Header Ads

BÀI 2 : THÁNH VỊNH : ÂM VANG CỦA GIAO ƯỚC TRONG DÒNG LỊCH SỬ CỨU ĐỘ.

BÀI 2 :

THÁNH VỊNH : ÂM VANG CỦA GIAO ƯỚC  TRONG DÒNG LỊCH SỬ CỨU ĐỘ.

Như đã gợi ra, một chi tiết quan trọng mà các nhà chuyên môn lưu ý chúng ta: Thánh vịnh là những bài thơ. Minh xác điều ấy buộc chúng ta phải theo quy luật thi phú để học và hiểu Thánh vịnh. Một bài thơ nhằm giải bày tâm sự của tác giả, và tác giả muốn độc giả chia sẻ thật sự tâm tình của mình.

Vì thế, xuyên qua Thánh vịnh, chúng ta được mời gọi chia sẻ tiếng nói, tâm tình, để cùng rung động, hoà nhịp với dân giao ước. Nếu như cho tới nay, chúng ta chưa cảm thông sâu sắc, chưa rung động hoà nhịp theo tâm tình của tác giả Thánh vịnh, thì hoặc là chúng ta chưa cảm được thi hứng của tác giả, hoặc là chúng ta còn thật sự xa lạ với các hình ảnh biểu trưng được sử dụng trong các bài thơ. Thật vậy, một bài thơ hay, một tuyệt tác phải là một bài thơ không những tiềm ẩn thi hứng, mà còn sống động phong phú nhờ các hình ảnh biểu trưng. Tiếp xúc với Thánh vịnh, chúng ta dần dần khám phá ra nguồn thi hứng tiềm ẩn và xuyên suốt, chính là giao ước : trong khi đó, hình ảnh được sử dụng nhiều nhất là lịch sử Dân Chúa, hay nói cụ thể hơn là những chặng đường lịch sử của Dân Chúa. Đó là lịch sử của một dân có giao ước với Thiên Chúa, cộng thêm tâm tình của người Hippri, người Sêmit mà tự bản chất đã là thi sĩ, chiêm niệm, thần bí … Cho nên, các bài thơ tôn giáo của họ thật là tinh tế, sâu sắc, đầy sức sống, mang nhiều sắc thái thần bí.
1.    GIAO ƯỚC, NGUỒN THI HỨNG CỦA THÁNH VỊNH
Giao ước (Bơrit – Hipri ; Điathêkê – Hy-lạp) là mối liên hệ không thể chia lìa giữa Yavê Thiên Chúa với đoàn dân được tuyển chọn. Thánh kinh Cựu ước dùng một từ ngũ chuyên môn để để diễn tả bản chất của giao ước, đó là Khêsed: từ ngữ này quá chuyên môn và phong phú, nên khó chuyển dịch cho hết ý bằng một chữ nào nhất định. Thông thường, các nhà nghiên cứu gọi Khêsed là Tình thương, lòng nhân nghĩa, đức trung thành, sự chân thật (Misericordia et Veritas). (Qua tìm hiểu các bản văn giao ước, chúng ta có thể nói khêsed là bản chất của giao ước cũ, và Agapê là bản chất của giao ước mới). Trong toàn bộ Thánh kinh, từ ngữ Khêsed được ghi khoảng 200 lần, thì nội trong Thánh vịnh chúng ta đã gặp khoảng 100 lần. Chúng ta sẽ thấy, vịnh gia luôn luôn nhân danh Khêsed mà khẩn nài, thưa chuyện với Yavê Thiên Chúa. Một số học giả đã không ngần ngại gọi Giao ước là sợi dây nối kết một bên là Thiên Chúa, một bên là Dân Chúa. Mà tính chất của “sợi dây”đó là khêsed, nên lịch sử giao ước giữa Thiên Chúa với dân Người là cả một chuỗi biến cố chan hoà tình thương, lòng nhân nghĩa và có giá trị vĩnh cửu.
