Header Ads

Công lao các Lm già trong những năm 1954

CÔNG LAO CỦA CÁC VỊ CHA GIÀ trong năm 1954 và Kỉ niệm 60 năm người công giáo Miền Bắc vào Sài Gòn lập nghiệp

Các vị cha già là danh xưng vừa đầy lòng kính trọng vừa dạt dào tình cảm thương mến, biết ơn của đồng bào di cư Công Giáo tị nạn Việt Minh (VM) 1954 dành cho các vị linh mục có công dẫn dắt họ đi mở xứ. Mặc dù là thế, nhưng trong bài này, chúng tôi xin gác sang một bên khía cạnh tôn giáo, chỉ thuần đứng trên phương diện đời, phương diện dân sự để đánh giá công lao của các vị cha già trong công cuộc di cư 1954 mà chúng tôi coi như là một cuộc di dân vĩ đại, đưa dân đi từ Bắc vô Nam để khai khai khẩn đất đai, tạo dựng đời sống ấm no, an cư lạc nghiệp cho hàng trăm ngàn đồng bào vào thời kì đặc biệt của đất nước sau Hiệp định Genève chia đôi lãnh thổ năm 1954.




Chúng tôi viết bài này vì gia đình chúng tôi cũng ở trong đoàn lưu dân ấy. Lúc đó tuy tuổi còn nhỏ, song chúng tôi vẫn còn nhớ tình cảnh đồng bào di cư đã phải trải qua tại các trại định cư lúc ban đầu đầy khó khăn. Chúng tôi đã nhìn thấy vai trò lãnh đạo của các vị linh mục cần thiết như thế nào trong việc ổn định cuộc sống mới cho đồng bào. Sau này lớn lên đi ra ngoài xã hội, mỗi khi có dịp trở về một trại định cư năm xưa, chúng tôi đều kinh ngạc về khả năng thay hình lột xác mau chóng và tốt đẹp trong đời sống mọi người. Công cuộc định cư đã thành công tốt đẹp, chẳng những là ơn ích cho chính những lưu dân mà còn là phúc lợi xét về nhiều mặt cho đất nước nữa.

Nhiều sách báo đã nói về cuộc di cư vĩ đại năm 1954, nhưng chưa có tác giả nào đề cập tới công lao của hàng trăm vị linh mục đã góp sức đáng kể vào sự thành công tốt đẹp cho công cuộc này. Hôm nay nhân là thời điểm kỉ niệm việc thành lập các trại định cư được đúng một nửa thế kỉ, chúng tôi cảm thấy cần phải nói lên tình cảm biết ơn đối với các vị cha già bằng cách tuyên dương công lao của các vị. Các vị linh mục năm xưa ấy hầu hết đã ra người thiên cổ, chỉ một số rất ít còn sót lại nay đã lên bậc đại thọ. Tuy là chậm trễ song vẫn hơn là không bao giờ.

Cuộc di cư tị nạn Việt Minh (VM) năm 1954 đã đưa vào Miền Nam gần một triệu đồng bào miền Bắc. Trong số này, có khoảng 200 ngàn quân nhân, công chức và dân các thành thị, đã cung cấp cho Miền Nam Việt Nam(SG) nhiều người có tài năng, học thức, đóng góp xuất sắc trên các lãnh vực: chính trị, hành chánh, an ninh, quân sự, văn hóa, giáo dục, văn học, nghệ thuật, kinh tế, thương mại, khoa học kĩ thuật, v. v.. Nhưng thành phần ưu tú này không phải là đối tượng của bài này. Ở đây chúng tôi chỉ nói tới khối đa số đồng bào di cư thuộc thành phần thợ thuyền và nông dân Công Giáo. Họ là những người bình dân, là nông dân chưa bao giờ ra khỏi lũy tre làng, nay vì nạn VM mà phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, trốn chạy vào Miền Nam xa xôi, tương lai không biết sẽ ra sao. Họ mới là thành phần cần có người lãnh đạo, hướng dẫn trong cuộc sống mới. Người hướng dẫn, lãnh đạo họ chính là các vị linh mục được sai tới.

