Header Ads

Tăng lương tối thiểu: Có thể cân bằng lợi ích giữa các bên?

VOV.VN - Dù phương án tăng lương đã được quyết song vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều giữa đại diện người lao động và đại diện doanh nghiệp.




Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất chọn phương án tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2015 tăng từ 300.000 đến 400.000 đồng tùy theo vùng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Mức tăng bình quân 15,1% đang nhận được ý kiến trái chiều từ phía đại diện cho người lao động và đại diện cho doanh nghiệp.
Đại diện cho người lao động, ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM cho rằng, nếu Chính phủ thông qua mức lương tối thiểu 3.100.000 đồng/tháng thì mới chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu của người lao động.
Tangluong
Mức lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động (Ảnh: KT)
Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết sẽ kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ bởi mức tăng này còn quá thấp và khó đảm bảo được mục tiêu là vào năm 2017 thì mức lương tối thiểu đảm bảo được cho cuộc sống của người lao động.
Dẫn lời của đại diện Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), “người lao động là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp”, ông Mai Đức Chính phân tích, đã là tài sản lớn nhất thì doanh nghiệp phải chăm lo, giữ gìn cho tốt. Nếu để người lao động phải chấp nhận một mức sống quá thấp, trong khi vẫn phải gắng sức làm việc 8 tiếng 1 ngày, thậm chí đến 10-12 tiếng thì người lao động sẽ bị sa sút nghiêm trọng về sức khỏe, dẫn đến năng suất và chất lượng kém, ảnh hưởng trực tiếp trở lại với doanh nghiệp.
Trong khi đó, đại diện cho giới chủ sở hữu lao động, VCCI cho biết, mức tăng lương như thế nào cần phải căn cứ vào sức khỏe của doanh nghiệp. Số liệu thống kê 6 tháng đầu năm cho thấy, trong khi có 37.000 doanh nghiệp mới thành lập thì cũng có tới 33.000 doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường. Con số này cho thấy các doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh hiện nay.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, lẽ ra chỉ nên tăng khoảng 14%. Mức 14% VCCI đề xuất là trên cơ sở tính toán sức chịu đựng của nền kinh tế và các doanh nghiệp; quan trọng hơn là đảm bảo việc làm của người lao động. Số lượng người lao động việt nam khá lớn, nhiệm vụ mỗi năm là nền kinh tế phải tạo ra được ít nhất 1,6-2 triệu việc làm. Do vậy, chỉ có doanh nghiệp tồn tại và phát triển mới có thể tạo ra việc làm cho người lao động.
Mức lương tối thiểu hiện nay chưa đảm bảo được mức sống của người lao động chứ chưa nói đến việc tích lũy. Có một thực tế là đã có thời gian dài, nước ta lấy lợi thế thời gian dồi dào và giá nhân công rẻ để thu hút đầu tư. Nhưng nay lợi thế này đã không còn phù hợp, mà thay vào đó là lao động phải có chất lượng, tay nghề, từ đó tăng GTGT cho từng sản phẩm và tăng năng suất lao động. Khi tăng được sản phẩm, giá trị tăng lên thì lương người lao động đương nhiên sẽ tăng lên. Đó mới là sự phát triển bền vững, lâu dài, đảm bảo cho cả lợi ích của doanh nghiệp và người lao động.
Trước những phản ứng trái chiều từ phía đại diện cho người lao động và phía đại diện cho doanh nghiệp, Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, từ phía doanh nghiệp, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay thì việc tăng lương sẽ ảnh hưởng tới chi phí của doanh nghiệp. Nếu tăng lương nhiều, doanh nghiệp có thể phải tính đến biện pháp cực đoan là giảm bớt lao động, dẫn đến mục tiêu của việc tăng lương sẽ giảm đi.
Đối với phía người lao động, việc tăng lương vẫn là cần thiết bởi theo đánh giá chung, mức lương tối thiểu hiện nay không đủ chi phí cho cuộc sống của những người lao động. Để tăng lương cần đảm bảo rất nhiều yếu tố, bao gồm kết quả năng suất lao động của người nhận lương và kết quả của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, trong bối cảnh hiện nay, nên tìm một ngưỡng hợp lý hơn, sao cho người lao động có thể cải thiện nhưng cơ bản, trước mắt nên ủng hộ lợi ích của doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể cạnh tranh thị trường cũng như duy trì việc làm và mở rộng sản xuất.
Doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại vì chi phí tiền lương tăng thêm mà sản phẩm sản xuất ra không tăng. Nếu chỉ khăng khăng một yêu cầu là phải tăng lương để bù đắp cho lạm phát và cải thiện đời sống mà không dựa trên tình hình thực tế của doanh nghiệp là chưa hợp lý. Còn trên bình diện vĩ mô, tăng lương tức nguồn cung tiền tăng, trong khi số lượng sản phẩm làm ra không tăng sẽ dẫn đến lạm phát. Khi đó  câu chuyện tăng lương – lạm phát sẽ như một vòng luẩn quẩn không có lối thoát./.
VOV

Không có nhận xét nào