Header Ads

Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi : Chương I - Phần 6



Quyền Năng Của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi : Chương I - Phần 6
Trong sách Ký Sự, chương 20, chúng ta có một ví dụ xuất sắc về những điều Chúa có thể làm khi chúng ta ca ngợi Người.
Giôsaphát là vua xứ Giuđa. Một ngày kia, ông khám phá rằng vương quốc bé nhỏ của ông đang bị các địch thù liên minh bao vây: đó là con cháu Moab, con cháu Am-môn. Biết rằng mình không có hy vọng nào thắng trận cả, Giôsaphát kêu lên cùng Chúa:
-- Chúng tôi đâu đủ lực lượng mà chống cự với quân số đông đảo dường ấy đương tràn lẫn chúng tôi được?

-  “Chúng con đâu đủ sức địch nổi đám dân đông đảo đến tấn công chúng con đâu. Chúng con chỉ biết ngước mắt nhìn lên Ngài”. (2Ký Sự 20,12).
Khi chúng ta ca ngợi Chúa, điều tiên quyết là không nhìn vào tình hình và ngoại cảnh mà chỉ chăm chú nhìn Chúa.
Hãy để ý rằng: Giôsaphát không nhắm mắt trước các nguy co đang bao vây vương quốc của ông như thế là không có thù địch nào ngay bên cạnh. Trái lại, ông thấy rõ tình thế, nhận định được sự bất lực của mình và hướng về Chúa xin cứu trợ.
Chúng ta không thể cố ý làm ngơ trước sự dữ đang quanh quẩn xung quanh ta, và chúng ta phải đánh giá cho đúng. Điều này khiến chúng ta gia tăng lời ca ngợi Chúa, cảm tạ Người can thiệp và hoàn toàn làm chủ sự dữ. Chúng ta không được để cho nguy cơ đang rình chúng ta trong bóng tối đánh bại chúng ta, nhưng hãy nhìn thẳng vào nó, đo lường được sự bất lực của chúng ta và quay mặt về phía Chúa. Chúa nói với Giôsaphát: “ Các ngươi đừng sợ, đừng khiếp đảm trước đám dân đông đảo này, vì cuộc chiến này không phải của các ngươi, nhưng là của Thiên Chúa”. (2 Ký Sự 20,15).
Đối với tôi, đây là một lời tuyên bố kỳ diệu. Chúng ta không có khả năng kiềm chế hoàn cảnh sống của chúng ta. Như vậy, cuộc tranh đấu này không phải là của chúng ta mà là của Chúa! “ Trong trận này, các ngươi không phải chiến đấu, cứ án binh bất động mà xem Đức Chúa, Đấng ở với các ngươi, sẽ giải thoát các ngươi như thế nào. Sớm mai hãy ra đón chúng rồi Chúa sẽ phù hộ anh em”. (2 Ký Sự 20,17)
Thật là một lời hứa lạ lùng! Nhưng Chúa muốn cho Giôsaphát đứng tư thế nào trong khi chờ đợi và quan sát Chúa hành động?
Sáng hôm sau, Giôsaphát ra lệnh cho quân đội ông ... Vua cắt đặt những người ca hát ngợi khen Đức Chúa. Họ mặc phẩm phục thánh, vừa đi trước quân binh vừa hát: “ Hãy ngợi khen Đức Chúa, vì muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương” (2Ký Sự 20,21).
Giôsaphát dàn cảnh như thế đó, đối diện với đội binh đối phương sẵn sàng xông ra trận để thanh toán Giuđa. Bạn có thể hình dung được phản ứng của quân địch khi thấy đám ca sĩ tiến về phía họ để giao chiến không?
Tôi là tuyên úy quân đội trong nhiều năm đã chứng kiến nhiều lần ra trận. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy một ông tướng ngồi yên chờ quân địch trong khi một nhóm ca sĩ tấn công xông ra chiến trường.
Đó hẳn là một ý kiến kỳ quặc phải không? Và trong một hoàn cảnh tương tự, lý trí của chúng ta phải đầu hàng.
Có người sẽ nói: “Khi gặp đường cùng thì cũng nên ca ngợi Chúa vậy.” Nhưng chúng ta cũng đừng lố bịch. Châm ngôn có câu: “Điều tối thiểu là phải chiến đấu trước đã. Phải anh dũng chiến đấu. Rồi Chúa sẽ hoàn tất công việc”.
Nhưng còn Giôsaphát và quân của ông thì sao?
-  “Khi họ cất tiếng reo mừng và ca ngợi, thì Đức Chúa gây mâu thuẫn giữa hàng ngũ quân Am-mon, quân Mô-áp và dân vùng núi Xê-ia đang tiến đánh Giuđa. Thế là chúng bị thảm bại. Con cái Am-mon và Mô-áp nổi lên chống lại dân cư vùng núi Xê-ia để tru diệt và quét sạch đám dân này. Thanh toán đám này xong, con cái Am-mon và Mô-áp giúp nhau tự hủy diệt”. (2 Sử Ký 20,22-23)
Một điều hiển nhiên là nếu Giôsaphát đã nói: “Mình phải cầu may” và nếu ông đã ra lệnh tiến quân thì chắc chắn kết quả sẽ khác!
Nhiều người trong chúng ta để cho các biến cố đánh bại là vì họ không chịu chấp nhận để Chúa chiến đấu mà chỉ dùng sức họ mà thôi. Cả khi thấy mình bất lực trước địch thù, chúng ta còn sợ trao tất cả cho Chúa, sợ dựa vào quyền uy của Ngài. Chúng ta để cho lý trí chúng ta choán một chỗ quá rộng khi chúng ta tuyên bố: “Tôi không hiểu được, vậy tôi không tin”.
Về điểm này, lời của Chúa rất rõ ràng. Chúng ta chỉ có thể giải quyết được vấn đề trong đức tin. Nhận ra rằng lời Chúa hứa là đúng. Chấp nhận đúng và dám tin sẽ đưa chúng ta đến sự hiểu biết. Nguyên tắc mà trong Kinh Thánh đã nhiều lần chứng minh: Phải chấp nhận và vâng phục trước khi hiểu biết tại sao.
Lý do cũng dễ hiểu thôi. Tầm hiểu biết của chúng ta hạn hẹp làm sao thấu suốt được kế hoạch cao vời của Chúa dành cho mỗi thụ tạo của Ngài. Và nếu chúng ta chỉ hiểu rồi mới chấp nhận thì chúng ta chả chấp nhận bao nhiêu.
Giôsaphát sẽ không bao giờ dám giao trận theo kiểu của Chúa, nếu ông đã muốn hiểu rõ. Việc Chúa đề nghị và hứa hẹn quả không mấy hợp lý. Nhưng ông đã tin và ông phó thác cho Chúa. Lý trí của ông hạ mình. Ông đã tin và trao phó tất cả cho Chúa.

Không có nhận xét nào