Làm gì để chuẩn bị cho tương lai ? Ai mà chẳng một lần đặt câu hỏi hay băn khoăn trước tương lai của mình ? Và tương lai, ai mà biết được ; “biết ra sao ngày mai …”  lời của bài hát vẫn còn vang vọng đâu đó … và vẫn là câu hỏi lớn cho nhiều người. Và hơn ai hết, các bạn trẻ có lẽ sẽ đặt nhiều câu hỏi về tương lai của chính mình. Có một điều dễ thấy : Việc chuẩn bị cho tương lai là  điều cần thiết, nhưng chuẩn bị ra sao thì ít người lo tới, vì “biết ra sao ngày mai …”

Trong tất cả các loài sinh vật cao, con người cần thời gian dài hơn cả để chuẩn bị cho cuộc sống của mình. Và quan trọng hơn họ biết rằng với tất cả mọi hoạt động của mình, con người chu toàn một “ơn gọi”, hiểu theo nghĩa là “mình trời ban cho một khả năng và phẩm chất nào đó phù hợp với một công việc riêng biệt”, và “tặng ân” ấy có thể giúp mình sống vui tươi và hạnh phúc, đồng thời góp phần làm cho cuộc đời thêm phần tốt đẹp.
Học làm người
Các nền giáo dục, cho dù có khác nhau về mục tiêu hay phương cách đào tạo, đều nhắm đến việc phát huy tiềm năng nơi con người, hay “ơn gọi làm người” (vocation). Có một điều không thể thiếu cho việc “học làm người” hay việc giáo dục, là tạo ra sự hoà hợp giữa trí thức và đạo đức. Nói một cách khác, ta có thể dùng hai chữ “Tài” và “Đức”. Đây cũng là điểm quan trọng nằm trong mục tiêu đào luyện con người mọi thời. Thiếu mất một trong hai, nhân cách một con người sẽ mất đi nét cân bằng và sự trọn vẹn cần có.
Ta có thể nói với nhau rằng : Tài năng một phần do thiên phú, phần còn lại do học biết và tập luyện. Bạn muốn trở thành ca sĩ, trước hết cần có một giọng ca “Trời cho”, sau đó mới nói tới tập luyện thanh nhạc và cần một chút “vận may”. Trong bạn luôn ẩn tàng những khả năng, như trong một viên kim cương “thô” có một kho báu “bạc triệu”. Viên kim cương đó nếu được mài dũa sẽ có thêm một giá trị mới ; bằng không chỉ là một viên đá xù xì.
Đạo đức một phần do nhân tính mà ra (cảm thức về điều “ác”, điều “thiện”, “làm lành lánh dữ”), phần còn lại nhờ vào việc “được giáo dục” theo các giá trị, cộng thêm việc “nội tâm hoá” từ các chuẩn mực đạo đức được học biết từ người khác và thông qua sự lựa chọn theo lương tâm ngay lành của chính bản thân mình. Người ta trở thành “người” hơn khi biết lựa chọn theo các “giá trị” thay vì dừng lại ở “nhu cầu” – Tôi ăn không chỉ vì nhu cầu “đói” như một con vật mà còn biết mình ăn vì các giá trị như ; để có sức khoẻ, để sống và để làm nhiều điều tốt lành khác nữa.
Bạn có thề làm được nhiều việc theo khả năng “Trời cho”  và có thể sẽ rất thành công, nhưng trong khi thực thi những công việc khác nhau, việc chọn lựa mục tiêu, cách thức và phương tiện cho phù hợp đạo đức cũng là một vấn đề quan trọng. Trong mọi công việc, tài và đức hoà hợp tạo nên sự thành công đích thực. Bạn có thể làm và hoàn thành một việc đơn sơ nào đó cách dễ dàng; công việc này đem  lại  lợi ích nho nhỏ cho bạn và niềm vui cho mọi người ; người ta có thể  gọi điều bạn làm là “công trình”. Bạn cũng có thể xây một cây cầu hay một đập nước khổng lồ hay một trung tâm hạt nhân với công nghệ cao, và nếu tiếc rằng chỉ vì một chút tính toán lợi ích cá nhân hay cục bộ và thiếu trách nhiệm và quên đi mạng sống của nhiều con người, thì việc bạn làm sẽ có thể bị gọi là “thảm hoạ”.
Mỗi một công việc hay một nghề nghiệp đều có những đòi hỏi riêng của nó. Nghề y có “y đức” với những điều quy định về tư cách đạo đức và những ràng buộc của thầy thuốc, về cách thức hành xử với người bệnh … Nghề giáo có những quy định về tư cách người thầy và quy cách ứng xử với học sinh. Nhà khoa học cũng theo những chuẩn mực đạo đức riêng, ít nhất là họ cũng phải tuân theo các luật tự nhiên và không thể đánh mất định nghiên cứu của mình là “vì con người” và “khoa học phải phục vụ lợi ích của con người”. Anh lính chiến phải biết tuân thủ đời sống quân ngũ. Người cảnh sát cũng phải biết tuân theo các quy định về cách ăn mặc, chào hỏi và những luật nghiệp vụ khác. Không những thế, trong vai trò của ngừoi giữ gìn an toàn và trật tự xã hội, họ không thể làm điều gì trái ngược với những gì đã qui định cho mình và cho người khác.