Trong tình hình rối loan lúc đó, mỗi người, mỗi gia đình trốn thoát VM một cách khác nhau. Chỉ có rất ít trường hợp vị linh mục ra đi cùng giáo dân, đa số là những cuộc vượt thoát cá nhân, không có tổ chức. Gia đình chúng tôi trốn khỏi làng bằng 3 đợt khác nhau. Cuối cùng chúng tôi được gặp lại nhau tại trường trung học Dũng Lạc cạnh nhà thờ lớn Hà Nội, trước khi được tổ chức đi máy bay Dakota vào Sài Gòn. Không biết vị linh mục chính xứ của chúng tôi ra đi cách nào, chỉ biết chắc là ông đã phải bí mật vượt thoát, bởi khi VM về làng, chúng tôi còn thấy ông mặc bộ quần áo màu nâu, hằng ngày cuốc đất ngoài vườn, mặt lúc nào cũng đăm chiêu lo lắng. Cảnh ông linh mục cuốc đất chúng tôi chưa từng thấy xẩy ra trước đó.

Lúc ban đầu, hàng trăm linh mục di cư thuộc 10 giáo phận miền Bắc và Bắc Trung phần sống tập trung với nhau tại những địa điểm riêng của từng giáo phận di cư. Đến khi các trại đinh cư được thành lập, các linh mục lần lượt được giáo quyền gửi đi theo với giáo dân. Đồng bào Công Giáo chiếm tới 80% tổng số dân di cư và đa số họ là những nông dân, một số ít là ngư phủ, cho nên hầu hết các trại định cư cũng trờ thành các xứ đạo, họ có khuynh hướng chọn làm nghề cũ và ở rất nhiều nơi, những người đồng hương lại tìm về với nhau. Do đó mà có các địa danh như Hà Nội, Hà Đông, Hải Dương, Tân Hà, Bắc Hà, Lạng Sơn, Bùi Chu, Tân Bùi, Bùi Môn, Phát Diệm, Tân Phát, Bùi Phát, Thanh Hóa, Tân Thanh, Tân Sa Châu, Kẻ Sặt, Xã Đoài, Phúc Nhạc, Ninh Phát, Kim Thượng, Bạch Lâm, Ngọc Đồng, v.v.

Theo luật lệ thuở trước, các linh mục Công Giáo được huấn luyện kĩ lưỡng qua 7 năm Trung học (Tiểu chủng viện), rồi ít nhất là 2 năm Triết học, 1 năm đi thử và 4 năm Thần học, trước khi có thể trở thành linh mục. Do đó, vừa vì niềm tin tôn giáo của giáo dân vào thiên chức linh mục, vừa vì các linh mục, nói chung, có kiến thức cao hơn giáo dân cho nên giáo dân rất kính trọng các linh mục. Gặp thời buổi quốc biến, trong lúc nông dân Công Giáo di cư tị nạn VM đang lâm cảnh biệt xứ, hoang mang, lạc lõng thì các linh mục được sai tới với họ tự khắc trở thành người lãnh đạo họ cả về tinh thần lẫn vật chất.
linh_muc

Về tinh thần, hàng ngày, sớm tối, các linh mục cùng với bổn đạo tụ họp để kinh sách, lễ hạt, giảng giải, đem đến nguồn an ủi vô biên, niềm tin kính tuyệt đối vào tình thương của Chúa Nhân Lành, giúp cho tín hữu cảm nhận đầy đủ nghị lực hầu có thể vượt qua mọi đau thương thử thách. Chúng tôi đã từng tham dự thánh lễ ở ngoài trời tại một vài trại định cư, vì cảnh chân ướt chân ráo trại chưa kịp dựng lên một nơi thờ phượng, dù là bằng cây lá thô sơ. Chính trong cảnh thiếu thốn vật chất ấy, dường như lại thấy giầu có hơn, sung mãn hơn về tin tưởng, sốt mến.

Lúc ban đầu này, vị linh mục không phải chỉ chăm lo phần tinh thần cho đồng bào mà còn đóng vai trò lãnh đạo phần đời lo đời sống vật chất cho đồng bào ở trại định cư nữa, bởi vì ông là người hiểu biết luật lệ thủ tục hơn, có uy tín hơn. Ở trại định cư nào chúng tôi cũng thấy chính vị linh mục, cùng với vài ba giáo dân thân tín, tương đối có trình độ và lòng chung hơn, đã đôn đáo, đi đi về về, lo tiếp nhận và phân phát những đồ viện trợ như quần áo, thực phẩm, máy may, nông cụ, v.v..