Nhìn lại lịch sử Dân Chúa, chúng ta biết được những giao ứơc sau đây đã ghi dấu ấn quan trọng trong đời sống của Dân Chúa :
- Kn 3,15 giao ước với Adam - Eva, nguyên tổ loài người, từ miêu duệ của con người sẽ xuất hiện đấng chiến thắng satan, sự dữ :
“Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng giống ngươi và dòng giống nó. Dòng giống nó sẽ đạp đầu ngươi, còn ngươi thì táp lại gót chân”.
- Kn 6–9 : giao ước với Noê : Thiên Chúa hứa bảo tồn sự sống của con người :
“Ta lập Giao ước của Ta với các ngươi : Mọi loài có xác sẽ không còn bị nước Hồng thủy tiểu trư ... Sẽ không còn có Hồng thủy đến hủy diệt cõi đất”(Kn 6,11).
- Kn 15 và Kn 17 : giao ước với Abraham : từ một con người, đến một gia đình, hướng tới một dân tộc, một tôn giáo dựa trên lời hứa của Thiên Chúa :
“Và Người đã dẫn ông ra ngoài trời và phán : “Hãy nhìn lên trời và hãy đếm tinh sao, nếu ngươi có tài đếm được chúng”. Đoạn Người phán bảo ông : “Dòng giống ngươi sẽ như thế !”. Và Abram đã tin vào Giavê và sự ấy, Người đã kể cho ông như sự công chính”(Kn 15,5-6).
“Phần Ta, nầy giao ước của Ta với ngươi : ngươi sẽ là Cha của hằng hà sa số dân tộc. Tên ngươi không còn là Abram ; tên ngươi phải là Abraham, vì Ta cho ngươi trở thành cha của hằng hà sa số dân tộc. Ta sẽ làm cho ngươi nảy nở sinh sôi đông lắm, đông lắm. Ta sẽ cho phát xuất từ ngươi dân dân và vua chúa. Ta sẽ lập giao ước giữa Ta và ngươi và dòng giống ngươi sau ngươi qua các thế hệ, làm giao ước vạn đại, ngõ hầu Ta là Thiên Chúa của ngươi và của dòng giống ngươi sau ngươi” (Kn 17,3-7).
- Xh. 19–24 : giao ước Sinai : qua trung gian của Môsê, đoàn dân Xuất Ai Cập trở nên “dân sở hữu”của Thiên Chúa : họ trở nên một dân, cùng chung một tôn giáo trên căn bản giao ước tình yêu nhưng không của Thiên Chúa :
“Vậy bây giờ, nếu các ngươi quyết nghe tiếng Ta mà giữ giao ước của Ta, thì các ngươi sẽ là sở hữu của Ta giữa các dân hết thảy” (Xh. 19,5).
(“Dân sở hữu” = Am Sơgullah : kho tàng vô giá không thể thiếu được, trong khi tự bản chất không có chút giá trị gì. Đây chính là bản chất và là nội dung của Giao Ước Sinai).
- 2 S 7,14-16 : giao ước với Đavit : vương quốc được thiết lập. Thiên Chúa ban vương quyền cho dòng tộc Đavit đến muôn đời :
“… Ta sẽ cho dòng giống ngươi chỗi dậy kế vị ngươi, dòng giống xuất từ lòng dạ ngươi và Ta sẽ cho vương quyền nó kiên vững. Chính nó sẽ xây nhà cho Danh Ta và Ta sẽ cho ngai vương quyền nó kiên vững muôn đời. Ta sẽ là Cha nó và nó sẽ là con Ta” (2 Sam 7,12-14).
