Tôi đấy
Một nửa là ánh sáng, một nửa là tối tăm.
Một nửa là héo úa, một nửa là thắm tươi.
Hai nửa của phận người, sẻ chia thế giới… (*)
Lời bài hát cứ thế dẫn đưa ta đối diện với chính mình…
Tôi đấy, hồi nhỏ tự nhiên khoái được
giúp lễ cực kỳ. Bầu khí linh thiêng và khác biệt của gian cung thánh,
hình ảnh những lễ sinh mặc áo thầy tu được cận kề phụng vụ long trọng…
luôn hấp dẫn với một thằng nhóc 9 tuổi vì cái tật, cái tôi, cái tánh
không ai ưa nổi: hậu đậu, láu táu, nhí nhố, nói leo, bày trò, đánh nhau,
phá rối, nghịch ngợm… có thương hiệu riêng và chẳng chừa một nơi nào.
Biết mình dễ ghét, biết mình dù có thông thuộc giáo lý làu làu nhưng với
“thành tích” bị nhéo tai, bắt quỳ ở nhà thờ nhiều nhất xứ, thì chẳng có
cơ hội thế mà vẫn chứng nào tật nấy đến lớn mới có thuyên có giảm.
Tôi đấy, ngày còn ở quê (thời còn đốt đèn dầu)
thường dậy đi lễ khi gà gáy canh tư. Nhà thờ ở bên kia bờ sông nhưng
qua lại chỉ có duy nhất chiếc phà công cộng tự chèo tự chống, hôm nào
phà chìm thì ngồi đợi mấy chiếc xuồng đi chợ sớm ngang qua để quá giang.
Đường đến nhà thờ buổi sớm tối om, lồi lõm và trơn trượt, lầy lội vào
những ngày mưa. Đi lại khó khăn là vậy và cũng phải vất vả đến trường,
ra đồng, xuống ruộng mỗi ngày nhưng chẳng mấy khi bỏ lễ… Nhớ lại ngày
xưa đơn sơ, siêng năng, đạo đức, để thấy ngày nay tính toán, biếng nhác,
khô khan. Sống ở thành phố, không xa nhà thờ là mấy, đường xá đi xe hay
đi bộ đều dễ dàng thuận lợi, ấy vậy mà việc đi lễ ngày thường lại trở
nên hiếm hoi. Lễ sáng ư? Sớm quá, ngủ chưa đủ giấc sợ ảnh hưởng đến sức
khoẻ. Lễ chiều hả? Đi làm về trễ, đầu óc căng thẳng, giải trí cần hơn.
Kinh tối thì rất vội vàng, qua loa, đại khái vì đã bỏ ra nhiều thời giờ
và sức lực cho “lướt nét”.
Tôi đấy, một người thích … đủ thứ. Thích
tìm chất liệu, tâm tình cầu nguyện nơi thánh vịnh vì thánh vịnh mang
đậm chất thi ca và dễ dàng đưa “hồn ta bay lên”. Thích đọc “thời sự và
suy nghĩ”, “câu chuyện văn hoá”, “câu chuyện chiều thứ bảy” trên báo
Tuổi Trẻ, để không thờ ơ vô cảm trước các vấn đề xã hội, để biết hướng
thiện và sống cuộc sống của một người tử tế. Thích xem phim tâm lý xã
hội lãng mạn, giàu tính nhân văn kiểu như “Doubt” (Lòng Tin),
“Fireproot” (Đừng Để Cháy), “Message In A Bottle” (Tin Nhắn Trong Chai),
và “I Am Sam” (Tôi Là Sam). Thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn vì nhạc của
ông mang hơi hướm của thơ ca, thiền định, triết học về thân phận và tình
yêu để thấy “chỉ có ta trong một thời”, “sống trong đời sống cần có tấm
lòng”, “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” và “tôi là ai, mà yêu quá
đời này” … Nhưng vì thích đủ thứ nên lại nhiều tò mò và rồi bị “ngộ độc”
khi vô tình, khi hữu ý tiếp cận với các trang mạng, bài báo chuyên đẩy
đưa chuyện “khoe hàng”, “lộ hàng”.
