Header Ads

Chất lượng sóng truyền hình số ở Đà Nẵng vẫn chập chờn

ICTnews - Sở TT&TT Đà Nẵng đã 5 lần kiến nghị với Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp hoàn thiện hệ thống phát sóng truyền hình số mặt đất, tuy nhiên chất lượng sóng số DVB-T2 vẫn chập chờn. Trong khi đó, VTV cho biết, chất lượng sóng số ở một số nơi còn phập phù là do thiếu các trạm bù, trạm lặp.

Từ tháng 9/2013, trên địa bàn Đà Nẵng, 3 đơn vị VTV, VTC và AVG đã triển khai hạ tầng truyền dẫn để thử nghiệm phát sóng số. Theo kế hoạch của Bộ TT&TT, chậm nhất là từ 1/7/2014, tại Đà Nẵng và khu vực Bắc Quảng Nam sẽ phủ sóng truyền hình số mặt đất (chuẩn DVB-T2) để truyền tải không khóa mã các kênh truyền hình thiết yếu. Đến 1/7/2015 sẽ chính thức ngắt sóng truyền hình tương tự ở khu vực này, khi đó những hộ gia đình đang dùng truyền hình quảng bá (chưa sử dụng truyền hình trả tiền) nếu chưa chuyển đổi thiết bị thu sẽ không xem được.

Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Đà Nẵng dự kiến chọn VTV làm đơn vị chính thức truyền dẫn, phát sóng kênh truyền hình thiết yếu của TP khi triển khai số hóa truyền hình.
 
Ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng cho biết, tính đến thời điểm này, cả 3 nhà cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất tại TP Đà Nẵng (VTV, VTC, AVG) đều chưa đạt được yêu cầu về chất lượng dịch vụ và cả vùng phủ sóng. Sở TT&TT đã có 5 văn bản báo cáo và đề nghị Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp trên hoàn thiện hệ thống phát sóng tại thành phố Đà Nẵng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy kết quả.
Thường trực Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Đà Nẵng dự kiến sẽ chọn VTV làm đơn vị chính thức truyền dẫn, phát sóng kênh truyền hình thiết yếu của TP Đà Nẵng khi triển khai số hóa truyền hình. Nhưng theo Sở TT&TT Đà Nẵng, qua thời gian VTV phát sóng thử nghiệm, chất lượng tín hiệu và vùng phủ sóng chưa đồng đều, nhất là ở những khu vực có nhà cao tầng ở giữa trung tâm thành phố, các khu vực vùng xa vẫn rơi vào tình trạng "lõm sóng".
Theo ông Trần Quang Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền dẫn phát sóng của VTV, mật độ phủ sóng số các kênh VTV, DRT, QRT tại Đà Nẵng đạt tới 95,1%. Các số liệu này được tính toán dựa theo phần mềm chuyên dụng với ăng ten thu ngoài trời đội cao 10m, đo thực tế tại 70 điểm. Các số liệu này thể hiện vùng phủ sóng truyền hình số tốt hơn so với truyền hình tương tự. Tuy nhiên, VTV cũng thừa nhận, tại một vài "vùng lõm" ít dân cư, vùng phủ sóng số chưa đạt được chất lượng như vùng phủ sóng tương tự do thiếu các trạm bù, trạm lặp.
VTV đang khảo sát để xem xét lắp đặt các trạm lặp ở Hòa Bắc - Hòa Vang để đạt được vùng phủ sóng số tốt hơn. Đối với những khu vực địa hình khó khăn, dùng trạm lặp không hiệu quả thì VTV sẽ đề xuất hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách để thu xem truyền hình qua vệ tinh.
Ông Hưng cũng cho biết, VTV đang vận hành máy phát DVB-T2 kênh 49, 2KW tại trạm Sơn Trà, phát 3 chương trình HD của VTV và các chương trình SD trong đó có kênh DRT2 và QRT. Chất lượng âm thanh hình ảnh của các chương trình của VTV trên máy phát số rất tốt, nhưng chất lượng chương trình DRT2 và QRT khá xấu do thu lại từ vệ tinh DTH của AVG và HTV. Do đó, VTV đề nghị Đài PT-TH Đà Nẵng và Quảng Nam có phương án đưa tín hiệu gốc đến trạm phát sóng Sơn Trà để đảm bảo chất lượng.
Trước đây, ICTnews đưa tin, hồi tháng 3/2014, ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng đã đề xuất Bộ TT&TT cần có văn bản quy định doanh nghiệp cung cấp hạ tầng truyền dẫn phải đảm bảo phủ sóng và chất lượng đồng đều tại mọi khu vực, kể cả những khu vực "lõm sóng". Bởi nếu không có tiêu chuẩn rõ ràng sẽ xảy ra nhiều vấn đề về chất lượng nhưng các địa phương lại khó có cơ sở để yêu cầu các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng đảm bảo chất lượng, hiện nay kể cả ngay trong khu vực đô thị của Đà Nẵng cũng có nhiều khu vực "lõm sóng".
M.Q

Không có nhận xét nào