- Yr 31,31-34 (Cf. Ez 36,26-28) : lời hứa ban giao ước mới : Luật Chúa, tức là Thánh Thần sẽ được ban cho dân Chúa, sẽ được khắc ghi vào tấm lòng của dân Chúa; nhờ đó, đưa tới hai hậu quả là : họ sẽ được ơn tha tội và sẽ được ơn biết Chúa :
“Này sẽ đến những ngày – sấm của Giavê – Ta kết với nhà Israel và nhà Yuđa, một Giao ước mới, không phải như Giao ước Ta đã kết với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay chúng để đem chúng ra khỏi đất Ai Cập. … Vì nầy là Giao ước Ta sẽ kết với Israel trong những ngày ấy – sấm của Giavê – Ta sẽ đặt luật của Ta vào bên trong chúng và Ta sẽ viết trên tim lòng chúng ; và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng, chúng sẽ là dân của Ta. Chúng sẽ không còn, mỗi người, phải dạy bảo nhau, mỗi người phải nói với anh em mình : “Hãy biết Giavê ! “Vì hết thảy chúng đều biết Ta, từ kẻ bé đến người lớn, sấm của Giavê – bởi Ta sẽ tha tội cho chúng và sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng” (Luật Chúa trong Yêrêmya sẽ được Ezêkiel gọi là Thánh Thần).
Tất cả những Giao ước quan trọng nầy trong dòng lịch sử đều hướng về Đấng Mêsia , Đấng Thiên Chúa sai đến trần gian để thực hiện sứ mạng cứu chuộc nhân loại. Và chúng ta biết rõ, Đấng đó, chính là Đức Giêsu Kitô.
Vậy, nếu thi hứng của các bài Thánh vịnh là Giao ước thì rõ ràng Thánh vịnh chỉ được tròn đầy ý nghĩa và đạt tới chóp đỉnh trong Đức Giêsu Kitô, Đấng hoàn tất các lời hứa và nội dung các Giao ước giữa Thiên Chúa với con người.
2.    NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ CỦA DÂN CHÚA : LỊCH SỬ CỨU ĐỘ.
Ngoài thi hứng của thánh vịnh là giao ước, chính những chặng đường lịch sử của Dân Chúa đã cung cấp cho các bài thơ những điển tích, những chủ đề, những kỷ niệm, những dấu ấn quan trọng. Do dó, khi chúng ta có một cái nhìn rõ ràng về lịch sử dân Chúa, chúng ta sẽ dễ hoà nhập với tâm tình của vịnh gia. Lịch sử cứu độ khởi từ tổ phụ Abraham cho đến sự xuất hiện của Đức Giêsu Kitô xoay quanh ba cao điểm, đó là Xuất hành , Lưu đày và Tử nạn –Phục sinh của Đức Giêsu.
Có thể nói, cao điểm Xuất hành đã chi phối lịch sử dân Chúa từ thời các tổ phụ đến thời Vương quốc, tức từ thế kỷ - XVIII đến thế kỷ -X, trong đó chúng ta bắt gặp những biến cố, những chủ đề căn bản như : ơn gọi, ơn tuyển chọn, Lời hứa, Xuất hành, giao ước Sinai, cuộc hành trình sa mạc, vào đất hứa,thành lập vương quớc.
Còn cao điểm Lưu đày lại chi phối lịch sử dân Chúa trong suốt khoảng thời gian 10 thế kỷ trước công nguyên. Đặc điểm của giai đoạn này là dân Chúa cảm nghiệm sự rạn nứt, chia rẽ trong vương quốc, chứng kiến những sụp đổ, tiêu diệt của Samaria và Giuda, sự mất mát to lớn khi Đền thờ bị phá hủy và dân Chúa phải lưu đày. Từ đó họ hiểu thế nào là tội, điều mà các tiên tri trong suốt dòng lịch sử luôn khuyến cáo họ. Chính trong bối cảnh lưu đày, nhờ đọc lại các tiên tri, đối chiếu đời sống của mình với giao ước mà họ nhận ra : tội chính là sống xa Thiên Chúa, đi ngược con đường dẫn đến Thiên Chúa.
