Header Ads

TĨNH TÂM VỚI THÁNH VỊNH BÀI 1 THÁNH VỊNH : LỜI CA NGUYỆN CỦA DÂN CHÚA.

TĨNH TÂM VỚI THÁNH VỊNH

BÀI 1
THÁNH VỊNH : LỜI CA NGUYỆN CỦA DÂN CHÚA.


1.    MỘT TUYỂN TẬP
Theo kinh thánh Hippri, Thánh vịnh được gọi là “Sách ca ngợi” (sêpher - tơhillim). Bản dịch hy ngữ LXX gọi là “Sách ca vịnh”(Psalmoi hay Biblos psalmôn). Từ đó, bản phổ thông La ngữ dịch Psalterium hay Liber Psalmorum.
Sách ca ngợi hay thuật ngữ thông dụng của chúng ta gọi là Thánh vịnh là một tuyển tập gồm 150 bài ca, chia làm 5 phần, có lẽ theo khuôn mẫu số 5 của bộ Ngũ kinh: Khởi nguyên, Xuất hành, Lêvi, Dân số và Thứ luật ; bởi lẽ, Ngũ Kinh là bộ sách nền tảng của Cựu ước, đồng thời cũng là bộ sách nền tảng của toàn bộ Thánh kinh :
Phần 1 gồm Tv 1 – 41, kết thúc bằng Tv 41,14
Phần 2 gồm Tv 42 – 72, kết thúc bằng Tv 72,18 -19
Phần 3 gồm Tv 73 – 89, kết thúc bằng Tv 89,53
Phần 4 gồm Tv 90 – 106, kết thúc bằng Tv 106,48
Phần 5 gồm Tv 107 – 150, kết thúc bằng Tv 150

Nhìn vào cách bố cục và nhất là câu kết của mỗi phần, chúng ta ghi nhận các câu kết đều được trình bày dưới hình thức, một vinh tụng ca (doxologie). Cách riêng, ở phần cuối tác phẩm, chúng ta bắt gặp không phải chỉ có một hay hai câu, nhưng toàn bài Thánh vịnh 150 được sử dụng như một bản vinh tụng ca trang trọng, hùng vĩ. Nhờ đó, Tv 150 không những là bản Thánh vịnh kết thúc toàn bộ tác phẩm, nhưng nhờ cung giọng, âm điệu, tâm tình, nội dung … sẽ là bài ca mở rộng tâm hồn mọi người ra với thiên nhiên, vũ trụ, loài người, Thiên Chúa. Vì thế, tuy tác phẩm thánh vịnh kết thúc với Tv 150, nhưng phải nói là Tv 150 như kéo dài tới vô tận mọi tâm tình của con người hàm chứa trong toàn bộ tác phẩm thánh vịnh.
Một trong những đặc điểm khiến chúng ta lưu ý, có lẽ Sách Thánh vịnh là một trong những sách Kinh Thánh mà ta không thể nào đọc một mạch từ đầu chí cuối. Về điểm này, có tác giả có một nhận xét khá ngộ nghỉnh : Thánh vịnh được ví như một cuốn cuốn tự điển : người ta có thể tra ở đầu, ở cuối, hay ở giữa, tuỳ theo nhu cầu. Tuy nhiên , có lẽ khó tra hơn tự điển, vì các thánh vịnh được xếp nối tiếp nhau mà dường như không theo một trật tự nào cả ; dầu cũng có ít chỉ dẫn khá mơ hồ ở đoạn dẫn nhập, cho thấy Thánh Vịnh được đưa vào danh mục phụng vụ như thế nào . Điều nầy giải thích nguồn gốc của Sách Thánh vịnh : Đó là tuyển tập các bài hát được sưu tập nhằm mục đích để xử dụng thường xuyên trong cộng đồng phụng vụ.
2. MỘT TUYỂN TẬP CÁC BÀI THƠ.
Dân chúng tất nhiên cần đến lề luật, nhưng văn chương luật pháp thì lạnh lẽo và theo thứ logic khô khan của lý trí. Lịch sử và các truyện kể thì khác, thường lôi cuốn vì cách này hay cách khác, chúng ta cảm thấy như mình đang ở trong đó. Tuy nhiên, không gì có thể diễn tả tâm tình, tâm sự và cảm xúc của con người đến mức như là thi ca ; hơn nữa chúng lại được sáng tác nhằm có thể hát lên, với nhạc khí phụ hoạ. Mỗi Thánh vịnh là một bài thơ, thậm chí là một tuyệt tác ; vì đã trải qua thử thách của thời gian, cũng như đã in sâu vào tâm khảm và sự chấp nhận của lòng người .
