Header Ads

LƯƠNG TÂM CON NGƯỜI

LƯƠNG TÂM CON NGƯỜI
LỜI MỞ ĐẦU
Trong nền Giáo dục Kitô giáo, lương tâm là một chủ đề quan trong, cần phải trình bày cho tất cả mọi người và mọi thế hệ. Bởi vì lương tâm luôn ở trong tâm hồn mọi người, cùng đi với mọi người trong suốt cuộc đời. Thư Chung năm 2007 của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã viết: “Giáo dục Kitô giáo còn nhấn mạnh việc huấn luyện lương tâm: Huấn luyện lương tâm không chỉ là giảng dạy cho nhau những mệnh lệnh của hệ thống luật luân lý, nhưng còn là tập cho nhau hồn nhiên lắng nghe lòng mình phán đoán thiện ác. (số 36)    

         
Nhưng lương tâm là gì ? Vai trò của lương tâm trong đời sống của loài người thế nào ? Phán quyết của lương tâm có buộc loài người phải tuân theo không ? Lương tâm có thể sai lầm không ? Lương tâm có cần phải được huấn luyện không ? Và huấn luyện bằng cách nào ?
Trong tinh thần chia sẻ, tôi dựa vào Thánh Kinh, Công đồng Vat II và Giáo lý chung của Hội Thánh để trình bày về lương tâm con người. Tôi ước mong mọi người thường xuyên lắng nghe và làm theo tiếng lương tâm ngay chính, để được sống bình an ở đời này và hưởng hạnh phúc trường sinh trong Nước Trời.
 1- ĐINH NGHĨA LƯƠNG TÂM
Hội thánh Công giáo đã đưa ra nhiều định nghĩa về lương tâm, mỗi định nghĩa trình bày một khía cạnh của lương tâm như sau :
a) “Lương tâm là tâm điểm sâu lắng nhất và là cung thánh của con người; nơi đây con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ.”  (HCMV số 16)
          b)Lương tâm là một phán quyết của lý trí; nhờ đó, con người nhận biết một hành vi cụ thể mình định làm, đang làm hay đã làm, là tốt hay xấu. Trong lời nói và hành động, con người phải trung thành tuân theo điều mình biết là chính đáng và ngay lành. Nhờ phán quyết của lương tâm, con người ý thức và nhận ra những quy định của luật Thiên Chúa.” (GLCG số 1778)
           c)Lương tâm là một lề luật của tinh thần con người, nhưng vượt trên con người. Lương tâm ra lệnh, nêu lên trách nhiệm và bổn phận, điều chúng ta phải sợ và điều có thể hy vọng…” (GLCG số 1778)
          d) “Lương tâm là sứ giả của Đấng nói với chúng ta sau một bức màn, dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta, trong thế giới tự nhiên cũng như trong thế giới ân sủng.” (GLCG số 1778)
Như vậy, tiếng nói lương tâm chính là ân huệ mà Thiên Chúa đã ban cho loài người, như là của ăn tinh thần, mà Chúa Giêsu đã tuyên bố :
“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4,4)
  Tóm lại, lương tâm là tiếng nói vô hình của Thiên Chúa trong tâm hồn con người, thúc giục con người hãy yêu mến và làm điều thiện, tránh xa điều ác.    
        2- ĐỊA VỊ CỦA LƯƠNG TÂM
          Lương tâm giữ địa vị rất quan trọng trong đời sống của con người. Lương tâm hướng dẫn mọi hoạt dộng của con người. Vì thế, tất cả mọi người phải thường xuyên lắng nghe và tuân theo tiếng nói của lương tâm.
          Hội thánh đã xác định như sau :
          – “Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo. Tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh xa điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người. Quả thật, con người có một lề luật được Thiên Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người…” (HCMV số 16)
          – “Lương tâm hiện diện trong lòng người và ra lệnh (Rm 2, 14-16) đúng lúc cho con người làm lành lánh dữ. Lương tâm phán đoán các lựa chọn cụ thể bằng cách tán thành lựa chọn tốt, tố giác lựa chọn xấu.” (Rm 1, 32).