Do đó, từ kinh nghiệm Lưu đày, họ ý thức phải hoán cải quay trở về với thiên Chúa. Sự hồi sinh thiêng liêng của cả một dân tộc, việc nội tâm hoá giao ước sẽ giúp dân Chúa từ sau cuộc hồi hương khám phá ra vai trò chủ động và quyết định của Thiên Chúa trong lịch sử và đời sống của mình. Điều đó tạo điều kiện cho họ đón nhận giao ước mới sẽ được thực hiện sau này trong cao điểm thứ ba của lịch sử cứu độ là cuộc Tử nạn - Phục sinh của Đức Yêsu Kitô. Cao điểm này chi phối dân Chúa cho đến ngày Đức Kitô quang lâm.
Thật vậy, như đã nói trong phần về Thi hứng của Thánh vịnh là Giao Ước chỉ thật sự trọn vẹn khi có Đấng thực hiện lời hứa về Giao ước mới : giao ước mới sẽ được Đức Giêsu Kitô thực hiện trong máu của Người, để nên ơn tha tội và cho con người được quyền biết Thiên Chúa, trong tư cách là con Thiên Chúa (cf Mt 26,27-28; Mc 14,22-26 ; Lc 22,19tt ; 1 C 11,23-25) ; thì tất cả những biến cố, những nhân vật, những chặng đường lịch sử cứu độ cũng sẽ hướng về Đức Giêsu Kitô, Đấng là tâm điểm, đồng thời cũng là chóp đỉnh của lịch sử cứu độ. Và nếu Giao Ước cũng như Lịch sử cứu độ hướng về Đức Giêsu Kitô và gặp được ý nghĩa tròn đầy nơi Đức Giêsu Kitô, thì rõ ràng Thánh Vịnh, những bài thơ được sáng tác từ nguồn cảm hứng là Thánh vịnh và sử dụng những hình ảnh biểu trưng từ những chặng đường lịch sử của Dân Chúa cũng sẽ đạt tới đỉnh cao trong mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô, mầu nhiệm được diển ra trong các biến cố Tử nạn-Phục sinh và Quang lâm của Người. Đó là lý do sâu xa giúp chúng ta khi sử dụng Thánh vịnh đều hướng lòng về Đức Giêsu ; và cũng là lý do mà Hội thánh vẫn mãi mãi dạy bảo con cái mình dùng Thánh vịnh mà ca ngợi, tôn vinh, cảm tạ Thiên Chúa trong mọi trạng huống thăng trầm của lịch sử cho đến ngày Quang lâm vinh hiển của Chúa mình.
3.    CẤU TRÚC TƯ TƯỞNG
Thông thường người Hippri rất ưa chuộng hai lối cấu trúc tư tưởng: đồng tâm và trôn ốc.
- Cấu trúc đồng tâm (construction concentrique). Trong toàn bài thơ thường có một tư tưởng là trọng tâm, là chủ đề. Trọng tâm được phong phú hoá bởi các tư tưởng, hình ảnh khác nhau, thậm chí có khi mâu thuẫn nhau. Mục đích là tô điểm thêm cho chủ đề, làm cho trọng tâm được thêm phong phú. Khi gặp lối cấu trúc này, điều quan trọng là ta cố tìm ra trọng tâm, đừng để mình bị các hình ảnh khác đánh lạc hướng. Vì dụ : TV 8, trọng tâm là “Yavê, Chúa chúng tôi”. Các hình ảnh, tư tưởng khác diễn tả uy đức, tình thương của Yavê đều quay quanh trọng tâm đó.
- Cấu trúc trôn ốc (construction spirale). Với lối cấu trúc này, chủ đề được triển khai từng bước, ăn khớp với nhau theo hình trôn ốc, như các tầng của một toà nhà cao. Không thể lên đến chót đỉnh, nếu không tuần tự đi từ tầng dưới lên trên. Và khi đã lên đến chót đỉnh, ta sẽ bắt gặp chủ đề của bài thơ, cao điểm của bài thơ. Lối cấu trúc này rất được nhiều người Hippri ưa chuộng. Thoạt nhìn qua, ta thấy có vẻ độc điệu giống nhau, vì hình như tác giả cứ lập đi lập lại một ý tưởng, hoặc một từ ngữ. Nhưng nếu quen, chúng ta sẽ khám phá ra nhịp điệu, âm thanh, tiết điệu sinh động, mang nhiều sắc thái khác nhau. Đây chính là nhịp co thắt đưa độc giả vào thế giới của tác giả, đến độ độc giả sẽ dần dần thâm nhiễm tâm tình của tác giả, để rồi đồng hoá với tâm tình của tác giả cho tới khi đạt tới cao điểm của bài thơ. Ví dụ : Tv 96.