Thi nhân, theo bản chất, sáng tạo nên một điều gì đó độc đáo, nhưng không phải bao giờ cũng tuân theo trật tự luận lý. Chính đó là điều khiến chúng ta đôi khi lúng túng trước bản văn thánh vịnh. Khi mô tả một tình huống, các vịnh gia hẳn có thể đảo trình tự các biến cố, hầu làm nổi bật điều mà họ coi là quan trọng hơn hoặc nhằm đưa ra ánh sáng những mối liên hệ phong phú và tế vi trên bình diện thần học.
Vả lại, ngôn ngữ của thi ca thường dò tìm mọi khả năng của trí tưởng và của trực giác biểu tượng. Ở đây, chúng ta cần phân biệt hai cấp độ khác nhau , qua đó thi ca biểu lộ.
Trí tưởng tạo ra những hình ảnh, nghĩa là các so sánh, các ẩn dụ. Nếu một vịnh gia mô tả chẳng hạn cuộc thần hiển như sau : “Thiên Chúa ta ngự đến, Người không nín lặng. Hàng tiền đạo : kìa lửa hồng thiêu đốt, quân tả hữu : đây bạo vũ cuồng phong”(Tv 50,3), thì rõ ràng ông đã phải dùng thứ ngôn ngữ vượt ra ngoài ranh giới văn hoá ; khiến ai cũng đều có thể hiểu ngay rằng, mô tả đó liên quan đến hành động can thiệp đầy uy dũng của Thiên Chúa. Quả vậy, lửa hồng thiêu đốt và bão táp cuồng phong nằm trong hành trang kinh nghiệm của mọi con người, bất kể chủng tộc,văn hoá. Nói đúng ra, đó là những biểu tượng hơn là những hình ảnh đơn thuần. Điều này có lẽ khiến độc giả thoáng nhận ra rằng, ngôn ngữ biểu tượng của các thánh vịnh có khả năng phản ánh, kinh nghiệm sâu xa nhất và phổ quát nhất của nhân loại, giống như một tấm gương trung thực.
3.    LỜI CON NGƯỜI HAY LỜI THIÊN CHÚA ?
Ở đây có một vấn đề đặt ra. Trong các cộng đoàn của chúng ta, chúng ta luôn nói và tin rằng tất cả Kinh Thánh là Lời Chúa. Nhưng điều đó có đúng với các Thánh Vịnh hay không ? Trong phần lớn các trường hợp, người nói là một kẻ nghèo đang kêu lên nỗi thống khổ của mình. Trong một số thánh vịnh khác lại là tiếng hát ngợi ca Thiên Chúa của cộng đoàn. Nếu những thánh vịnh đó là Lời của Thiên Chúa thì phải chăng Thiên Chúa đang nói với chính mình ?
Rõ ràng chúng ta không thể hoài nghi về việc các Thánh Vịnh, cũng như phần còn lại của Kinh Thánh, vọng lại tiếng nói thực sự của con người. Đó là những bài thơ gắn chặt vào các tình cảnh cụ thể khác nhau mà chúng ta mãi mãi sẽ không thể nào nắm hết được các tình tiết . Thực ra, các thánh vịnh là những tấm gương phản chiếu cho chúng ta hôm nay. Các tác giả thánh vịnh đã diễn tả cách rất trung thực những gì họ suy nghĩ, những gì họ cảm nhận và sống.
Tuy nhiên, còn có điều hơn thế nữa. Mỗi lần chúng ta đọc hoặc cầu nguyện với một thánh vịnh là chúng ta thực sự mượn lời của Thiên Chúa. Đó là vì Thiên Chúa đã đảm nhận toàn thể kinh nghiệm của dân Người, và qua đó đảm nhận kinh nghiệm của tất cả nhân loại. Có biết bao con người cảm thấy, một lúc nào đó, mình kiệt sức, mỏi mòn vì cuộc sống hằng ngày, đến nỗi không còn có thể kêu lên nỗi đau đớn và ngay cả sự nổi loạn bên trong của mình. Nếu họ không còn gì để thốt ra thì Kinh Thánh lại đặt vào môi miệng họ những lời mang chiều sâu biểu tượng khôn sánh :
“Lạy Chúa Trời, xin cứu vớt con,
vì nước đã dâng lên tới cổ.
Con bị lún sâu xuống chỗ sình lầy,
Chẳng biết đứng vào đâu cho vững,
Thân chìm ngập trong dòng nước thẳm,
Sóng dạt dào đã cuốn trôi đi.
Kêu hoài nên kiệt sức, họng con đã ráo khô ;
Đôi mắt đã mỏi mòn vì trông chờ Thiên Chúa”
(Tv 69,2-4).
Những con người đó tự mình chắc không bao giờ dám thốt lên:
“Lạy Chúa, xin tỉnh giấc ! Ngài cứ ngủ được sao ?