          – “Lương tâm chứng nhận thế giá của chân lý bằng cách quy chiếu về Thiên Chúa là sự thiện tối thượng, Đấng thu hút và ban mệnh lệnh cho con người. Khi nghe theo tiếng lương tâm, người khôn ngoan có thể cảm nhận được Thiên Chúa đang nói với mình.” (GLCG số 1777)
          Như vậy, Lương tâm gồm ba điều :        
          a) Nhận biết các nguyên tắc luân lý. 
          b) Áp dụng vào việc cân nhắc thực tiễn các lý do và lợi ích trong những hoàn cảnh cụ thể.         
          c) Cuối cùng phán quyết về các hành vi cụ thể sắp làm hay đã làm. Nhờ phán quyết khôn ngoan của lương tâm, con người nhìn nhận, trong thực tiễn và cụ thể, chân lý điều thiện đã được lý trí nêu lên. Người khôn ngoan là người chọn theo phán quyết này.”
(GLCG số 1780)
          Vì thế, “Con người có quyền hành động theo lương tâm và trong tự do, để tự mình có những quyết định luân lý. “Không được cưỡng bức ai hành động trái với lương tâm của họ. Cũng không được ngăn cản họ hành động theo lương tâm, nhất là trong lãnh vực tôn giáo.” (GLCG số 1782)   
 3- PHÁN ĐOÁN THEO LƯƠNG TÂM
          a) Lương tâm phán đoán có khi khi đúng, có khi sai :
Từ khi nguyên tổ phạm tội, tinh thần của loài người đã trở nên yếu đuối, và tội lỗi đã làm cho lương tâm không còn hoàn toàn trong sáng nữa. Vì thế, lương tâm có thể phán đoán đúng, có khi cũng sai lầm.
Hội Thánh xác định như sau :
- “Khi phải đứng trước một chọn lựa, lương tâm có thể phán đoán đúng, hợp theo lý trí và luật Thiên Chúa, hoặc ngược lại, phán đoán sai.” (GLCG số 1786)     
b) Lương tâm phán đoán đúng, khi tìm sự công chính và thiện hảo:  Hội Thánh trình bày như sau :       
          – “Đôi khi gặp những hoàn cảnh không phán đoán chắc chắn được nên khó quyết định, con người phải luôn luôn tìm kiếm điều công chính và thiện hảo, cũng như nhận định đâu là thánh ý trong lề luật Thiên Chúa.”
(GLCG số 1787)
          c) Lương tâm phán đoán đúng, khi đón nhận sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và sự khôn ngoan của những người hiểu biết:
- “Muốn vậy, chúng ta phải cố gắng giải thích đúng đắn kinh nghiệm của mình và các dấu chỉ thời đại, nhờ vào đức khôn ngoan, lời khuyên bảo của những người hiểu biết cũng như sự trợ lực của Chúa Thánh Thần và ân sủng của Người.” (GLCG số 1788)
          Thật vậy, Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn lương tâm con người; như thánh Phaolô đã nói : “Có Đức Ki-tô chứng giám, tôi xin nói sự thật, tôi không nói dối và lương tâm tôi, được Thánh Thần hướng dẫn,” (Rm 9,1). “Chúng tôi tin rằng chúng tôi có lương tâm ngay lành, muốn ăn ở tốt trong mọi hoàn cảnh.” (Dt 13,18)
d) Lương tâm phán đoán đúng, khi dựa theo các nguyên tắc luân lý:
- “Một vài quy tắc luân lý có thể áp dụng trong mọi trường hợp :
          1/ Không bao giờ được phép làm điều xấu để đạt một kết quả tốt. (nghĩa là mục đích tốt và các phương tiện đạt đến mục đích đều phải tốt) :
2/ Khuôn vàng thước ngọc : “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta.” (Mt 7,12; Lc 6,31;Tb 4,15).
          3/ Đức bác ái Kitô giáo luôn luôn đòi chúng ta tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ. “Phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm của họ… là phạm đến Đức Kitô” (1Cr 8,12). “Tốt nhất là tránh những gì gây cớ cho anh em mình vấp ngã.” (Rm 14,21). (GLCG số 1789)
4- NGUYÊN NHÂN PHÁN ĐOÁN SAI LẦM
Nhiều nguyên nhân dẫn đến lương tâm phán đoán sai lầm :
a) Lương tâm phán đoán sai lầm, khi không đón nhận sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần:
Khi chúng ta không đón nhận sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, thì lúc đó ma quỷ, tiền bạc, danh vọng và quyền lực sẽ xen vào, làm cho lương tâm chúng ta bị lu mờ, sai lầm, dần dần trở nên mù quáng. Trong thực tế, lương tâm của nhiều người ngày nay, kể cả một số người có tôn giáo, đã trở thành mù quáng, họ là những kẻ dối trá, bất công, ích kỷ, giêt người, ôm bom giết người hàng loạt. . .   