Có một số trại định cư vì một lí do nào đó xét thấy không thích hợp cho cuộc sống mới của đồng bào, vị linh mục đã ‘nhổ’ toàn trại ra đi tìm một nơi sinh sống thuận tiện hơn. Công việc này thật sự khó khăn, nhưng các vị linh mục ấy đã làm được, chẳng hạn như linh mục Phạm Bá Nha đã đưa đồng bào từ Đốc Vàng, Châu Đốc về tái định cư tại An Hiệp, Bến Tre; linh mục Nguyễn Duyên Mậu đưa đồng bào từ Hố Đồn, Tây Ninh về tái định cư tại Ninh Phát, Long Khánh, v. v.. Tại một số trại, Phủ Tổng Ủy Di Cư đã làm nhà sẵn cho đồng bào, cách xếp đặt trang trại do Phủ Tổng Ủy quy hoặch có lớp lang thứ tự. Nhưng ở nhiều trại, nhà cửa do đồng bào tự làm lấy với sự trợ cấp từ Phủ Tổng Ủy. Trong những trường hợp này, vị linh mục cùng những người phụ tá đã cùng nhau vẽ phác sơ đồ toàn trại, sắp xếp vị trí thánh đường, trường học, nhà xứ, trạm y tế, chợ, đường xá, các dẫy nhà của đồng bào, nghĩa trang, v.v.. Đã có nhà thờ bao giờ cũng có trường học kế bên. Nhiều nơi còn có trường trung học đệ nhất cấp và đệ nhị cấp (cấp ba ngày nay) nữa. Nhờ vậy, chỉ sau khoảng 10 năm, các trại định cư đã cung cấp cho quốc gia rất nhiều sinh viên, hạ sĩ quan, sĩ quan, công chức, giáo chức, v.v.. Cũng do vị trí đặc biệt của một vị lãnh đạo vừa tinh thần vừa vật chất, mà linh mục có thể đóng góp tích cực, hữu hiệu vào việc giáo dục thanh thiếu niên trong trại, góp phần giữ gìn an ninh trật tự. Những tội phạm như trộm cắp, vô luân, ẩu đả, v.v., là tối thiếu. Đã có một thời, vị linh mục còn đóng được cả vai trò của một vị thẩm phán hòa giải cho những cặp vợ chồng bất hòa, bất trung, những vụ tranh chấp nhà cửa, đất đai, v.v..

Ngày nay ai xuôi Miền Hậu Giang - Rạch Giá, tất phải đi qua vùng định cư Cái Sắn trù mật bát ngát, sẽ thấy làng mạc, kinh rạch, ruộng nương và các cơ sở văn hoá giáo dục có lớp lang, ngoạn mục. Các bô lão kể lại trước khi đồng bào di cư tới đây khai phá từ năm 1956, toàn vùng này chỉ là cỏ lác cao ngút đầu và muỗi mòng thì dầy đặc như trấu. Nếu có ai lên xứ hoa đào qua quốc lộ 1, tiếp nối qua quốc lộ số 20, sẽ chứng kiến các thị trấn nhỏ sầm uất mọc lên như nấm, nhà cửa đan kín dọc hai bên đường, dân chúng đông vui tấp nập. Có ai ngờ trước năm 1955, vùng Hố Nai chỉ là vùng đất bạc mầu, hoang vu và khô chồi; còn vùng Gia Kiệm, Dốc Mơ, Túc Trưng, La Ngà, Phương Lâm chỉ là rừng tre già và mây gai ra tới tận lề đường; quốc lộ 20 hoàn toàn mất an ninh, xe cộ không thể lưu thông được. Rồi còn những Đức Lập, những Ban Mê Thuột, những Bình Giả, những Bảo Lộc...

Song dù thế nào, cuối cùng linh mục vẫn chỉ là người có nhiệm vụ chuyên biệt lo phần thiêng liên tôn giáo chứ không có nhiệm vụ phần đời. Các vị ra gánh vác giúp đỡ đồng bào di cư, vì gặp hoàn cảnh đặc biệt ngoại lệ. Cho nên tới ngày 10 tháng 4 năm 1956, giám mục Phạm Ngọc Chi, phụ trách Ủy Ban Hộ Trợ Định Cư Công Giáo, đã yêu cầu các linh mục chuyển giao mọi việc thuộc hành chánh cho dân chúng để trở về thuần túy lo việc đạo. Từ nay, các linh mục có chăng chỉ còn là vị cố vấn giúp đỡ chính quyền xã, ấp địa phương mà thôi.