Xem ra đạo đức, ít nhất là theo một “dạng thức” những quy định nào đó,vẫn còn một chỗ đứng quan trọng trong đời sống. Tuy vậy, nhiều người đặt câu hỏi : Liệu rằng những ràng buộc đạo đức trong ngành nghề có bó buộc tài năng người ta hay làm hạn chế khả năng thành công không ? Hãy nhớ rằng con diều bay lên cao nhờ gió đưa giữa trời, mà cũng chính là nhờ sợi dây buộc nó. Diều cứ nghĩ là sợi dây trói buộc nó với mặt đất làm nó không thể bay lên cao hơn. Nhưng cắt đứt dây, diều chẳng bay mãi đâu diều ơi !
Một câu hỏi nữa có thể bạn sẽ nêu lên : Đâu là yếu tố đạo đức giúp thành công ? Ở đây, chúng ta hãy để qua một bên yếu tố “thành công’ hay “luật lệ” mà chỉ nói đến tính chất “đạo đức” trong công việc hay nghề nghiệp của mình. Người ta có thể “thành công” mà không cần nghĩ đến đạo đức (và bị gọi là hạng vô liêm sỉ). Người ta có thể chỉ sống với đạo đức giả, đúng luật mà không nghĩ đến thực tại hay lương tâm con người (và bị gọi là sĩ diện hão hay bất lương). Thật ra, khó mà phán xét một con người vì vẻ bên ngoài, nhưng “lòng đầy thì miệng mới nói ra” và cây kim không thể dấu lâu trong túi áo được ! Đạo đức “thật” có nền tảng từ các “giá trị thật” và cuộc sống”thật” sẽ theo các giá trị ấy. Các giá trị chân thật có tính cách khách quan và phổ quát, vượt qua thử thách của thời gian. (Không phải do ‘tôi nghĩ hay tôi cho rằng”cái bàn này tốt và đẹp” nên nó tốt và đẹp’. Đúng hơn là cái bàn ấy được làm từ gỗ tốt, kiểu cách đẹp và ai cũng thừa nhận. Càng lâu cái bàn tốt và đẹp này có thể trở thành “đồ cổ” có giá trị hơn người ta nghĩ).
Cuộc sống còn có nhiều giá trị khác như tình yêu, tình bạn, vẻ đẹp, sự công bằng, tình huynh đệ, lòng hiếu thảo, sự tự do,sự trung thực, sự trung thành, sự hy sinh, lòng thương người, tính lạc quan …  tất cả đều vượt qua thử thách thời gian và được mọi người công nhận là có giá trị. Trong nghề nghiệp, người ta gọi những ai sống các giá trị này là người làm việc chân chính, có đạo đức, có lương tâm, có trách nhiệm, có lòng tự trọng … Tuy nhiên, để sống các giá trị này chúng ta cần phải biết và lựa chọn một cách mạnh mẽ, một cuộc sống chuẩn mực của các nhân đức, phải đấu tranh từng ngày với những yếu hèn ngay trong chính bản thân mình.
Có những người với công việc của mình, nhờ công sức và mồ hôi, đã kiếm được rất nhiều tiền và trở nên nổi tiếng. Trên các phương tiện truyền thông, họ nói về kinh nghiệm của mình. Với họ, giá trị của lao động, của sự nỗ lực vượt trên mọi khó khăn thử thách  để vươn lên đi kèm với tính chất đạo đức hay các giá trị nhân bản. Họ biết rằng lợi ích thu được xứng với lao nhọc bỏ ra và mọi công việc đều đáng trân trọng vì mang lại các giá trị tốt đẹp cho cuộc đời. Có những người bị thất bại trong công việc, nhưng họ vẫn luôn cảm thấy bình thản, tự tin và tiếp tục dấn thân vì biết mình đã chọn đúng con đường, đã sống với tất cả trách nhiệm và biết tự trọng để “rút lui” cho người khác cũng có “cơ hội làm việc” và có “cơ hội thành công”.
Có thể bạn sẽ cho rằng chẳng quan trọng gì “việc đánh giá của người khác về tôi”, chỉ “mình biết mình là quan trọng hơn”. Tự đánh giá mình, và biết đánh giá mình là điều tốt, tuy vậy, không phải ai cũng làm được. Chỉ những người biết sống chân thành với chính mình, nghĩa là biết đối diện với cái “thực’, cái ‘tài’, cái ‘tâm’ trong mình, đối chiếu tâm hồn và cuộc sống của chính mình với những chuẩn mực đạo đức và cuộc sống của người khác mới “biết mình” hơn. Ai cũng cảm thấy rằng : sẽ “dễ sống” hơn khi mọi người biết trân trọng các giá trị đạo đức và tinh thần, hơn là cứ mãi chạy theo lợi danh, vật chất.
Bạn có thể bước vào đời có khi với hai bàn tay trắng, có khi là cả một gia tài. Bạn có thể sẽ trở nên giàu có hay sẽ thành công với nghề nghiệp và công việc của mình. Nhưng hãy luôn nhớ rằng hạnh phúc thật mà con người ao ước không hệ tại hoàn toàn vào những gì bạn có hay bạn kiếm được cách dễ dàng và phi đạo đức.
Nếu bạn biết cuộc sống của mình là một món quà quí giá thì hãy nên trân trọng và nâng niu nó trong từng giây phút, biết sống và giữ lại những gì thanh tao, cao đẹp cho ‘ta’ và cho ‘người’. Khổng Tử đã từng nói : “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (cái mình không muốn, chớ làm cho người). Đức Giêsu nhấn mạnh ở khoé nhìn tích cực hơn : “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng sẽ làm cho người ta” (Mt 7, 12). Hãy làm những gì là niềm vui, là hạnh phúc của bạn cho cả những người khác nữa ; và như vậy thế giới này sẽ “dễ sống” hơn !
An Phong SDB 
daminhtamhiep