Header Ads

ĐỨC ÁI KHÔNG NUÔI HẬN THÙ

ĐỨC ÁI KHÔNG NUÔI HẬN THÙ
(1 Cr 13,5)



Lời Chúa: Mt 5, 43-45

"Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính".

1. Khái niệm về hận thù

Hận thù là sự thể hiện đầy bạo động của tâm hồn và  đối với những kẻ gây ra đau khổ cho mình.
Khi bị tổn thương về thể xác hoặc tâm hồn do bất công, người ta sẽ sinh lòng thù hận, và "trả thù" là cách để lấy lại công bằng. Lòng thù hận sẽ chỉ lắng xuống hay ngấm ngầm, hoặc ồn ào sôi sục cho đến khi bất công được giải quyết. Vì vậy luật pháp phải nhảy vào để giải quyết "tình lý" sao cho người bị hại cảm thấy họ đã được đối xử công bình thỏa đáng theo quan điểm chung của xã hội.
Đối với một người, lòng thù hận thường được phát sinh từ những thua thiệt hay mất mát, cộng với sự hẹp hòi và lòng ích kỷ.

2. Không nuôi hận thù bằng cách nghĩ tốt cho nhau

Chúa Giêsu dạy: “Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế". (Mc 7, 18-23). Đây chính là cội nguồn của sự dữ.
Những ý nghĩ trong tư tưởng của ta là trung tâm của mọi vấn đề. Từ suy nghĩ xấu, chúng ta nói hành nhau, làm hại nhau. Nói xấu sinh ra hận thù, gây xung đột, tranh chấp, mất tin tưởng và nghi ngờ nhau.

Thực hành:

- Luôn tin tưởng nhau, sống vị tha, bác ái.
- Luôn nghĩ tốt cho nhau, để hiểu nhau và yêu thương nhau hơn.

3. Không nuôi hận thù bằng cách nói tốt cho nhau

Thánh Giacôbê nói: "Ai trong anh em không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kềm chế bản thân" (Gc 3, 2). Sách GLCG cũng dạy chúng ta: “Thương linh hồn bảy mối: Lấy lời lành mà khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ khinh dễ ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết”.
 Lời nói tốt chân thành phát xuất từ một con tim rộng mở yêu thương sẽ đem lại nhiều lợi ích: làm cho người nghe được ấm lòng trong lúc cô đơn, an ủi khi đau khổ, được khích lệ trong khi thất vọng. Lời nói thành thật làm cho tình thân giữa ta và người nghe càng thêm thân thiết. Lời nói chân thành sẽ xua tan âu lo phiền muộn. Lời nói cảm thông sẽ hàn gắn lại tâm hồn tan vỡ. Lời nói yêu thương từ trái tim sẽ kiến tạo một thế giới hoà bình.
Vì thế, biết làm chủ miệng lưỡi, thận trọng trong lời nói chính là sống bác ái Kitô giáo. Thật tuyệt vời biết bao, nếu ta biết dùng lời nói để ca tụng Chúa, nói tốt cho nhau. Thiên Chúa là Tình Yêu, là Sự Thật, lời nói chân thật của ta phát xuất tự đáy lòng, không chứa đựng gian dối. Đó chính là sự thánh thiện mà con người có được trong mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa và tha nhân.

Thực hành:

- Tránh nói những lời chứa nhiều ẩn ý xấu.
- Thận trọng sử dụng ngôn từ giao tiếp hằng ngày.
- Suy nghĩ, cân nhắc khi diễn đạt để tránh đi những nghi kỵ, hiểu lầm cho người khác.

4. Không nuôi hận thù bằng cách làm tốt cho nhau

“Ta bảo thật các ngươi; những gì các ngươi đã làm như thế cho một trong các anh em hèn mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25, 40).
Qua lời này, Chúa Giêsu đã tự đồng hóa mình với con người, đặc biệt là những con người nghèo khổ, bất lực, bị áp bức, vì con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. vậy làm tốt cho nhau là sống đức ái mà Chúa Giêsu đã dạy “Ai nói yêu Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình thì đó là kẻ nói dối” (1 Ga 4, 20). Thánh Phaolô viết: "Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có bác ái, thì cũng chẳng ích gì cho tôi" (1 Cr 13, 3).
Hành động của đức ái sẽ kéo mọi người xích lại gần nhau hơn trong bầu khí thân thương của tình huynh đệ, và chia sẻ cho nhau những nhu cầu vật chất cũng như tinh thần.
SỐNG THEO CHÚA GIÊSU
“Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho những kẻ ghét bỏ chúng ta”. (Mt 5, 38-48)
Để nghĩ tốt, nói tốt và làm tốt cho nhau, cho cả những người từng làm ta đau khổ, chúng ta hãy ngắm nhìn thật sâu nơi mầu nhiệm thập giá, bắt chước nơi Chúa Giêsu làm trạng sư cho kẻ làm khốn mình. Có như thế chúng ta mới hiểu được rằng vì sao Ngài lại dạy chúng ta “yêu thương cả kẻ thù’’. (Mt 5, 44).