* Hành văn biền ngẫu song đối
Thi phú Hippri không có lối gieo vận như một số thi ca của các dân tộc khác. Họ chuộng thế quân bình giữa các câu thơ, đồng thời bộc lộ tính cụ thể nhưng thần bí chiêm niệm của mình qua lối hành văn biền ngẫu, song đối. Người Hippri rất thích lối diễn tả này:
“Đoạn họ lôi cậu (Yuse) đi mà vất cậu xuống hầm nước, nhưng hầm ấy trống rỗng không có nước” (Kn 37,24).
“Bà nói : khốn khổ, tôi goá bụa. Chồng tôi đã chết” (2 S 14,5)..
Có ba lối biền ngẫu song đối :
- Biền ngẫu đồng nghĩa (Parallélisme synonimique) sử dụng từ ngữ hay hình ảnh văn chương với mầu sắc khác nhau để diễn tả cùng một ý nghĩa, một tư tưởng như nhau. Hậu quả : tư tưởng vẫn là một nhưng được sinh động, phong phú nhờ nhiều âm thanh, màu sắc khác nhau :
“Yavê xin chớ theo giận mà sửa phạt tôi trong cơn lôi đình, xin chớ trừng trị tôi”(Tv 38,2)
“nhà tạm của Người ở tại salem,
cung điện Người ngự ở Sion” (Tv 76,3)
“Ân nghĩa tín thành cùng nhau hội ngộ
Công chính bình an áp má hôn nhau
Từ đất tín thành nảy mầm
Từ trời công chính đoái lại” (Tv 85,11-12)
- Biền ngẫu đối nghĩa (Parallélisme antithetique). Hai câu thơ hoặc hai từ ngữ đối chọi nhau ở lời văn, ý tưởng, hình ảnh. Hậu quả : sử dụng phản đề cốt làm nội bật chủ đề.
“kẻ được Người chúc phúc sẽ làm chủ đất đai, kẻ Người nguyền rủa sẽ bị tru di” (Tv 37,22).
- Biền ngẫu tiệm tiến (Parallélisme Progressif ou syn-thétique). Sử dụng câu hoặc từ ngữ sau nhằm bổ túc cho câu hoặc từ ngữ trước được rõ và đầy nghĩa hơn :
“Tôi vui mừng khi người ta nói cùng tôi :
- nào ! ta đi nhà Yavê !” (Tv 122,1).
“Ví thử Yavê không xây nhà,
Có vất vả xây dựng rồi cũng luống công !
Ví thử Yavê không canh thành
Người canh giữ có thức tỉnh cũng uổng công” (Tv 127,1).
Tóm lại, sau khi đã xác định thánh vịnh là những bài thơ, tiếng nói của tâm tình, chúng ta đi vào thi hứng của vịnh gia là giao ước, đồng thời gặp thấy nơi các hình ảnh biểu trưng của bài thơ dấu vết của những chặng đường lịch sử của Dân Chúa. Điều này sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong việc tìm hiểu và cảm nghiệm tâm tình của Thánh vịnh, khi chúng ta đọc và hát Thánh vịnh dưới ánh sáng của cao điểm tử nạn - phục sinh của Chúa Kitô trong giao ước mới và dòng lịch sử của Dân Chúa lữ hành vươn tới ngày quang lâm. Rồi nhờ vào các lối cấu trúc tư tưởng đồng tâm và trôn ốc, cũng như lối hành văn biền ngẫu song đối, chúng ta bắt đầu có trong tay những chìa khóa thích hợp để mở cửa toà nhà Thánh vịnh.
source simonhoadalat

Không có nhận xét nào