Xét mình với luân lý Tân Ước Phần 2 tiếp theo
Và đây, luật Tin mừng hay luật Đức Kitô
Như đã thấy trong Mt.5.21-48, Chúa cấm
những điều nhẹ hơn nhiều (chỉ chửi rủa đã có tội rồi, chứ chưa cần hại
người, thậm chí giết người), buộc ngặt hơn (không chỉ cấm thề gian, mà
còn buộc phải thành thật nữa), lại xét từ trong lòng xét ra (chỉ ham
muốn người khác phái đã có tội, chứ chưa cần có hành vi ngoại tình hay
gian dâm). Còn nói về lòng nhân, thì luật Chúa thật quá cao, do đó cũng
thật khó giữ: Phải yêu thương hết mọi người, dù cho đây là người xa lạ
(như người Samaritanô đối với Do Thái), thậm chí yêu kẻ thù, lại còn làm
ơn cho kẻ hại mình nữa chứ!
Nói chung, luật TƯ là luật Tình yêu, khi
mà chính Thiên Chúa là Tình yêu viết hoa (1Yo.4.8). Vì bản chất là Yêu,
nên yêu loài người, Thiên Chúa đã yêu họ trước, ngay khi họ còn là tội
nhân, là kẻ thù của Ngài. Yêu đến nỗi Ngài đã sai chính Con một giáng
trần làm người để cứu ta bằng cái chết. Khai mở đạo Tình yêu, Ngài đã
truyền lệnh cho chúng ta phải yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương
chúng ta (Yo.13.14), yêu đến có thể hy sinh mạng sống vì người
(Yo.15.13).
*
Quả thật, luật Chúa Kytô là một nền đạo
đức quá cao, quá khác thường. Khác thường ngay từ Bài giảng trên núi vốn
được đánh giá là bản Tuyên ngôn Nước Thiên Chúa:
-Phúc cho những ai nghèo khổ; phúc cho người khóc lóc, bị ghét bỏ, chửi rủa, chịu sỉ nhục, bách hại…(Mt.5.3-12; Lc.6.20-26).
Ai nấy, xưa cũng như nay, đều coi Phúc
là ở “Đa tử, đa tôn, đa phú quý”,v.v…, chứ nghèo khổ, bị hà hiếp và sỉ
nhục chỉ được coi là những điều bất lợi, không may thôi. Nên để thực sự
hiểu con đường Chúa, không thể không lộn đầu đi ngược!
Phải chăng khó như thế thì không ai giữ
nổi? Thật ra, với người phàm thì thế, chứ với (ơn) Chúa thì giữ chẳng
khó chi (Mt.19.26). Bằng chứng là đời nào cũng có thánh Công giáo, mà có
nhiều là khác. Mà thánh không chỉ là giữ được luật Chúa khi có khi
không, hoặc giữ với những khuyết điểm, nhưng là giữ một cách hoàn hảo,
thường hằng, nhất là tiến xa hơn luật vào con đường quảng đại của tình
yêu. Đường Tình yêu chính là đường Tin mừng, đường mà Chúa khai mở cho
hết mọi tín đồ chân thực của Chúa. Bởi được rửa (dìm) nhân danh Chúa đã
là thành một với Thầy Giêsu trong mầu nhiệm Thánh giá và Phục sinh, như
thánh Phaolô giải thích (Rom.6.3-14; Col.2.12). Thành một với Chúa trong
mầu nhiệm kép ấy ở bề sâu, là để có thể sống hai mầu nhiệm ấy ở bề mặt.
Sống được như vậy một cách hoàn hảo, đó là thánh. Và để thánh được như
vậy chỉ cần sống theo Tin mừng, dựa vào sức đẩy của ân sủng, sự trợ lực
của Chúa Thánh Thần. Đó cũng là làm hiển lộ Chúa Kytô trong đời sống, để
ta có thể nói theo thánh Phaolô :“Tôi sống, mà không phải tôi sống nữa,
nhưng Đức Kytô sống nơi tôi” (Gal.2.20).
Post a Comment