Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là vị lãnh đạo cộng sản cao cấp đầu tiên của Hà Nội diện kiến Đức Giáo Hoàng Công giáo La Mã.
Đó là vào ngày 25/01/2007, ông đã có buổi tiếp xúc với Đức Giáo Hoàng Benedict XVI;
Sau
đó, các vị lãnh đạo cao cấp khác như cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh
Triết, Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lần lượt đến La Mã diện kiến Đức Giáo
Hoàng.
Đài Phát thanh Vatican loan báo hôm 18/10/2014, Đức Giáo
Hoàng Francis đã tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đây là lần thứ nhì
ông Dũng đến thăm viếng Vatican.
Sau đó, Vatican đưa ra một thông cáo có đoạn viết như sau:
"Hôm
nay, Đức Thánh Cha Francis đã tiếp kiến ngài Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng
nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Sau đó, Thủ tướng đã gặp Đức
Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican, có Đức Tổng Giám mục
Dominique Mamberti, Ngoại trưởng Vatican tháp tùng… Trong cuộc hội kiến
thân mật, hai bên đã bày tỏ sự hài lòng về cuộc gặp hôm nay, vốn đánh
dấu một bước quan trọng trong tiến trình tăng cường quan hệ song phương
giữa Vatican và Việt Nam...
"Trong bối cảnh đó, Vatican bày tỏ sự
đánh giá cao về sự nâng đỡ của các giới chức có thẩm quyền dành cho cộng
đồng Công Giáo phù hợp với sự phát triển đã được Hiến Pháp 2013 thừa
nhận liên quan đến chính sách tôn giáo cũng như sự trợ giúp dành cho vị
Đại diện không thường trú của Vatican tại Việt nam trong việc thi hành
sứ mạng của ngài, nhằm mục đích xúc tiến mối quan hệ giữa Giáo Hội và
Nhà nước và hướng tới mục tiêu chung là thiết lập quan hệ ngoại giao.
"Sau
đó, hai bên cũng thảo luận về một số vấn đề vốn được hy vọng sẽ được
tiếp tục xem xét và giải quyết thông qua những kênh đối thoại hiện có…
Cuối cùng, hai bên đã trao đổi ý kiến về những vấn đề quốc tế và khu vực
đặc biệt là những sáng kiến nhằm thăng tiến hòa bình và ổn định tại khu
vực Châu Á…"
Theo thông cáo trên thì cả Vatican lẫn Hà Nội đang
tìm kiếm cơ hội “nhằm mục đích xúc tiến mối quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà
nước và hướng tới mục tiêu chung là thiết lập quan hệ ngoại giao.”
Đây cũng là lý do chính thức được đưa ra cho chuyến thăm Vatican của ông Dũng lần này.
Tuy nhiên có thể do yêu cầu của phiá Việt Nam nên thông cáo của Vatican còn có thêm đoạn văn sau:
"Cuối
cùng, hai bên đã trao đổi ý kiến về những vấn đề quốc tế và khu vực đặc
biệt là những sáng kiến nhằm thăng tiến hòa bình và ổn định tại khu vực
châu Á…”
Rõ ràng phía Việt Nam đã đặt mục tiêu chính cho chuyến
công du Vatican lần này của ông Dũng trong khuôn khổ chung của chuyến
“Âu du” đó là tìm kiếm ủng hộ quốc tế cho “hồ sơ Biển Đông”.
Đàm nhưng không phán
Thực
ra đối với lãnh đạo cộng sản Hà Nội, bang giao với Vatican không phải
là điều trọng yếu mà chỉ là một thủ thuật ngoại giao nhằm duy trì sự độc
quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Vì đối với họ, Công giáo là lực lượng duy nhất có khả năng thực sự đe dọa sự tồn vong của chế độ cộng sản ở Việt Nam.
Tiến
trình thiết lập bang giao là ưu tiên hàng đầu nhưng chỉ là tiến trình
mà thôi. Điều đó có nghĩa rằng chỉ tiến hành “tiếp cận và đàm phán”
nhưng không có mục đích kết thúc đàm phán để chính thức thiết lập bang
giao.
Hà Nội tiếp tục trì hoãn và dĩ nhiên Vatican không phải không biết điều này.
Tuy
nhiên, về mặt nổi thì dường như cả hai bên đều cố đưa ra ba vấn đề như
sau tạm gọi là còn “tồn đọng” giữa Việt Nam và Vatican.