 Thánh Kinh đã khẳng định : “Kẻ gian ác tự đưa ra bằng chứng để lên án chính mình là hèn hạ: bị lương tâm dày vò nó luôn cảm thấy mình khổ sở.(Kn 17,11) Và “Phúc thay ai không bị lương tâm cắn rứt, và kẻ không rơi vào thất vọng.” (Hc 14,2)
b) Lương tâm phán đoán sai lầm, do thiếu hiểu biết về các nguyên tắc luân lý :
“Con người luôn luôn phải tuân theo phán đoán chắc chắn của lương tâm mình. Nếu chủ ý hành động nghịch với phán đoán ấy, con người tự kết án chính mình. Nhưng có thể lương tâm thiếu hiểu biết, nên phán đoán sai lầm về các hành vi sẽ làm hoặc đã làm.” (GLCG số 1790)
c) Lương tâm phán đoán sai lầm, khi không lo lắng tìm kiếm chân lý và với thói quen phạm tội sẽ làm cho lương tâm dần dần trở nên mù quáng :
“Thông thường, cá nhân phải chịu trách nhiệm về sự thiếu hiểu biết ấy. Điều này xảy đến khi : “Con người không mấy lo lắng tìm kiếm chân lý và điều thiện, cũng như khi vì thói quen phạm tội mà lương tâm dần dần trở nên mù quáng”  (GS 16). “Trong các trường hợp đó, con người phải chịu trách nhiệm về điều xấu đã làm.” (GLCG số 1791)
d) Lương tâm phán đoán sai lầm, do thiếu hiểu biết về Đức Kitô và Tin Mừng Ngài rao giảng, theo gương xấu … và khước từ quyền bính và giáo huấn của Hội Thánh :
          “Những lệch lạc trong phán đoán luân lý có thể xuất phát từ thiếu hiểu biết về Đức Kitô và Tin Mừng; gương xấu của người khác; nô lệ các đam mê; nghĩ sai lạc về tự do lương tâm; khước từ quyền bính và giáo huấn của Hội Thánh; thiếu hoán cải và bác ái.” (GLCG số 1792)
Nếu không thể khắc phục được tình trạng thiếu hiểu biết, hoặc nếu phán đoán sai lạc không do trách nhiệm của chủ thể luân lý, thì người đó không chịu trách nhiệm về điều xấu đã làm. Tuy nhiên, điều xấu ấy vẫn là điều xấu, một khiếm khuyết, một rối loạn; do đó, phải ra sức uốn nắn lương tâm cho khỏi sai lầm.” (GLCG số 1793)
5- HUẤN LUYỆN LƯƠNG TÂM
a) Vì lương tâm có thể sai lầm và có khi trở thành mù quáng, nên việc huấn luyện lương tâm là rất cần thiết và phải theo đuổi suốt đời :
Hội Thánh khẳng định rằng :
-“Lương tâm phải được huấn luyện và phán đoán luân lý phải được soi sáng. Một lương tâm được huấn luyện tốt sẽ phán đoán ngay thẳng và chân thật. Lương tâm này sẽ đưa ra những phán quyết theo lý trí, phù hợp với điều kiện đích thực như Đấng Sáng tạo đầy khôn ngoan muốn. Việc giáo dục lương tâm rất cần thiết cho những người chịu các ảnh hưởng tiêu cực và bị tội lỗi cám dỗ làm theo ý riêng và bỏ những giáo huấn chính thức.” (GLCG số 1783) 
          - “Giáo dục lương tâm là nhiệm vụ phải theo đuổi suốt đời. Ngay từ thời thơ ấu, trẻ con phải được hướng dẫn để nhận biết và thực hành luật nội tâm đã được lương tâm công nhận. Một nền giáo dục tốt dạy con người sống đức hạnh, bảo vệ và giải thoát con người khỏi sợ hãi, ích kỷ và kiêu căng, những mặc cảm tội lỗi và thái độ tự mãn, những thứ phát xuất từ sự yếu đuối và dễ sai lầm của con người. Giáo dục lương tâm bảo đảm tự do và tạo bình an trong tâm hồn.” (GLCG số 1784)   
          b) Việc đầu tiên để huấn luyện lương tâm là lắng nghe Lời Chúa trong Thánh Kinh, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần và sự hương dẫn của Hội Thánh :
Từ khi nguyên tổ phạm tôi, thì tiếng nói vô hình của Thiên Chúa trong tâm hồn con người, tức là lương tâm, bị tội lồi làm lu mờ. Vì thế, Thiên Chúa yêu thương loài người, Ngài đã ban cho loài người tiếng nói hữu hình, chính là Lời Chúa trong Thánh Kinh, để bổ túc cho tiếng nói vô hình là lương tâm. Quả thật Thiên Chúa đã sai Ngôi Lời là Chúa Giêsu đến ở giữa loài người để dạy dỗ loài người một cách đầy đủ và chính xác. Như vậy, chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa trong Thánh Kinh để huần luyện lương tâm ngay chính.
