhật 6 tháng 7 vừa qua, Ngài đã lấy cảm hứng từ bài Tin Mừng, trong đó có lời mời gọi của Đức Giêsu: “Hỡi tất cả những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Đức Thánh Cha nói rằng, lời mời gọi này của Đức Giêsu dành cho hết thảy mọi người, xưa cũng như nay, giàu cũng như nghèo, nhưng đặc biệt, Đức Giêsu dành cho những ai đang chịu đau khổ nhất.



Ngài cũng chia sẻ thêm rằng khi mang lấy ách của Chúa theo lời mời gọi của Ngài, chúng ta cũng phải trở nên những con người biết chia sẻ gánh nặng với anh chị em mình, trở thành người mang đến cho họ niềm an ủi.

Ngài nói:

“Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, chúng ta nghe thấy lời mời gọi của Chúa Giêsu. Ngài nói: "Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng" (Mt 11,28). Khi Chúa Giêsu nói điều này, hiện diện trước mắt Ngài là những con người mà Ngài gặp gỡ hàng ngày trên đường đi lên Galilea: rất nhiều người đơn sơ, người nghèo, bệnh nhân, tội nhân, người bị gạt ra bên ngoài xã hội... Những con người này thường đi theo Ngài để nghe lời Ngài - lời trao ban hy vọng! Những lời của Đức Giêsu luôn trao ban niềm hy vọng! Họ cũng muốn chỉ cần chạm vào vạt áo của Ngài. Chính Đức Giêsu cũng đã đi tìm những đám đông mệt mỏi và bất lực như đàn chiên không có người chăm sóc này (x. Mt 9,35-36) và Ngài tìm họ để rao giảng cho họ biết về Nước Chúa và để chữa lành nhiều người trong số họ về thể xác cũng như tinh thần. Bây giờ, Ngài mời gọi hết thảy họ hãy đến với mình: "Hãy đến với Ta" và Ngài hứa ban cho họ nghỉ ngơi và bồi dưỡng.”

Đức Thánh Cha giải thích rằng: “Lời mời gọi này của Đức Giêsu nới rộng cho cả chúng ta ngày nay, vươn đến nhiều anh chị em đang bị đè nặng bởi những hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống, bởi những tình huống sinh tồn vất vả và nhiều khi chẳng có giá trị gì để nhắc tới. Trong những quốc gia nghèn nàn hơn, mà thậm chí nơi những vùng ngoại ô của những nước giàu, ta vẫn có thể tìm thấy nhiều người mệt mỏi và bất lực dưới sức nặng không thể chịu nỗi của việc bị bỏ rơi và sự dửng dưng. Sự hờ hững: dửng dưng của con người đối với những người thiếu thốn thật tệ hại biết bao! Tệ hại hơn, đó là sự dửng dưng của các Kitô hữu! Những người ở bên lề xã hội là những người nam nữ bị cái nghèo hành hạ, nhưng cũng có khi họ bị thương tổn vì chính sự bất mãn của cuộc sống và sự hụt hẫng. Nhiều người bị buộc phải tỵ nạn khỏi quê cha đất tổ của mình, đánh liều chính mạng sống của mình. Và còn cơ man những người mỗi ngày phải mang gánh nặng của một hệ thống kinh tế bóc lột con người, đè nặng trên họ cái "ách" không thể vác nỗi mà số ít những người có đặc lợi, đặc quyền không muốn chung lưng gánh vác. Chúa Giêsu nói với từng người con của Cha trên trời rằng: "Hãy đến với Ta, hỡi tất cả". Nhưng Ngài cũng nói điều này với những ai sở hữu nhiều thứ mà trong con tim của họ trống rỗng, không có Thiên Chúa. Đức Giêsu cũng gửi gắm đến những người này: "Hãy đến với ta". Lời mời gọi của Đức Giêsu dành cho tất cả. Nhưng cách đặc biệt, Ngài dành cho những ai đang đau khổ nhất.”

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Chúa Giêsu hứa cho tất cả mọi người được nghỉ ngơi nhưng Ngài cũng trao ban cho chúng ta một lời mời gọi nữa, lời mời gọi giống như một mệnh lệnh: "Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng" (Mt 11,29). "Ách" của Chúa bao gồm cả việc giúp chia sẻ gánh nặng với người khác bằng tình yêu huynh đệ. Cứ mỗi khi nhận được sự nghỉ ngơi và êm ái nơi Đức Kitô, chúng ta cũng được mời gọi để trở nên sự nghỉ ngơi và êm ái cho anh chị em mình, với thái độ hiền lành và khiêm nhường, noi gương Thầy Chí Thánh. Sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng giúp chúng ta không chỉ chia sẻ gánh nặng của người khác nhưng còn không đè nặng lên họ quan điểm cá nhân, phán đoán, phê bình và sự hờ hững của chúng ta nữa.”

