Những dấu hiệu ‘đẩy lùi cuộc thánh chiến’ khi Kitô hữu tham gia cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo
Những dấu hiệu ‘đẩy lùi cuộc thánh chiến’ khi Kitô hữu tham gia cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo
Một số chính phủ khuyến khích thường dân chống cự
John Burger cho Aleteia
Ảnh: Aleteia/AP/Reuters |
Trong khi những người Mỹ như Douglas McAuthur McCain có thể gia nhập
các lực lượng của Nhà nước Hồi giáo tham gia nỗ lực thành lập vương quốc
Hồi giáo trên toàn Iraq và Syria, những người khác ở phương Tây dường
như cũng đang bắt đầu cầm súng bảo vệ các Kitô hữu bị bách hại trong khu
vực này.
McCain là người Mỹ đầu tiên được xác nhận đã bỏ mạng trong khi đấu
tranh cho Nhà nước Hồi giáo tại Syria. Giám đốc FBI James Comey phát
biểu hồi tháng 6 rằng khoảng 100 người đã rời nước Mỹ sang tham gia cuộc
xung đột tại Syria.
Nhưng không chỉ có những người theo quan điểm cực đoan chính thống
của Hồi giáo hướng về phương Đông. Dường như một số Kitô hữu từ phương
Tây cũng đang đăng ký tham gia.
Một phóng viên của tờ báo Thụy Sĩ “Sonntags Zeitung” viếng thăm một
số trung tâm huấn luyện của Hội đồng Quân sự Syriac, một nhóm đơn vị vũ
trang tự vệ bao gồm các Kitô hữu Syria, người Chaldean và người Assyria.
Trong đó có một số người Thụy Sĩ hoạt động năng nổ tại Iraq, một người
trong số họ nói: “Cần có người hành động để ngăn chặn tình trạng Kitô
hữu biến mất”.
Đầu tháng này, người đứng đầu Khu Tự trị của người Kurd tại Iraq
Massud Barzani tuyên bố chính quyền của ông sẵn sàng mở cửa đón các tình
nguyện viên Kitô giáo vào các lực lượng vũ trang Kurd bằng cách cung
cấp cho họ phương tiện thành lập các lực lượng tự vệ trong làng của họ
và tự vệ chống lại lực lượng dân quân thánh chiến Hồi giáo của Nhà nước
Hồi giáo, hãng Fides đưa tin. Ông Barzani nói như thế trong cuộc hội
kiến với Ngoại trưởng Liban Gibran Basil.
Ông Barzani kêu gọi Kitô hữu “không nên nghĩ đến di cư khỏi quê hương
của mình vì sự đe dọa của chủ nghĩa khủng bố chỉ nhất thời và những kẻ
khủng bố sẽ bị đánh bại”.
Dường như các tay súng vũ trang đó đang được sự giúp đỡ về mặt quân
sự từ những người ở phương Tây nghĩ rằng chính quyền Iraq và các cường
quốc phương Tây đang làm chưa đủ. Một số người châu Âu đã bàn về một
cuộc “hành hương vũ trang” đến Iraq, và nói rằng cần có một cuộc Thập Tự
chinh thứ 5 hay một trận Lepanto mới, ám chỉ trận chiến lịch sử vào
ngày 7-10-1571, khi Liên Minh Thánh đánh bại hạm đội Hồi giáo của Đế chế
Ottoman.
Cũng có những người giống như nhà báo Công giáo Antonio Socci từng
chỉ trích Đức Thánh cha Phanxicô “ít nói” trong khi “200.000 Kitô hữu và
những người thiểu số khác đang bỏ trốn, bị lùng bắt bởi các tay súng vũ
trang Hồi giáo thường hành hạ, chặt đầu và ném đá kẻ thù của họ”.
Đức Phanxicô nói trên chuyến bay từ Hàn Quốc về Rôma rằng ngăn chặn
việc gây hấn với thường dân vô tội tại Iraq là việc làm chính đáng.
Nhưng ngài nói thêm: “Tôi nhấn mạnh động từ ‘ngăn chặn’. tôi không nói
‘đánh bom’ hay ‘gây chiến’, nhưng là ngăn chặn nó’”.
Trong vài tháng qua, các liên minh ở Ý đã tổ chức viện trợ trợ giúp
cuộc xung đột trên biên giới Iraq-Syria, trợ giúp tài chính và quân sự
cho “chế độ quân sự và thế tục của Tổng thống Syria Bashar Assad và Tổng
thống Ai Cập Al Sisi, lực lượng dân quân tự vệ của người Chaldean,
Assyria, Mandaean, Chính thống và giáo phái Copt.
Trong khi thế giới ngày càng thấy rõ những hành động tàn bạo mà ISIS
gây ra cho các nhóm tôn giáo thiểu số tại Iraq, Hãng tin Quốc tế Assyria
đã viết bài xã luận kêu gọi Mỹ và Liên minh châu Âu cần giúp trang bị
cho Kitô hữu Assyria và người Yazidi để bảo vệ quê hương lâu đời của họ.
“Mỹ và châu Âu, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, cần thành lập một
Lực lượng Phòng thủ Assyria cho vùng đồng bằng Nineveh, Baghdede và các
vùng khác của Assyria, cũng như một lực lượng phòng thủ Yazidi cho vùng
Sinjar và Zumar”, hãng tin viết.
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Iraq có quan điểm hơi khác. Mặc
dù người vô tội có quyền tự vệ, nhưng chỉ có “các lực lượng Nhà nước phụ
trách nhiệm vụ bảo vệ này”, Đức Thượng phụ Công giáo Babylon Louis
Raphael I Sako nói.
Nguồn: Aleteia
Post a Comment