Header Ads

Nguyên văn tài liệu ''Cảm Thức Đức Tin Trong Đời Sống Giáo Hội''(1)

Dẫn Nhập
1. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, “Thánh Thần chân lý phát xuất từ Chúa Cha” và làm chứng cho Chúa Con (Ga 15:26), mọi người đã nhận phép rửa đều tham dự vào chức vụ tiên tri của Chúa Giêsu Kitô, “chứng tá trung thành và đích thực” (Kh 3:14). Họ có nhiệm vụ làm chứng cho Tin Mừng và cho đức tin tông truyền trong Giáo Hội và trong thế giới. Chúa Thánh Thần xức dầu cho họ và trang bị cho họ để họ đảm nhận ơn gọi cao cả ấy, bằng cách ban cho họ một sự hiểu biết rất bản vị và thâm hậu về đức tin của Giáo Hội. Trong thư thứ nhất của Thánh Gioan, tín hữu được ngỏ những lời này: “anh em đã được Đấng Thánh xức dầu cho, và tất cả anh em đều được hiểu biết”, “việc xức dầu mà anh em đã nhận được (từ Chúa Kitô) đang ở trong anh em, và anh em không cần bất cứ ai dạy dỗ anh em nữa”, “việc Người xức dầu cho anh em đã dạy anh em mọi điều rồi” (1Ga 2:20, 27).


2. Thành thử, tín hữu có được một bản năng đối với chân lý của Tin Mừng, bản năng này giúp họ khả năng nhận biết và tán thành học lý và thực hành Kitô Giáo chân chính, và bác bỏ những gì là sai lầm. Vì được nối kết với hồng ân đức tin từ trong nội tại, bản năng siêu nhiên này được gọi là cảm thức đức tin (sensus fidei), và nó giúp các Kitô hữu khả năng chu toàn ơn gọi tiên tri của họ. Trong bài diễn văn đầu tiên lúc đọc kinh Truyền Tin, Đức Giáo Hoàng Phanxicô trích lời một phụ nữ khiêm nhường và cao niên mà ngài từng gặp trước đây rằng: “Nếu Chúa không tha thứ hết mọi sự, thì thế gian này đâu còn hiện hữu”; và ngài cảm phục nhận xét như sau: “đây chính là sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần ban cho” (1). Cái nhìn thông sáng của người đàn bà là một biểu hiện chói sáng của cảm thức đức tin, là cảm thức, song song với việc giúp ta biện phân phần nào các sự việc của đức tin, còn phát huy sự khôn ngoan đích thực và làm nẩy sinh việc tuyên xưng sự thật, là điều xẩy ra ở đây. Do đó, cảm thức đức tin rõ ràng là một tài nguyên sống còn đối với việc tân phúc âm hóa là việc mà Giáo Hội đang dấn thân vào ở thời đại ta (2).

3. Như một ý niệm thần học, cảm thức đức tin nói tới 2 thực tại khác biệt nhau dù có liên hệ mật thiết với nhau, một đàng là Giáo Hội duy nhất, “cột trụ và chiến lũy của sự thật” (1Tm 3:15) (3), một đàng là các tín hữu cá thể, những người vốn thuộc về Giáo Hội nhờ các bí tích khai tâm, và là những người, nhờ thường xuyên cử hành Thánh Thể, đã tham dự cách riêng vào đức tin và vào đời sống Giáo Hội. Một đàng, cảm thức đức tin nói tới khả năng bản thân của tín hữu biện phân được chân lý đức tin, bên trong hiệp thông Giáo Hội. Đàng khác, cảm thức đức tin cũng có ý nói tới một thực tại có tính cộng đoàn và có tính Giáo Hội, đó là bản năng đức tin của chính Giáo Hội, nhờ đó, Giáo Hội nhận biết Chúa của mình và công bố lời của Người. Theo nghĩa này, cảm thức đức tin được phản ảnh nơi sự đồng thuận của người đã nhận phép rửa trong việc qui phục tín lý đức tin hay một yếu tố nào đó của giáo lý hành động Kitô Giáo (Christian praxis) một cách sống động. Sự đồng thuận (consensus) này đóng một vai trò sống còn trong Giáo Hội: sự đồng thuận của các tín hữu (consensus fidelium) là tiêu chuẩn chắc chắn để ta xác nhận liệu một học lý hay một thực hành đặc thù nào đó có thuộc đức tin tông truyền hay không (4). Trong văn kiện này, chúng tôi sử dụng hạn từ cảm thức đức tin của tín hữu (sensus fidei fidelis), để chỉ khả năng bản thân của người tín hữu biết biện phân chính xác các vấn đề thuộc đức tin, còn hạn từ cảm thức đức tin của các tín hữu (sensus fidei fidelium) là để nói tới bản năng đức tin của toàn thể Giáo Hội. Theo đồng văn này, cảm thức đức tin có ý nói tới cả hai thực tại vừa kể và đối với thực tại thứ hai, hạn từ cảm thức của các tín hữu (sensus fidelium) cũng đã được sử dụng.

