Như chiếc bánh bẻ ra
Khi nghe đến hai chữ “hy sinh”, ta thường có những
cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhưng cứ sự thường, ta luôn cảm thấy sợ. Hy
sinh cũng đồng nghĩa với việc ta phải từ bỏ đi những gì mình yêu mến,
những gì gắn chặt với ta. Cứ mỗi lần hy sinh, ta đều cảm thấy đau.
Hy sinh càng nhiều, nỗi bức bối trong người ta càng lớn.
Hy sinh càng nhiều, nỗi bức bối trong người ta càng lớn.
Sở dĩ ta sợ hy sinh là vì
nó đi ngược lại với bản tính tự nhiên của ta. Ai trong chúng ta cũng
muốn vun vén, muốn tích trữ, muốn làm giàu chính mình. Ta luôn cảm thấy
vui khi thấy mình càng ngày càng có nhiều. Ta đánh giá mức độ thành đạt
và hạnh phúc của mình nơi những gì ta sở hữu. Khi đã nắm giữ rồi, ta
chẳng muốn dứt bỏ, không hề thích cho đi. Ta chỉ ao ước có nhiều thêm,
chứ không nghĩ đến chuyện có ngày nó giảm bớt. Ta lo lắng tìm cách bảo
toàn nó, rồi lại phải suy nghĩ để có thể có nhiều hơn. Không bồi đắp
thêm thì thôi, chứ chả có ai dại dột cho đi những gì mình có, thậm chí
là hy sinh chính bản thân mình.
Chỉ có kẻ điên mới hy
sinh một cách vô ích, hy sinh mà chẳng để làm gì. Ta sẽ chẳng bao giờ
dám hy sinh, khi ta không có động lực để làm điều đó. Và động lực duy
nhất đẩy ta đến chỗ dám hy sinh tất cả mà không có chút tiếc nuối hay
hối hận là chính tình yêu. Khi yêu ai, ta dám đánh đổi tất cả, dám từ bỏ
tất cả, dám chịu thiệt thòi… vì người ta yêu mến. Cứ mỗi lần hy sinh,
ta lại thấy mình như chẳng mất mát gì, nhưng còn được lớn lên, được thêm
phong phú. Mức độ hy sinh sẽ đánh giá mức độ tình yêu ta dành cho một
người. Sẽ chẳng có tình yêu nào mà lại không hàm chứa trong đó sự hy
sinh. Cũng sẽ chẳng có một sự hy sinh đúng nghĩa nào mà lại không vì một
tình yêu cao cả nào đấy. Sự hy sinh trở nên đẹp nhờ những tình cảm rất
ngọt ngào bên trong. Chính vì thế, nó mới trở nên giá trị và khiến lòng
người thổn thức, lâng lâng vô cùng.
Thực vậy, có rất nhiều sự
hy sinh trong cuộc sống khiến ta luôn thấy hạnh phúc khi nghĩ về. Hình
ảnh người bố vất vả một đời chắt chiu, không dám ăn, không dám mặc, dành
dụm phần tốt nhất cho con cái; hình ảnh người mẹ quần quật suốt ngày,
từ chuyện bếp núc đến chuyện giặt giũ, và muôn vàn việc nhỏ không tên để
gia đình được vui vầy êm ấm; hình ảnh người yêu lặn lội đường xa, không
ngại mưa gió, đến nhà mình vào lúc đêm khuya, chỉ để tặng mình một cánh
hoa vào ngày sinh nhật vừa tới. Và muôn vàn những hình ảnh đẹp khác
nữa…
Chiếc bánh mì chỉ có thể
trở nên là nó cách trọn vẹn khi nó chịu chấp nhận bẻ ra, làm lương thực
cho người khác. Một chiếc bánh mì mà không ai thèm động đến, không ai
muốn ăn, là một chiếc bánh mì vô dụng. Nó sẽ chẳng được gọi là “lương
thực” nữa. Một ngọn nến chỉ có thể là ngọn nến thực sự khi nó mỗi ngày
tiêu hao đi, để thắp lên ngọn lửa nhỏ, mang áng sáng đến cho người khác.
Nếu không, nó chỉ nằm một xó, cho bụi đất bám vào, rồi rốt cuộc bị quên
lãng theo thời gian. Hy sinh sẽ trở nên vô nghĩa khi nó chỉ đơn thuần
là mất mát. Nhưng nó sẽ trở nên vô cùng ý nghĩa, khi nó được gói gọn
bằng một tình yêu. Hy sinh là chết đi nhưng là chết đi để cho một sự sống mới thành hình.
Thiên Chúa đã đặt một huyền nhiệm vào trong sự hy sinh của con người,
khi sự hy sinh ấy đến từ động lực tình yêu. Càng cho đi, người ta càng
thấy mình thụ hưởng. Càng chịu mất mát, ta càng thấy mình lãnh nhận thật
nhiều. Càng chết đi, người ta càng thấy mình sống sung mãn hơn.
Đến đây, ta có thể hiểu
được lý do tại sao Đức Giêsu cứ luôn mời gọi chúng ta phải vác thập giá
hằng ngày, phải hy sinh hàng ngày. Nếu ta không trút bỏ đi cái cũ, ta sẽ
chẳng bao giờ có được cái mới. Nếu ta cứ luôn cố gắng tích lũy cho
mình, ta chỉ có thể làm cuộc đời mình nặng thêm. Thực ra, Đức Giêsu
không bảo ta phải đành tâm gạt bỏ những gì ta nắm giữ. Ngài chỉ đơn
thuần mời gọi ta hãy yêu bằng một tình yêu thật to lớn. Sự hy sinh chỉ
là một hậu quả tất yếu của tình yêu. Khi đã yêu rồi, ta tự khắc nhận
thấy mình phải hy sinh, ta vui khi mình hy sinh, ta không thấy khổ khi
hy sinh, ta nhận thấy mình chỉ là mình khi mình hy sinh. Đó là tất cả
những gì Giêsu đã làm khi Ngài chấp nhận xuống thế làm người, rồi chịu
chết khổ nhục trên cây thập giá. Giả như còn có thể làm điều gì hơn thế,
hẳn là Giêsu cũng sẽ chẳng từ nan, bởi vì Ngài luôn yêu, và chẳng có gì
là quá khó đối với một con người đang hừng hực lửa yêu trong lòng như
thế.
Chúng ta hãy dành ít phút
cầu nguyện cùng Chúa, xin Người ban cho chúng ta có một con tim thật
rộng lớn, để ta có thể yêu, có thể hy sinh mà không buồn phiền hay tính
toán. Xin cho ta và mọi người lớn lên không ngừng nhờ những hy sinh
trong tình yêu mến mỗi ngày của ta. Amen.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
Post a Comment