Đức Thánh Cha gửi thư cho Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon
VATICAN. Qua thư gửi Ông Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon, ĐTC kêu gọi cộng đồng quốc tế cứu trợ nhân đạo và giúp chấm dứt bạo lực chống các tín hữu Kitô và tín đồ các tôn giáo thiểu số tại Irak.
Trong thư gửi đề ngày 9-8-2014 gửi ông Ban Ki Moon và được Phòng báo chí Tòa Thánh công bố trưa hôm 13-8-2014, ĐTC viết:
”Với tâm hồn nặng chĩu và lo âu, tôi theo dõi các biến cố bi thảm trong những ngày gần đây tại miền bắc Irak, nơi mà các tín hữu Kitô và tín đồ các tôn giáo thiểu số khác bị bó buộc phải trốn chạy khỏi gia cư của họ và chứng kiến sự tàn phá các nơi thờ phượng cũng như gia sản tôn giáo của họ. Xúc động vì số phận đau thương của họ, tôi đã xin ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, người đã từng làm Đại diện của các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm của tôi, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 và Biển Đức 16 nơi nhân dân Irak, đến biểu lộ sự gần gũi tinh thần của tôi và bày tỏ mối quan tâm của tôi cũng như của toàn thể Giáo Hội Công Giáo, đối với sự đau khổ không thể chấp nhận được của những người chỉ muốn được sống trong an bình, hòa hợp và tự do nơi phần đất của cha ông họ”.
Với cùng tinh thần đó, thưa ông Tổng thư ký, tôi viết cho ông, và đặt trước ông nước mắt, sự đau khổ và tiếng kêu thống thiết tuyệt vọng của các tín hữu Kitô và các tín đồ tôn giáo thiểu số khác nơi đất nước Irak yêu quí. Tôi lập lại lời kêu gọi cấp thiết gửi đến cộng đồng quốc tế: xin hãy hành động để chấm dứt thảm trạng nhân đạo đang diễn ra, và tôi khuyến khích tất cả các cơ quan thẩm quyền của LHQ, đặc biệt các cơ quan đặc trách về an ninh, hòa bình và công pháp nhân đạo, cũng như cơ quan trợ giúp những người tị nạn, hãy tiếp tục nỗ lực phù hợp với Lời tựa và các điều khoản quan trọng trong Hiến Chương LHQ”.
”Những cuộc tấn công tàn bạo đang càn quét qua miền bắc Irak không thể không thức tỉnh lương tâm của mọi người nam nữ thiện chi và thúc đẩy họ có những hành vi liên đới cụ thể để bảo vệ những người bị thương tổn hoặc bị bạo lực đe dọa và đảm bảo sự trợ giúp cần thiết và cấp thời cho bao nhiêu người phải tản cư cũng như giúp họ trở về thành thị và gia cư của họ trong an toàn. Những kinh nghiệm thê thảm trong thế kỷ 20 và sự ý thức cơ bản nhất về phẩm giá con người thúc đẩy cộng đồng quốc tế, đặc biệt qua các qui luật và cơ cấu công pháp quốc tế, làm tất cả những gì có thể để chặn đứng và ngăn ngừa không để xảy ra nữa những bạo lực có thệ thống chống các nhóm chủng tộc và tôn giáo thiểu số”.
Và ĐTC kết luận rằng: ”Với niềm tín thác lời kêu gọi, mà tôi liên kết với những lời kêu gọi của các vị Thượng Phụ Đông Phương và các vị lãnh đạo tôn giáo khác sẽ được đáp trả tích cực, tôi tái bày tỏ với ông Tổng thư ký lòng quí trọng sâu đậm nhất của tôi”. (SD 13-8-2014)
G. Trần Đức Anh OP
Post a Comment