4. Sự quan trọng của cảm thức đức tin trong đời sống Giáo Hội vốn đã được Công Đồng Vatican II nhấn mạnh một cách mạnh mẽ. Vì muốn phá bỏ hình ảnh biếm họa về một phẩm trật tích cực và một hàng ngũ giáo dân thụ động, và cách riêng ý niệm cho rằng có sự tách biệt hoàn toàn giữa Giáo Hội giảng dậy (Ecclesia docens) và Giáo Hội học tập (Ecclesia discens), nên Công Đồng đã dạy rằng mọi người đã nhận phép rửa đều tham dự, theo cách riêng của mình, vào ba chức vụ của Chúa Kitô là tiên tri, linh mục và vương đế. Cách riêng, Công Đồng dạy rằng Chúa Kitô chu toàn chức vụ tiên tri của Người không những nhờ phẩm trật mà còn nhờ cả hàng giáo dân nữa.

5. Tuy nhiên, trong việc tiếp nhận và áp dụng giáo huấn của Công Đồng về chủ đề này, nhiều câu hỏi được đặt ra, nhất là về các tranh cãi liên quan tới một số vấn đề tín lý hoặc luân lý khác nhau. Cảm thức đức tin chính xác là gì và làm sao nhận diện được nó? Đâu là nguồn Thánh Kinh của ý niệm này và cảm thức đức tin hành xử ra sao trong truyền thống đức tin? Cảm thức đức tin liên hệ ra sao với huấn quyền trong Giáo Hội của Đức Giáo Hoàng và các giám mục, và với thần học? (5). Đâu là điều kiện để thi hành cảm thức đức tin này cách chân chính? Cảm thức đức tin có phải là một điều gì khác với ý kiến đa số của tín hữu trong một thời và tại một nơi nhất định nào đó không, và nếu khác, thì nó tác động ra sao đối với những người này? Tất cả các câu hỏi này đòi được trả lời nếu ý niệm cam thức đức tin muốn được hiểu một cách trọn vẹn hơn và sử dụng một cách tin tưởng hơn trong Giáo Hội ngày nay.

6. Mục đích của bản văn này không nhằm đưa ra một giải thích thấu đáo cho hạn từ cảm thức đức tin mà chỉ minh giải và đào sâu một số khía cạnh quan trọng của ý niệm chủ yếu này nhằm giải đáp một vài vấn đề, nhất là liên quan tới việc làm thế nào nhận diện được cảm thức đức tin chân chính trong hoàn cảnh có tranh cãi, như khi có căng thẳng giữa giáo huấn của huấn quyền và một số chủ trương cho rằng mình nói lên cảm thức đức tin chẳng hạn. Thành thử, bản văn này sẽ trước hết xem sét các nguồn Thánh Kinh của ý niệm cảm thức đức tin và cách ý niệm này khai triển và hành xử trong lịch sử và truyền thống Giáo Hội (chương một). Bản chất của cảm thức đức tin tín hữu (sensus fidei fidelis) sau đó sẽ được xem xét cùng với các biểu hiện của nó trong cuộc sống bản thân của người tín hữu (chương hai). Bản văn, sau đó, sẽ suy nghĩ về cảm thức đức tin các tín hữu (sensus fidei fidelium) tức là cảm thức đức tin trong hình thức Giáo Hội của nó, trước nhất xem xét vai trò của nó trong việc phát triển học lý và thực hành Kitô Giáo, sau đó tầm quan trọng của nó đối với huấn quyền và thần học, rồi tầm quan trọng của nó đối với cuộc đối thoại đại kết (chương ba). Sau cùng, bản văn sẽ tìm cách nhận diện các tâm hướng (dispositions) cần có để tham dự vào cảm thức đức tin chân chính, và cũng sẽ suy nghĩ về một số áp dụng các điều mới tìm ra này vào sinh hoạt cụ thể của Giáo Hội (chương bốn).

Còn tiếp
_______________________________________________________________________________________________________________________
(1) Đức Phanxicô, Kinh Truyền Tin, 17 /3/2013
(2) Xem Đức Phanxicô, Tông Huấn, Niềm Vui Tin Mừng (2013) các số 119-120.
(3) Các trích dẫn Thánh Kinh trong bản tiếng Anh, lấy từ New Revised Standard Version. Chúng tôi dịch sang tiếng Việt theo lối trích dẫn này.
(4) Trong văn kiện của mình về Việc Giải Thích Tín Điều (1989), Ủy Ban Thần Học Quốc Tế (ITC) nói tới "cảm thức đức tin" như một "cảm thức nội tâm" nhờ đó, dân Chúa "nhận ra rằng các lời giảng dạy là lời của Thiên Chúa chứ không phải lời lẽ con người và do đó, tiếp nhận và bảo vệ chúng hết dạ trung thành" (C,II,1). Văn kiện đó cũng nhấn mạnh tới vai trò của đồng thuận tín hữu (consensus fidelium) trong việc giải thích tín điều (C, II, 4).
(5) Trong một vă nkiện mới đây tựa là Thần Học Ngày Nay: Viê4n Tượng, Nguyên T7ác và Tiêu Chuẩn (2012), ITC nhận diện cảm thức đức tin như một chủ đề nền tảng hay điểm qui chiếu của thần học (số 35).

nguồn: vietcatholic

Không có nhận xét nào