Xét mình với luân lý Tân Ước Phần 3 tiếp theo
Luật Đức Kitô hôm nay
Xưng tội là thú nhận tội lỗi mình.
Hồi đầu trong Giáo hội, người ta chỉ
nhấn vào ba tội lớn và công khai : giết người, gian dâm và chối đạo.
Người phạm một trong ba tội ấy sẽ bị “rút phép thông công” (như trong
1Cor.5.5), cùng lúc phải đền tội thật lâu và thật nặng trước khi được
tiếp nhận lại vào ngày thứ Năm Tuần thánh.
Sự giải vạ này sẽ không được
lặp lại lần thứ hai nếu kẻ đó tái phạm.
Sau này, do ảnh hưởng cách làm của dân
đảo Anh-Ái Nhĩ Lan (ở đó Hội thánh được quản trị bới các đan sỹ), phép
hối giải trở thành tư riêng, được lặp đi lặp lại mãi, đồng thời mở ra
đối với mọi tội, trừ những tội được dành riêng theo giáo luật. Thế mà
vào thưở ấy, giáo sỹ không được đào tạo gì về thần học, nên phải sáng
tác cho họ những bảng danh mục các thứ tội, kèm theo là cách xử lý cho
mỗi loại như thế. Bảng danh mục ngày càng dài vì đi vào chi tiết cùng
với những hoàn cảnh khác nhau. Cuối cùng xuất hiện những tập sách gọi là
Sách đền giải (libri paenitentiales), rồi sách Tổng biên (Summa).
Kể từ thế kỷ XVI, khoa thần học luân lý
ra đời, nhưng chủ yếu vẫn là nhằm giúp các cha giải tội, nên có tính
giải mục (casuistique), nghĩa là phân loại tội và đề ra những cách xử
lý. Mà tội thì chủ yếu vẫn là vi phạm Mười điều răn Thiên Chúa và Sáu
luật điều Hội thánh; và đến khi có giáo luật rồi, thì còn dựa theo giáo
luật nữa.
Phải đợi đến thế kỷ XIX, trường phái Đức
quốc mới khởi xướng được một nền luân lý có tính Phúc âm hơn, và từ
giữa những cố gắng ấy đã mọc lên bộ thần học luân lý nổi tiếng của B.
Haring, gọi là “Luật Chúa Kytô” (La Loi du Christ)[2].
Việc thiết kế một nền luân lý học dựa vào Phúc âm và lương tâm mỗi
người rồi sẽ phát triển mạnh sau khi được thúc đẩy bởi công đồng Vatican
II, đặc biệt bởi hiến chế Dei Verbum số 24 và sắc lệnh Optatum totius
số 16. Thần học luân lý không còn được soạn riêng cho linh mục giải tội,
mà cho mọi kytô-hữu để họ “được nuôi dưỡng bởi Thánh kinh” hầu thấy rõ
ơn gọi của họ là đưa hoa quả đức Ái vào trong thế giới. Với hướng đi
thiêng liêng và cởi mở như thế, luân lý học Kytô-giáo đã được chắp cánh
để ngày càng bay cao và đổi mới hoàn toàn.
Vâng, luân lý Kytô giáo không thể chỉ là
một luân lý tự nhiên hay luân lý CƯ, dủ đôi khi luân lý tự nhiên có thể
nhập cuộc, trám vào những chỗ Tân Ước xem ra không đả động tới. Thực
ra, Chúa Kytô không soạn một bộ luật như các giáo tổ khác. Ngài chỉ mang
tới những mệnh lệnh, cũng là một hướng đi, một tinh thần :
-Hãy nên toàn thiện (teleios) như Cha anh em trên Trời là Đấng toàn thiện (Mt.5.48).
-Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Yo.13.14), v.v…
Thế nhưng toàn bộ Tin mừng lại cung cấp
một toàn bộ những nguyên tắc và tiêu chuẩn để xây dựng một lối sống
chính danh Kytô tính. Nhờ đó, những gì thuộc CƯ hay tự nhiên khi đưa vô
phải được chế biến sao cho có hương vị và hướng đi Kytô tính ấy. Hướng
đi, đó là hướng siêu thế và cánh chung, cũng là phải sống sao cho ngày
càng nên một hơn với Chúa chịu chết và phục sinh vì sự cứu độ của thế
giới. Nhờ đấy, sống như một Kytô hữu là sống với một lương tâm đã được
nhào nặn lại trong thứ lương tri siêu nhiên này.
Nói tóm tắt, luân lý Tin mừng không phải
là một bộ luật hoàn chỉnh cho bằng một Hương vị, một Hướng đi, một tinh
thần. Do đó, nó sống động chứ không cứng nhắc, nó có thể thay đổi phần nào
ở chi tiết tùy theo hoàn cảnh và lương tâm cá nhân, tùy theo vùng trời
và thời đại. Chính vì thế mà gần đây, nhiều thần học gia đã khai mở
những hướng đi mới cho luân lý Kytô giáo, như lấy kiểu mẫu sống là Đức
Kytô, lấy đức Kytô làm chuẩn mực sống cụ thể cho bản thân mỗi người, hay
thiết lập một nền đạo đức có tính Kytô-hướng (christocentrique),v.v…
Nhất là rời bỏ cách suy tư nhấn vào luật lệ và càc loại hành vi, nhưng
tập trung vào bản vị con người. Được thông điệp Veritatis splendor
lưu ý về nguy cơ tương đối chủ nghĩa và khuynh hướng nghiêng về chủ
quan của thế giới, nhiều nhà tư tưởng cố gắng dung hòa giữa khách thể
(quy phạm khách quan và luật lệ) với chủ thể, giữa lý thuyết với thực
hành, giữa truyền thống với văn hóa mới.[3]
Dù thế nào chăng nữa, con đường Chúa
vạch ra cho chúng ta phải là con đường duy nhất của chúng ta. Để hiểu
con đường ấy, chúng ta cần đọc Tân ước theo cách thần độc (lectio
divina), để thấm lấy giáo huấn của Chúa và ý nghĩa cuộc đời Chúa. Vâng,
Ngài đã vâng lời cho đến chết, đã đi vào sự chết để mở ra cho chúng ta
con đường của sự sống mới. Đến lượt chúng ta cũng phải yêu nhau như Thầy
yêu chúng ta, do đó biết hy sinh vì đồng loại của mình. Đấy phải là ý
nghĩa của sống đạo Kytô giáo, phải là nền tảng của cả thần học luân lý
lẫn thần học thiêng liêng.
Hiểu rồi, phải sống như mình đã hiểu. Mà
sống thì trong cụ thể, từng phút giây phải đối mặt với những vần đề
thiên hình vạn trạng, mỗi lúc mỗi khác. Cùng một quy phạm luân lý hay
đạo đức, nhưng vận dụng vào những hoàn cảnh khác nhau như thế, không thể
thiếu sự phân định (diakrisis, discernement)! Do đó, cầu nguyện và vấn
tâm luôn là cần thiết cho những ai muốn sống theo Luật Đức Kytô.
Post a Comment