Đổi mới kì thi quốc gia 2015 TNO
(TNO) Chiều nay, 9.9, tại buổi họp báo thường kỳ quý III, Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố thông tin kỳ thi quốc gia chung, bắt đầu triển khai từ năm 2015
Cụ thể, phương án tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia từ năm 2015 với 6 nội dung cơ bản sau:
1. Chỉ còn một kỳ thi quốc gia duy nhất.
Từ năm 2015, tổ chức một kỳ thi quốc gia (gọi là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia) lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Dự kiến, kỳ thi THPT quốc gia hằng năm
được tổ chức vào trung tuần tháng 6. Trong năm 2015, kỳ thi được tổ chức
trong các ngày 9, 10, 11 và 12 tháng.
2. Thí sinh phải thi 4 môn tối thiểu.
Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và
xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, thí sinh phải thi 4 môn
(gọi là 4 môn thi tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại
ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch
sử và Địa lí.
Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể
đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ
hội xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Đông đảo phóng viên tham dự họp báo - Ảnh: Nguyễn Tuấn
|
Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Với những thí sinh không học môn Ngoại ngữ
hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi
thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.
Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định do Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ.
3. Đề thi phân hóa trình độ thí sinh.
Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí:
Thi tự luận, thời gian thi 180 phút; các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học,
Ngoại ngữ: Thi trắc nghiệm, thời gian thi 90 phút.
Đề thi đánh giá thí sinh ở 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh.
4. Tổ chức thi theo cụm.
Việc coi thi, chấm thi được tổ chức theo
cụm. Bộ GD-ĐT sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức
coi thi, chấm thi cho các trường đại học đủ năng lực.
Tại các địa phương không có cụm thi do
trường đại học chủ trì, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh
tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT sẽ thống
nhất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các Sở GD-ĐT
chủ trì.
5. Xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Các Sở GD-ĐT kết hợp sử dụng kết quả 4 môn
thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích
(nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
6. Đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng sau khi làm bài thi.
Trước ngày 01 tháng 01 hằng năm, các đại
học, học viện, trường đại học, cao đẳng (gọi chung là trường ĐH, CĐ)
công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh.
Căn cứ kết quả thi, Bộ GD-ĐT công bố
ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn. Các trường ĐH, CĐ sử
dụng kết quả kỳ thi dựa trên ngưỡng điểm này để tuyển sinh theo quy định
của quy chế.
Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH,
CĐ và kết quả thi của mình, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường
theo nguyện vọng cá nhân.
Các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo các
phương thức khác phải xây dựng và công bố công khai Đề án tự chủ tuyển
sinh theo quy định của quy chế.
source tno
Post a Comment