5. Không nuôi hận thù bằng cách tha thứ cho nhau

Tha thứ là một trong những giới luật của tình mến. Chúa Kitô đã tha thứ cho ta một món nợ mà ta không thể trả nổi. Chúng ta phải tha thứ cho kẻ lỗi phạm ta và thù nghịch ta. Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những kẻ có lỗi chúng con” (Mt 6, 12). Tha thứ phải được thực hiện luôn luôn, không có giới hạn, vô điều kiện “Thầy  không  bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18, 22). Chúng ta tha thứ cho kẻ thù là tạo điều kiện cho họ đến gặp gỡ chúng ta, là làm cho nước của Chúa hiện diện ở trần gian.

Quyết tâm:

- Loại bỏ mọi ước muốn hành vi ghen ghét trả thù.
- Có tấm lòng sẵn sàng hòa giải với người phạm đến ta.

6. Không nuôi hận thù bằng cách quên mình phục vụ như Chúa

“Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1).
Con Thiên Chúa “…đã yêu tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20). Chúng ta được mời gọi để yêu thương đến chết và yêu thương không mức nào hơn nữa. Sự hiến trao bắt đầu từ cái bên ngoài như của cải, tiền bạc đến cái bên trong là thời giờ, sức khỏe và chính bản thân. Điều cốt lõi là sự cho đi ấy luôn vì tình yêu.

7. Không nuôi hận thù bằng cách yêu thương hết mọi người kể cả kẻ thù

Yêu mến kẻ thù là tột đỉnh của Kitô giáo. Đây là điểm nổi bật nhất của đạo Công Giáo. Đức Kitô là mẫu gương về tình yêu thương kẻ thù "Chúa Kitô đã chết vì yêu thương chúng ta khi chúng ta còn là những thù địch" (Rm 5, 10). Cho nên Chúa dạy chúng ta “phải yêu thương như Ngài, yêu thương cả những kẻ thù của ta” (SGLCG, số 1825): “Thầy bảo anh em hãy yêu mến kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 44-45).
Công Đồng Vatican II nhấn mạnh điều này: “Giáo huấn của Đức Kitô còn đòi ta phải tha thứ những xúc phạm và mở rộng luật yêu thương tới mức kể luôn cả những kẻ thù của mình” (MV, số 28).
Yêu mến kẻ thù là một bằng chứng cho thấy chúng ta đang sống tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu thương kẻ thù phải được kiểm chứng bằng sự tha thứ.

Quyết tâm:

- Tôi sẽ sống ngày hôm nay thật yêu thương.
- Bắt đầu bằng những việc nhỏ hằng ngày với người thân bằng một nụ cười, sự cảm thông, giúp đỡ….
- Luôn biểu lộ sự tử tế và lòng tốt với mọi người mình gặp.

Kết luận.

Sự hận thù mang lại rất nhiều tai hại cho tha nhân và cho chính bản thân mình. Xoá hận thù mang lại nhiều phúc lợi cho từng cá nhân nói riêng và cho toàn thể xã hội nói chung. Xoá bỏ hận thù là bước đầu để ta xây dựng thiên đàng cho chính mình ngay trong trần thế.
* Đối xử tốt với người, sống bác ái thực sự với người, là một trong những điều hữu hiệu nhất để cải tạo một con người xấu thành tốt
* Con không lượng được người say rượu có thể làm hại thế nào! Đâm chém, đốt nhà, giết người... Khi con say vì đam mê hận thù, con càng mất sáng suốt hơn thế nữa (ĐHV 747).
* Đâu có tình yêu thương, ở đó có Thiên Chúa; đâu có thù ghét ở đó có hỏa ngục (ĐHV 749).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, khi nhìn lại cuộc sống của chúng con với anh chị em xung quanh, chúng con thấy mình còn tính toán, hận thù vì bị thua thiệt… Cách sống của chúng con như thể không hề biết đến tình thương của Chúa dành cho chúng con mỗi ngày.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết yêu thương thù địch, làm lành cho kẻ ghét, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ và vu khống mình, để chúng con trọn lành như Cha trên trời. Amen.
 

Nguồn tin: Gpquinhon.org

Không có nhận xét nào