Hội thánh đã khẳng định như sau : 
- “Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường để huấn luyện lương tâm. Chúng ta phải lãnh hội Lời Chúa trong đức tin, trong kinh nguyện và đem ra thực hiện; phải kiểm điểm lương tâm dưới ánh sáng Thập Giá Đức Kitô; nhờ ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp, có các chứng từ và lời khuyên nhủ của anh em giúp đỡ, được giáo huấn chính thức của Hội Thánh hướng dẫn.” (DH 14). (GLCG số 1785)
Chúa Giêsu chúc phúc cho những ai biết lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa :
 - “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa.” (Lc 11,28)
          - “Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá . . . còn ai nghe những lời Thầy nói đây mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát.”  (Mt 7,24.26)
          c) Việc thứ hai để huấn luyện lương tâm là cầu nguyện và sám hối:
1/ Cầu nguyện :
          Cầu nguyện là giờ phút linh thiêng, cá nhân con người gặp gỡ Chúa. Vì thế, hằng ngày, khi cầu nguyện, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần tác động và “sửa lại mọi sự trong ngoài,” thì lương tâm chúng ta sẽ trở nên ngay chính :
Chính Thánh Phaolô cũng đã xin mọi người cầu nguyện :
Xin anh em cầu nguyện cho chúng tôi. Chúng tôi tin rằng chúng tôi có lương tâm ngay lành, muốn ăn ở tốt trong mọi hoàn cảnh.” (Dt 13,18)
2/ Sám hối :
          Việc sám hối mọi sai lầm, là điều kiện để nhận ơn tha thứ và làm cho  lương tâm trở nên ngay chính :
          Hội Thánh cũng luôn kêu gọi :
 Mỗi người phải quay về với nội tâm, để có thể nghe được và tuân theo tiếng lương tâm. Ngày nay, việc quay về với nội tâm càng cần thiết hơn bao giờ hết, vì nếp sống hiện đại thường làm chúng ta trốn tránh suy nghĩ, kiểm điểm hay phản tỉnh : “Anh em hãy quay về tự vấn lương tâm….Hãy quay về với nội tâm. Trong mọi sự anh em làm, hãy nhìn lên Thiên Chúa, Người chứng giám cho anh em.” (T. Âu-tinh) ((GLCG số 1779)          
           - “Khi xác định lỗi lầm đã phạm, lương tâm nhắc nhở ta phải cầu xin ơn tha thứ, thực hành điều thiện và luôn trau dồi nhân đức nhờ ân sủng của Thiên Chúa trợ giúp : “Chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa. Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, thì Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự.” (1Ga 3,19-20 ) (GLCG số 1781)
          d) Việc thứ ba để huấn luyện lương tâm là nh nhận các bí tích.
          1/ Bí tích Thanh Tẩy :
          Thánh Phêrô đã giải thích về ý nghĩa của phép rửa như sau :
          – Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô.” (1 Pr 3,21)
          2/ Bí tích Thánh Thể :
          Thánh Phaolô cũng khẳng định Máu Chúa Kitô thanh tảy lương tâm chúng ta :
          – “Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống.” (Dt 9,14)
          3/ Bí tích Giao Hoà :
          Hội thánh đã dạy như sau :
          “Việc năng xưng các tội nhẹ, giúp chúng ta rèn luyện lương tâm, giúp chúng ta chiến đấu chống lại các khuynh hướng xấu, sẵn sàng để Đức Kitô chữa lành và tiến tới trong đời sống theo Thánh Thần. Nếu chúng ta thường xuyên hưởng nhờ lòng nhân từ của Chúa Cha qua bí tích Giao Hòa thì dần dần chúng ta cũng trở nên nhân từ như Người.” (Lc 6,36)  (GLCG số 1458)
Lm Giuse Hoàng Kim Đại
nguon xuanbichvietnam

Không có nhận xét nào