Tôi đấy, mới chỉ thực hành chưa trọn vẹn
của nhà soạn nhạc thiên tài người Đức – Van Beethoven: “Luôn luôn có
một nơi nào đó để đến. Bạn hãy yêu tự do hơn tất cả và làm điều thiện ở
bất cứ nơi nào có thể”…
Luôn luôn có nơi nào đó để đến nhưng có
nơi tuy xa mà gần, có nơi tuy gần mà xa và xa hay gần không chỉ do thời
gian đi lại vắn dài mà còn bởi lòng người rộng hẹp. Bến Tre, Tiền Giang,
Cà Mau, Lâm Đồng, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum… xa xôi cách trở là vậy
nhưng vẫn có thể đến để kết nối và chia sẻ. Trong khi hàng xóm gần bên
lại chẳng thể tới lui thăm hỏi, nguyên cớ là lòng mình thành kiến hay
người thành thị lạnh lùng xa cách?
Làm điều thiện khi có thể nhưng có đó
những lăn tăn, lấn cấn. Bác ái là không phân biệt vậy mà lại có cảm giác
người nghèo ở Cà Mau dễ thương hơn người nghèo Quận 8, người nghèo bình
dân dễ gần hơn người trọc phú. Người ta bảo làm việc thiện là phải làm
từ trong nhà ra tới ngoài ngõ, thế nên thật đắng lòng khi nghe những câu
“ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, “làm phúc nơi nao cầu ao rách nát”…
từ những người thân, phải chăng mình đã thiếu sót vì sốt sắng, sẵn sàng,
hết lòng với việc của xã hội, giáo xứ và hội nhóm hơn việc gia đình?
Tôi đấy,…
Đối
diện với chính mình thiệt khó, tìm ra sự thật về mình còn khó hơn,
nhưng khi làm được điều này sẽ thêm chắc chắn: Sáng – Tối, Trắng – Đen,
Tốt –Xấu, Phải – Trái, Đúng – Sai, Được –Hỏng, Thiện – Tà… tồn tại tự
nhiên trong mỗi người dù là người lớn hay trẻ con, và rằng cái tốt có
thể dần lạt phai theo năm tháng, trong khi cái xấu lại dễ lây dễ nhiễm.
Đối diện với mình là thấy mình trong câu chuyện: “Có
hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người tiến sát cung thánh, cầu
nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin tạ ơn Ngài, vì tôi không như bao kẻ khác,
tham lam, bất chính, ngoại tình. Tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, tôi dâng
cho Chúa một phần mười thu nhập của tôi”. Một người đứng đàng xa, chẳng
dám ngước mắt lên trời, vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Chúa, xin
thương xót con là kẻ tội lỗi”… Một người khi trở về nhà, thì đã được nên
công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên, sẽ bị
hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. (**)
Đối diện với mình để nhận thức tâm hồn
con người cũng giống như một đám ruộng, nếu bị bỏ hoang sẽ rậm rạp cỏ
dại, ngược lại nếu được canh tác và trồng trọt thường xuyên sẽ chẳng có
mấy cỏ dại. Thế nên việc tu dưỡng bản thân là mỗi ngày cố gắng giảm bớt
việc xấu đi và làm nhiều việc tốt hơn.
Đối diện với mình để tìm lại giá trị đích thực của bản thân, giá trị được tóm gọn trong hai câu thơ của thi hào Nguyễn Du: “Thiện căn ở tại lòng ta. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”,
để không còn quá chú tâm vào việc học cái chữ mà quên đi việc học làm
người, để không chỉ biết dấn thân cho sự nghiệp mà còn biết dấn thân cho
sự thiện.
Đối diện với chính mình cho tâm tưởng còn mãi câu ca:
“Hai nửa của phận người giằng co níu kéo
Đôi nẻo đôi đường, mình ở giữa ngã ba
Lạc giữa ngã ba, còn giữa ngã ba … chơi vơi
Ta về hỏi Giêsu giã từ đời chơi vơi
Ta tìm cùng Giêsu cho một nửa lên ngôi” (*)
Và xác tín rằng người ta sẽ không chắc
mình đúng hay sai, người ta sẽ chẳng rõ nên đi đâu về đâu, người ta sẽ
khó nghiêng chiều về sự thiện nếu không hướng về Đức Giêsu, Đấng là Mặt
Trời Công Chính, là Đường và là Sự Thật.
Trung Nghị (Chuyên đề Don Bosco 14)
———–
Chú thích:
(*): Bài hát “Hai nửa phận người” của nhạc sĩ Ý Vũ.
(**): Phỏng theo Tin mừng thánh Luca (Lc 18, 9-14)
Chú thích:
(*): Bài hát “Hai nửa phận người” của nhạc sĩ Ý Vũ.
(**): Phỏng theo Tin mừng thánh Luca (Lc 18, 9-14)
Post a Comment