Xin trỗi dậy đi nào, đừng đuổi xua mãi mãi !
Sao Ngài còn ẩn mặt, quên rằng chúng con bị khổ cực đoạ đày ?
Mạng chúng con chôn vùi cát bụi,
Tấm thân này nằm bẹp dưới bùn đen.
Dám xin Ngài đứng lên phù giúp,
Lấy tình thương cứu chuộc dân Ngài” (Tv 44,24-27).
Khi cho những con người bị nghiền tán, bị tổn thương phẩm giá của mình được có những lời lẽ như thế, Thiên Chúa cho họ phương thức cụ thể để đến với Ngài cách hết sức thân tình, như đến với một người chahiền lành, giàu lòng thương xót và vô cùng gần gũi.
Trong những trường hợp khác, dẫu mọi sự tốt đẹp, đôi khi chúng ta không biết phải nói gì với Chúa. Lúc đó Ngài lại ban cho chúng ta những kiểu nói tuyệt vời, thốt ra từ trái tim nhân loại như chúng ta. Mặc dù sau bao nhiêu thế kỷ, những kiểu nói đó vẫn có sức nuôi dưỡng kỳ diệu kinh nguyện chung của chúng ta. Chẳng hạn :
“Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con,
lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu !”
(Tv 8,2).
Hay:
“Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng ! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan” (Tv 104,24).
4.    CẤU TẠO BỘ THÁNH VỊNH
Bộ Thánh vịnh đã được hình thành như thế nào ? môi trường nào đã làm nảy sinh Thánh vịnh ? ta có thể xác định niên biểu của Thánh vịnh không ?
Trong việc tìm hiểu Thánh vịnh, chúng ta phải cố gắng tìm giải đáp khả dĩ trả lời cho các câu hỏi trên. Bởi lẽ, trong toàn bộ Thánh Kinh, Thánh vịnh là bộ sách tương đối lủng củng nhất, nếu chưa nói thuộc loại khó nhất của Thánh kinh.
Điều ghi nhận trước tiên, đó là Thánh vịnh chính là tập sách chính thức quy tụ các bài Thánh ca của Israel trong công việc phụng tự. Nếu như trong việc nghiên cứu về Thánh vịnh, có một số tác giả nghi ngờ về nguồn gốc phụng tự của Thánh vịnh – đa số các nhà nghiên cứu đều đồng nhất về nguồn gốc phụng tự của Thánh vịnh – thì điều chắc chắn mà mọi người đều nhất trí, đó là Thánh vịnh được lưu truyền đến chúng ta nhờ con đường phụng vụ; bởi lẽ, các giai đoạn cấu tạo bộ Thánh vịnh hoàn toàn phù hợp với sự phát triển đời sống phụng vụ của Israel. Chính trong bầu khí phụng vụ, Thánh vịnh đưa chúng ta đi vào kinh nghiệm sống của những con người biết đối thoại với vị Thiên Chúa mà mình tin và yêu mến.
Thoạt nhìn qua, chúng ta thấy tập Thánh vịnh được hình thành qua nhiều thời đại, do các chủ đề, điển tích, văn thể, ý tưởng, từ ngữ sử dụng . Nói như thế, chúng ta phải xác nhận Thánh vịnh là những bài ca vịnh do nhiều tác giả khác nhau, có những hoàn cảnh khác nhau, mang nhiều tâm trạng khác nhau, có những kinh nghiệm tôn giáo khác nhau, thậm chí có khi xem ra mâu thuẫn nhau. Những yếu tố tạo ra những nét phong phú cho Thánh vịnh, nhưng đồng thời cũng đem lại nhiều khó khăn, phức tạp cho chúng ta khi tìm hiểu Thánh vịnh.
Theo truyền thống, người ta gán cho Đavit là tác giả bộ Thánh vịnh, tương tự gán cho Môsê là tác giả bộ Ngũ kinh. Truyền thống này mang ít nhiều tính chất giả tạo, vì như trong trường hợp bộ Ngũ kinh, chăc chắn là không phải cá nhân Môsê soạn ra ; bởi trong thực tế, bộ Ngũ kinh được hình thành ít nữa là do bốn nguồn khác nhau : nguồn Y (Yavit), nguồn E (Elohit), nguồn P (Priester Kodex, nguồn tư tế), và nguồn D (Thứ luật). Căn cứ trên lịch sử cấu tạo của bộ Ngũ kinh , ngày nay các tác giả đều xác quyết là các nguồn trên mang dấu vết của các thời đại từ thế kỷ XIII đến thế kỷ thứ VI trước công nguyên. Còn nhân vật Môsê lịch sử lại sống vào thế kỷ thứ XIII. Như thế, không thể nói Môsê là tác giả của bộ Ngũ kinh như truyền thống xưa nay vẫn dạy. Thế nhưng, điều đó không những không sai, nhưng còn rất sâu sắc và chính xác. Vì trong lịch sử thời Cưu ước, khuôn mặt Môsê được xem như tiêu biểu của lịch sử Dân Chúa, của Giao ước Sinai. Ông là khuôn mặt có tính chất quy tụ và là mẫu gương tiêu biểu nhất của dân Giao ước cũ. Các nguồn Y, E, P, D của Ngũ kinh, tuy được hình thành bởi nhiều tác giả, qua các giai đoạn khác nhau … nhưng đều chung quy phát xuất từ Môsê, con người của Giao ước Sinai (Ngũ kinh còn được gọi là sách Luật - Torah hay sách giao ước).