Thứ nhất,
Hà Nội không đồng ý yêu sách của Vatican về việc giải quyết các vấn đề
tài sản của Giáo hội tại Việt Nam. Hà Nội nêu lý do đơn giản là do hoàn
cảnh lịch sử nên họ không thể hoàn trả tất cả các tài sản của Giáo hội
tại Việt Nam có từ thời Pháp thuộc đến nay.
Về điểm này thì trên
bàn đàm phán chính thức cũng như trong hành lang hoặc phòng kín, Hà Nội
luôn mềm mỏng, tỏ rõ thiện chí là họ có thể nhượng bộ nhưng họ cũng ngầm
chuyển đạt thông điệp là Vatican còn cần nhượng bộ rất nhiều và rất
nhiều nữa.
Nhưng trong thực tế, nếu Hà Nội thực tâm muốn thiết lập
bang giao thì đây không phải là vấn đề lớn trên bình diện của một quốc
gia. Vấn đề là Hà Nội chỉ sử dụng Vatican như một lá bài ngoại giao
chiến lược cần thiết.
Thứ hai, Hà Nội và Vatican cũng
tỏ ra không đồng ý với nhau về vai trò của Vatican và Hà Nội trong mối
“quan hệ ba chiều” giữa Hà Nội, Giáo hội Công giáo Việt Nam và Vatican.
Về
điểm này, giả sử như Hà Nội đang thương thuyết thật thì hai bên sẽ có
thể gặp nhau ở một điểm chung nhất định nào đó nếu thực sự có “áp lực”.
Theo
nhận xét của chúng tôi thì Vatican đã và luôn sẵn sàng chấp nhận thỏa
hiệp và nhượng bộ nếu “áp lực” đó thực sự thấy có nhu cầu “tiếp cận tiệm
tiến” với Hà Nội.
Cả Vatican và Hà Nội đều có nhu cầu và quyền lợi chiến lược trong thoả hiệp này.
Thứ ba, yếu tố Trung Quốc cũng là một lý do được nêu ra như một “vấn đề tồn đọng” trong đàm phán bang giao.
Tuy
nhiên đây vẫn chỉ là một “ẩn số ảo”. Vì không có bằng chứng gì cụ thể
để cho rằng Trung Quốc đang ngăn cản tiến trình phát triển quan hệ ngoại
giao giữa Vatican và Việt Nam mặc dù việc Bắc Kinh và Vatican chưa có
quan hệ tốt có thể trong suy diễn của một số người đã không ít thì nhiều
tác động lên tiến trình thiết lập quan hệ giữa Việt Nam và Vatican.
Như trên đã trình bày thì Hà Nội chưa bao giờ có thực tâm muốn thiết lập bang giao với Vatican.
Họ chỉ sử dụng Vatican như một thủ thuật ngoại giao nhằm cố duy trì sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Công giáo Việt Nam trong suốt thời kỳ lịch sử cận và
hiện đại luôn là lực lượng duy nhất có tổ chức, chủ thuyết chính trị hẳn
hòi và đủ khả năng thực sự đe dọa sự tồn vong của chế độ cộng sản ở
Việt Nam.
Mọi thỏa hiệp với Vatican của Đảng Cộng sản Việt Nam
trong tương lai nếu có, chỉ mang tính nhất thời và phục vụ ý đồ chính
trị chiến lược của Hà Nội. Nó không những không mang lại lợi ích gì cho
Vatican, Giáo hội và giáo dân Việt Nam nói riêng mà còn đi ngược lại
quyền lợi của quảng đại quần chúng nhân dân Việt Nam nói chung.
Hà
Nội đang cố tình dùng tiến trình này để "cầm chân" các nhà tranh đấu
công giáo cho một Việt Nam tự do, dân chủ và thịnh vượng.
Họ cố
đưa ra một thông điệp là sắp có quan hệ với Vatican để làm nhụt chí các
nhà đấu tranh, mặt khác họ thẳng tay đàn áp hòng dập tắt mọi tiếng nói
khác nhằm tiếp tục duy trì độc quyền lãnh đạo.
Thực ra tương lai
quan hệ Việt Nam–Vatican phải do chính giáo dân và nhân dân Việt Nam
quyết định, không phải do một thỏa hiệp với Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của luật sư Vũ Đức Khanh từ Ottawa, Canada. source from BBCVIETNAMESE
Post a Comment