Chắc chắn bạn và tôi đều sẽ không ngạc nhiên trước việc một nhóm bạn, trong khung cảnh rất thơ mộng của quán sân vườn mát mẻ hay tại một điểm cafe sành điệu giữa phố thị lung linh, mỗi người một chiếc phone trên tay nói nói cười cười với ai đó ở đâu đó và về điều gì đó, chứ không tỏ ra quan tâm tới những người đang chung bàn và đối diện với mình. 

Cảnh tượng đó quá quen thuộc rồi, và chúng ta cũng đã từng như thế. 
Đó là nhu cầu giao tiếp của chúng ta, những người của thời đại kỹ thuật số, của đế chế trái táo cắn dở. Chúng ta liên lạc liên lỉ và không cho bản thân mình một chút thinh lặng hồi tâm nào. Không tin tôi, bạn cứ thử vào facebook sau thời gian bị cúp điện hoặc mạng xã hội bị trục trặc thì biết. Sẽ có bao nhiêu lời than thở, thậm chí la ó trên đó. Vì cuộc sống của họ đã bị gián đoạn. 
Trớ trêu thay, mỗi lời than thở, chửi rủa, hay đơn giản chỉ là ngáp dài trên “phây” đều luôn có người đồng tình, ủng hộ, được “like” được thích. Và như thế, chúng ta nghĩ rằng mình được hiệp thông, được hòa nhập với cộng đồng mạng. Rồi cứ như thế chúng ta giao tiếp cả ngày, bất cứ lúc nào nhưng chỉ với … con dế cưng (điện thoại) của mình chứ không phải với một con người thật bằng da bằng thịt nào cả. 
Có những lúc không thể cầm dế cưng trên tay, rất nhiều người cảm tưởng nó đang rung trong túi để đến khi lấy ra mới biết nó vẫn đang ngủ im thin thít, khoan khoái vì chẳng mấy khi được nghỉ ngơi. Đó là ảo giác thường có nơi những người ghiền điện thoại. Hầu hết những người này dùng nó cho mạng xã hội. Hẳn chắc nhiều facebooker biết câu chuyện hài hước “Người mẹ đi chợ về gọi con vác hộ bao gạo vào nhà, đứa con kêu không giúp được vì đang bận… làm thơ ca ngợi mẹ trên Facebook!” Đúng là “mẹ già đâu ở trên phây, xin đừng báo hiếu ở đây làm gì”! 
Rõ ràng, mạng xã hội ảo cho phép mỗi người trở nên cái/người mà họ thích, chứ không phải con người thật của mình. Ảo mà! 
Đầu tháng 8 vừa qua Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói với 50 ngàn bạn trẻ rằng đừng lãng phí thời gian trên Internet, điện thoại thông minh và truyền hình, nhưng hãy dành thời gian cho những hoạt động có hiệu quả hơn. Ngài chỉ đích danh các hoạt động cần tránh là tán gẫu hoặc lướt sóng liên tục vào những chuyện vô ích cũng như làm nô lệ cho công nghệ. 
Báo chí đã từng đưa tin có người đã bán thận chỉ để có tiền mua ipad.
Trở lại chuyện đang nói về Facebook. Đây là cách cư xử thường thấy:
• Chúng ta dễ dàng tự biến thành người xấu xí khi chỉ đưa tin giật gân, bởi nghĩ rằng mình đang truyền tải một thông điệp quan trọng cho nhân loại, cho dân tộc. Nhưng thật ra đó chỉ là tin vịt từ những tờ báo chẳng ra gì. Chúng ta u mê bởi vì nhận được rất nhiều “likes”. 
• Có người “công ăn thì có việc làm thì không” nhưng lại hóa thân thành một tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị, một nhân vật của quần chúng vv… với những lời lẽ, hình ảnh góp nhặt từ đâu đó hoặc đã được xử lý qua công nghệ photoshop. 
• Dễ trở nên kẻ lắm lời, hay nói, nhiều chuyện vv… khi bất cứ điều gì cũng đưa lên mạng. Trở thành kẻ dễ dãi hời hợt thiếu suy nghĩ, tha hồ nói trên mạng mà chưa kịp uốn lưỡi bảy lần. Lại có kẻ vội vã truyền đi một tin cho là quan trọng như thể sợ mất đi tính thời sự, trong khi tin đó đã đi du lịch vòng quanh thế giới có đến vài năm và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Những kiểu ăn nói, cư xử như thế được nhà báo Joel Stein ví von là cách phản ứng của “trẻ con nhà giàu”. Họ vừa post lên phây với nụ cười ha hả vì mua được món thời trang ưng ý, nhưng trong tích tắc đã thấy đăng đàn khóc hi hỉ vì phát hiện bị lừa hay bị ai đó chê bai. Ở Việt Nam cũng có một từ tương đương khá ấn tượng để nói về loại người này là “trẻ trâu”. Một từ ngữ mới ra đời nhưng nhanh chóng tràn ngập các mạng xã hội. 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô có tài khoản twitter với hàng chục triệu người theo dõi, ngài biết rõ hơn ai hết internet là quà tặng của Thiên Chúa, và cũng thừa hiểu hơn ai hết việc nó bị lạm dụng để rồi biết bao người đã lãng phí cả cuộc đời, tương lai vào những chuyện nhảm nhí, rẻ tiền hoặc đồi bại. 
“Đừng làm nô lệ cho công nghệ”, lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng, người mà ký giả Greg Burke đã hết sức khâm phục để cảnh báo cho một xã hội duy thế tục: “nguy hiểm, người này có thể thay đổi cuộc đời bạn”. Hy vọng cả bạn và tôi cũng được ngài biến đổi. 

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Thắng (vietcatholic.com)
daminhtamhiep