Vinafood 2 và AGPPS bắt tay có tạo ra độc quyền?
(TBKTSG) - Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và Công ty cổ
phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) đang lên kế hoạch biến 30% diện
tích canh tác lúa của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trở thành vùng
nguyên liệu xuất khẩu của họ. Chưa biết kết quả của cái bắt tay sẽ đến
đâu nhưng mối lo lắng về một sự độc quyền đã xuất hiện trong giới chuyên
môn.
Miền Tây sẽ đi đầu trong sản xuất lúa theo cánh đồng lớn. Ảnh SGGP |
Cái bắt tay của hai “ông lớn”
Được HĐND An Giang miễn nhiệm chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh để về
làm Tổng giám đốc Vinafood 2, ông Huỳnh Thế Năng đứng trước thách thức
và yêu cầu cấp thiết phải tái cơ cấu Vinafood 2, và ông Năng đã quyết
định chọn AGPPS làm đối tác hợp tác chiến lược.Lý giải cho quyết định này, tại một cuộc hội thảo hồi đầu tháng 7-2014, ông Năng cho biết AGPPS là đơn vị tiên phong và làm ăn bài bản về xây dựng và tổ chức sản xuất mô hình cánh đồng lớn ở ĐBSCL. Trong khi đó, Vinafood 2 là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong xuất khẩu gạo với khối lượng bán ra khoảng 2-3 triệu tấn/năm.
Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tich Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc AGPPS, nói rằng đây là sự hợp lực mới, giải quyết được những khiếm khuyết đang tồn tại trong chuỗi giá trị ngành lúa gạo, phục vụ tốt hơn cho bà con nông dân.
Có xảy ra độc quyền?
Trao đổi với TBKTSG xung quanh cái bắt tay giữa Vinafood 2 và AGPPS, đã có những ý kiến khác nhau từ một số nhà chuyên môn.PGS.TS. Nguyễn Ngọc Đệ, Phó trưởng khoa Phát triển nông thôn, trường Đại học Cần Thơ, cho biết chiến lược hợp tác giữa Vinafood 2 và AGPPS là hướng đi tất yếu của ngành lúa gạo ĐBSCL đang hướng tới, bởi thông qua sự kết hợp này chuỗi giá trị ngành hàng sẽ được hoàn thiện hơn.
Theo ông Đệ, với mục tiêu xây dựng và bao tiêu 30% diện tích canh tác lúa của ĐBSCL như hai doanh nghiệp đề ra, đó cũng không phải là con số quá lớn bởi dung lượng của thị trường vẫn còn đến 70% để các công ty khác làm ăn.
Phát biểu với tư cách cá nhân của người nghiên cứu, ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, khẳng định: “Hướng đi của Vinafood 2 và AGPPS là hướng đi tốt nên khuyến khích phát triển”. Tuy nhiên, theo ông Hiệp, khuyến khích không có nghĩa là không quan tâm, không quản lý. “Chúng ta xác định lúa gạo là vấn đề chiến lược và đã có nhiều chính sách tốt; song, khi mà nhiều quốc gia sản xuất lúa gạo hàng đầu đã đưa ra những điều chỉnh quan trọng về chính sách, Việt Nam cũng phải nghĩ đến một “hệ điều hành” mới, sao cho vẫn giữ vững nguyên tắc “hai bảo đảm” - an ninh lương thực quốc gia và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa - đồng thời bổ sung tính linh hoạt”, ông Hiệp nói.
Trong khi đó, GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, chuyên gia ngành nông nghiệp, cho biết trong nước hiện có rất nhiều công ty thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt địa phương nào cũng có công ty lương thực. “Nếu hai đơn vị này (Vinafood 2 và AGPPS) liên kết với nhau, các công ty lương thực khác làm gì? Công ty thuốc khác sẽ làm gì?”, ông đặt vấn đề.
Một điểm đáng lưu ý khác được ông Xuân đặt ra, đó là thị trường nội địa (giá lúa gạo và vật tư nông nghiệp) có thể sẽ bị thao túng, gây bất lợi cho các thành phần khác bởi sự kết hợp này.
Nói đến vấn đề độc quyền, ông Hiệp cho rằng muốn xác định có xảy ra độc quyền hay không phải dựa vào Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, ông Hiệp lưu ý, đi cùng quá trình hợp tác giữa Vinafood 2 và AGPPS, cơ quan điều hành xuất khẩu gạo vẫn phải tiếp tục xem xét đến việc phân giao hạn ngạch phải hợp lý, bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). “Nói VFA nhưng thực chất Vinafood 2 nắm quyền rất lớn trong đó, cho nên đi cùng sự liên kết của Vinafood 2 và AGPPS cũng cần tiếp tục chỉnh sửa những khiếm khuyết của cơ chế chính sách”, ông Hiệp cho biết.
Còn theo quan điểm của ông Xuân, Vinafood 2 nên kết hợp với Cục Xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương, cơ quan chuyên tìm kiếm, khai thác thị trường, để mở thêm thị trường mới cho gạo Việt Nam.
Cũng theo ông Xuân, sau khi đã tìm kiếm được thị trường, một mặt Vinafood 2 sẽ ký kết với đối tác nhập khẩu ở nước ngoài, mặt khác chỉ đạo các công ty ở các tỉnh tổ chức sản xuất. “Dĩ nhiên, quá trình sản xuất phải có sự tham gia của các công ty bảo vệ thực vật, công ty phân bón lo đầu vào và các nhà khoa học lập quy trình sản xuất lúa đạt yêu cầu của nhà nhập khẩu”, ông cho biết.
Dựa vào cách thực hiện như trên, công ty lương thực các tỉnh sẽ mua lúa từ nông dân rồi chế biến và cung cấp cho nhà nhập khẩu theo đúng thỏa thuận đã ký. “Điều này mới tạo ra đột phá chung cho ngành như mong muốn bấy lâu nay của chúng ta”, ông Xuân khẳng định.
Post a Comment