Trở lên, chúng ta đã thấy cuộc di cư tị nạn Cộng Sản năm 1954 của gần một triệu đồng bào Miền Bắc và Bắc Trung phần chẳng những có ý nghĩa chính trị, quân sự quan trọng mà còn là một cuộc di dân khổng lồ góp phần phát triển quốc gia. Cuộc di cư ấy đã được chính phủ và quốc tế giúp đỡ tích cực, đưa tới thành công tốt đẹp. Từ bàn tay trắng, vậy mà các trại định cư đã mau chóng ổn định cuộc sống.

Riêng về các trại định cư mà hầu hết là của đồng bào Công Giáo thì các vị linh mục đã góp công to lớn xây dựng cả về mặt tinh thần lẫn vật chất. Các vị ấy, nhà nước không mất công đào tạo, huấn luyện, nhưng đã trở thành một thứ ‘cán bộ’ đầy khả năng, giúp vào công tác có tầm vóc quốc gia, xem ra còn cách đắc lực hơn là các cán bộ nhà nước thứ thiệt.

Người ta hết sức cảm động chứng kiến lễ tang của mỗi vị cha già, tất cả đồng bào trong trại định cư xưa, không biệt tuổi tác, có gia đình gồm cả ba thế hệ, đều chít khăn tang để tỏ lòng kính trọng, nhớ ơn vị ân nhân có công khai sáng. Nhiều nơi đồng bào an táng vị cha già ngay cạnh giáo đường để hằng ngày khi tới giáo đường, đồng bào như còn được nhìn thấy, như là ngài vẫn còn đấy, chưa đi xa!

Ước mong các trại định cư xưa thu thập lại những tài liệu, hình ành, những con số thống kê trong lịch sử thành lập trại; thâu thập tiểu sử và điếu văn của cha già khai sáng để lưu truyền cho con cháu hoặc là tập trung về tàng trữ tại một trung tâm Công Giáo nào đó để trở thành tài liệu lịch sử.

Cuộc đời dâu bể. Sáu mươi năm trôi mau như bóng câu vút qua song. Năm theo mẹ di cư vào Nam chúng tôi là cậu bé 9 tuổi thế mà nay đã vừa gần 7 bó! Hồi tưởng lại cuộc di cư, đối với số phận mỗi cá nhân, mỗi gia đình, việc ra đi hay ở lại, có thể có cái hay cái dở, nhưng nói chung cái hay là vượt trội. Song đối với quốc gia, cuộc di cư ấy hoàn toàn là một cuộc di dân chỉ đem lại lợi ích to lớn mà thôi. Các vị cha già đã đóng góp tích cực, làm cho cuộc di cư ấy thành công tốt đẹp, tức là đã đóng góp đắc lực vào cuộc di dân phát triển quốc gia.

Tham khảo:

* Văn Phòng Tổng Thư Ký HĐGMVN. Giáo Hội Công Giáo Việt Nam Niên Giám 2004. Nhà xb Tôn giáo. Hà Nội, 2004.

* Trường Cao Đẳng Sư Phạm Tp. HCM & Cục Đo Đạc Và Bản Đồ Nhà Nước. Việt Nam Tập Bản Đồ Hành Chính Và Du Lịch. 1989.

* Phan Phát Huồn. Việt Nam Giáo Sử. Quyển II. Cứu Thế Tùng Thư. Sài Gòn, VN. 1962.

* Đoàn Thêm. Hai Mươi Năm Qua 1945 - 1964 Việc Từng Ngày. Xuân Thu.

* Đoàn Thêm. 1969 Việc Từng Ngày. Xuân Thu.

* Lâm Thanh Liêm & Gustave D. Meillon. Từ Sàigòn Tới Tp. HCM. Nam Á.

* Đỗ Hữu Nghiêm. Giáo Hội Và Các Đồng Bào Thiểu Số Ở Việt Nam. Định Hướng 26.

* Tôn Thất Trình. Khảo Luận về Công Cuộc Phát Triển Vùng Hậu Giang Việt Nam. Định Hướng. Số 45.


Trần Vinh
nguồn vatican

Hình: Người dân miền bắc những năm 1954 đi vào SG lập nghiệp
di dan

di dan

di dan

di dan

di dan

di dan

di dan

Không có nhận xét nào