Cũng vậy, Đavit được Thánh kinh Cựu Ước xem như nhân vật “ca ngợi Thiên Chúa”một cách tuyệt hảo. Ông là hiện thân một con người được tuyển chọn một cách nhưng không, yêu mến, tin tưởng, ngoan ngoãn đi theo Thiên Chúa. Ông ca ngợi Thiên Chúa trong suốt cuộc đời, lúc sống đẹp lòng Thiên Chúa cũng như khi sa ngã lỗi phạm. Trong trạng huống nào của cuộc sống, Đavit vẫn luôn luôn là con người hướng về và ca ngợi Thiên Chúa. Vì thế, lời ca ngợi của một Đavit, chính là lời ca ngợi, lời nguyện của những con người, của cả một dân tộc ý thức sâu xa mình được Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn, nhưng đồng thời cũng ý thức thân phận yếu đuối mỏng dòn và thường xuyên thất tín của mình.
Vì thế, nói đến Môsê là nói đến dân Giao ước (Ngũ kinh), còn nói đến Đavit là nói đến dân biết ca ngợi, khẩn cầu Vị Thiên Chúa giao ước của mình (= thánh vịnh). Trên cơ sở đó, đi sâu vào nội dung của việc sắp xếp 150 bài Thánh vịnh, chúng ta sẽ khám phá ra phương hướng của Thánh vịnh. Đó chính là đà tiến thiêng liêng của toàn dân Thiên Chúa, một dân biết diễn tả tâm tình tôn giáo của mình qua lời thơ, câu hát của cuộc hành trình con người đến với Thiên Chúa. Và trong cuộc hành trình đó, hình ảnh và cuộc sống của những con người bị giằng co, xâu xé cùng với những phấn đấu nội tâm liên lỉ trước những yêu sách của giao ước sẽ được phơi bày ra một cách hết sức trung thực trong các bài Thánh vịnh.
Thật vậy, ngay từ lúc được Thiên Chúa mời gọi, Dân Chúa như đứng trước một lựa chọn cơ bản, tượng trưng bằng hình ảnh một con người đứng trước hai con đường :
Một bên là :
“thú vui để nơi thánh chỉ Yavê
Ngày đêm ngâm mãi Thánh chỉ của Người” (Tv 1,2)
Còn bên kia :
“như trấu lép gió cuốn bay” (Tv 1,4)
Đấy là hai con đường con người được mời gọi chọn lựa. Chọn con đường đem đến “thú vui, hạnh phúc nơi thánh chỉ Yavê, hoặc con đường mà cuối chặng sẽ thấy thân phận mình “như trấu lép gió cuốn bay” ? Để thực hiện công việc chọn lựa này, con người có sự đấu tranh nội tâm, giằng co sâu sắc giữa công chính với gian tà, trung thành với vô đạo. Tâm trạng đó, các Thánh vịnh đầu tiên sẽ gợi lên cho chúng ta. Tiếp đó, ở các Thánh vịnh giữa, chúng ta hầu như lạc vào một thế giới thật nghịch lý, trong đó chúng ta như đối diện một cách ngỡ ngàng và phũ phàng với tình trạng những người chọn Yavê và sống trung thành với giao ứơc lại sẽ gặp biết bao gian nguy, thử thách, bao đau khổ oan ức ; trong khi những người khước từ Yavê, sống xa giao ước của Người, thì hình như được toại nguyện ở đời ! Rồi một khi đi hết chặng đường đầy thử thách đó, người chọn lựa và sống trung thành với thánh chỉ Yavê sẽ thanh thản, an bình xướng lên từ thâm tâm lời hân hoan chúc tụng ngợi khen thiên Chúa trong những Thánh vịnh cuối cùng. Còn những kẻ khước từ Lề luật của Thiên Chúa, mà đã có thời gian thành đạt, rốt cuộc không còn thấy tăm hơi để đi vào bóng tối và lãng quên.
source simonhoadalat

Không có nhận xét nào