Cuối cùng, Ngài mời gọi người hãy hướng lòng về Mẹ Maria:

“Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Rất Thánh, đón nhận dưới tà áo mẹ tất cả những ai mệt mỏi và bất lực để nhờ đức tin tỏa sáng, được chứng thực trong cuộc sống, chúng ta có thể trở thành nơi nghỉ ngơi cho những ai đang cần giúp đỡ, cần sự hiền lành và niềm hy vọng.”

2. Câu chuyện Thánh Phaolô trở lại.

Vị tử đạo tiên khởi

Ông Têphanô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân. Có những người thuộc hội đường gọi là nhóm nô lệ được giải phóng, gốc Kyrênê và Alêxanria, cùng với một số người gốc Kilikia và Tiểu Á, đứng lên tranh luận với ông Têphanô. Nhưng họ không tranh luận nổi với những lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông. Bấy giờ, họ mới xui mấy người phao lên rằng:

- Chúng tôi đã nghe hắn nói lộng ngôn xức phạm đến ông Môsê và Thiên Chúa".

Họ sách động dân và các kỳ mục cùng kinh sư, rồi ập đến bắt ông và điệu đến Thượng Hội Ðồng. Họ đưa mấy người chứng gian ra khai rằng:

- "Tên này không ngừng nói những lời phạm đến Nơi Thánh và Lề Luật. Vì chúng tôi đã nghe hắn nói rằng Giêsu người Nadarét ấy sẽ phá huỷ nơi này và thay đổi những tục lệ mà ông Môsê đã truyền lại cho chúng ta".

- "Thế thì nó phải chết”

Ông Têphanô giảng giải nhưng họ không nghe, lòng họ giận điên lên, họ nghiến răng căm thù ông Têphanô và lôi ông ra ngoài thành ném đá. Saolô cũng ở trong số đám đông. Ông không ném đá nhưng giữ áo xống cho những kẻ ném đá và khích lệ chúng.

Ðược đầy ơn Thánh Thần, ông Têphanô đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Ðức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông nói: "Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa".

Ông cầu xin rằng: "Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con". Rồi ông quỳ xuống, kêu lớn tiếng: "Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này". Nói thế rồi, ông an nghỉ.

Nhận định về cái chết của vị tử đạo tiên khởi, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 nói:

Chứng tá của Thánh Têphanô, cũng như chứng tá của các vị tử đạo Kitô, chỉ ra cho những người đồng thời với chúng ta, thường bị chia trí và lạc hướng, biết là cần phải tín thác nơi ai, hầu mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của họ. Thực vậy, vị tử đạo là người chết với niềm xác tín chắc chắn mình được Thiên Chúa yêu thương, và khi không đặt điều gì trên lòng yêu mến Chúa Kitô, họ biết chọn lựa phần tốt đẹp nhất. Khi trở nên đồng hình dạng với cái chết của Chúa Kitô, vị tử đạo biết mình là hạt giống mang lại sự sống phong phú và mở ra trên thế giới những con đường hoà bình và hy vọng.

Lễ Thánh Têphanô tử đạo nhắc nhở chúng ta về bao nhiêu tín hữu, tại nhiều nơi trên thế giới, đang phải chịu thử thách và đau khổ vì niềm tin của họ. Chúng ta hãy phó thác anh chị em chúng ta cho sự phù hộ của thánh nhân trên thiên quốc, đồng thời, dấn thân nâng đỡ họ bằng lời cầu nguyện và luôn đặt Chúa Giêsu Kitô ở trung tâm đời sống chúng ta”. (26 Tháng 12 2009).

Ông Saolô ngã ngựa trên đường Đamát

Hồi ấy, Hội Thánh tại Giêrusalem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội. Ngoài các Tông Ðồ ra, mọi người đều phải phải tản mác về các vùng quê miền Giuđê và Samari.

Còn ông Saolô thì cứ phá hoại Hội Thánh: ông đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục. Chưa đã giận, nên ông đã tới gặp thượng tế xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Ðamát, để nếu thấy những người theo đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giêrusalem.

- Tôi có những báo cáo cụ thể của người La Mã về những hoạt động ráo riết tại Đamát của những tên theo Giêsu người Nadarét.

- Đamát không thuộc thẩm quyền của chúng ta.

- Tôi chỉ cần 1 thư giới thiệu, ngựa và một số người khoẻ mạnh đi cùng.

- Rồi nhà ngươi làm sao.

-Tôi sẽ bắt tất cả bọn chúng và giải về Giêrusalem.

-Được đấy, cứ làm như thế đi.

- Ta sẽ cấp người và ngựa cho ngươi.

Đang khi Saolô đi đường và đến gần Ðamát, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: " Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?"

Ông nói:

"Thưa Ngài, Ngài là ai?"

Người đáp:

"Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ. Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì".

Những người cùng đi với ông dừng lại, sững sờ: họ nghe có tiếng nói, nhưng không trông thấy ai.

Ông Saolô từ dưới đất đứng dậy, mắt thì mở nhưng không thấy gì. Người ta phải cầm tay dắt ông vào Ðamát. Suốt ba ngày, ông không nhìn thấy, cũng chẳng ăn, chẳng uống.

Bấy giờ ở Ðamát có một môn đệ tên là Khanania. Trong một thị kiến, Chúa bảo ông đến chữa đôi mắt cho Saolô.

Ông Khanania liền trỗi dậy ra đi; ông vào nhà, đặt tay trên ông Saolô và nói:

"Anh Saolô, Chúa đã sai tôi đến đây, Người là Đức Giêsu, Ðấng đã hiện ra với anh trên đường anh tới đây. Người sai tôi đến để anh lại thấy được và để anh được đầy Thánh Thần".

Ông Saolô bỡ ngỡ thưa:

"Nhưng tôi đã làm biết bao những điều ác cho các môn đệ Chúa tại Giêrusalem. Các thượng tế sai tôi đến đây và cho quyền bắt trói tất cả những ai kêu cầu danh Chúa".

Đừng lo, Chúa là đấng đầy lòng thương xót, anh sẽ nên khí cụ cho Ngài.

Ông Khanania chạm đến đôi mắt Saolô, lập tức có những cái gì như vảy bong ra khỏi mắt ông Saolô, và ông lại thấy được. Ông đứng dậy và chịu phép rửa. Rồi ông ăn và khoẻ lại.

Ông ở lại Ðamát với các môn đệ mấy hôm, rồi lập tức ông bắt đầu rao giảng Ðức Giêsu trong các hội đường, rằng Người là Con Thiên Chúa. Mọi người nghe ông giảng đều kinh ngạc và nói: "Ông này chẳng phải là người Giêrusalem vẫn tiêu diệt những ai kêu cầu danh Giêsu sao? Chẳng phải ông đã đến đây với mục đích bắt trói họ giải về cho các thượng tế sao?" Nhưng ông Saolô càng thêm vững mạnh, và ông làm cho người Dothái ở Ðamát phải bẽ mặt, khi minh chứng rằng Ðức Giêsu là Ðấng Mêsia.

Vị Tông Đồ dân Ngoại đã là một chướng ngại, mà người ta phải tìm cách giết ngài, nhưng ngài vẫn không phàn nàn, lo lắng. Ngài tiến về phía trước để đến rao giảng Tin Mừng trong vùng Lycaonia và trong danh Thiên Chúa, ngài chữa lành một người bại liệt. Khi chứng kiến phép lạ này, dân ngoại nghĩ Phaolô và Banaba là những vị thần linh giáng lâm giống các vị thần Zeus và Hermes.

Bình luận về sự kiện này, trong Thánh Lễ ngày 19 tháng 05 tại nhà nguyện Santa Marta. Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

Phaolô “đấu tranh để thuyết phục họ rằng các ngài là những người con người. Đó là những thử thách nhân loại mà Thánh Phaolô đã trải nghiệm”.

“Ngài bắt đầu rao giảng ở đó, thấy ai có đủ đức tin, ngài chữa lành bệnh cho họ. Ngài bình tĩnh trước sự phấn khởi của dân chúng, những người muốn tôn ngài lên làm thần linh, sau đó bằng ngôn ngữ văn hóa riêng của họ, ngài công bố rằng chỉ có duy mình Thiên Chúa là Thần. Điều này chỉ có được từ một con tim kiên định.”

Sau một thời gian khá lâu, người Do Thái cùng nhau bàn kế giết ông Saolô. Người ta canh giữ các cửa thành ngày đêm, để tìm dịp giết ông. Nhưng ban đêm, các môn đệ ông đã đưa ông qua tường thành bằng các đặt ông ngồi trong một cái thúng rồi dòng dây thả xuống

Không có nhận xét nào