Header Ads

Bài 3. THÁNH VỊNH : DANH XƯNG CỦA DÒNG TỘC TIN YÊU THIÊN CHÚA.

Bài 3.  THÁNH VỊNH : DANH XƯNG CỦA DÒNG TỘC TIN YÊU THIÊN CHÚA.

Chúng ta hãy đặt Thánh vịnh vào môi trường lịch sử cứu độ, để từ đó, dưới ánh sáng của lịch sử dân Giao ước, chúng ta tìm hiểu các bài thơ thánh. Với cách đặt vấn đề như thế này, chúng ta sẽ có một kiểu nói vừa bình dân, vừa thân mật, vừa có tính lịch sử, lại vừa biểu lộ một mối tương quan sâu sắc giữa các Thánh vịnh với nhau: thay vì gọi là văn thể Thánh vịnh, thì chúng ta có thể gọi là “gia đình Thánh vịnh”
Tại sao có ý tưởng này ? vì chúng ta quan niệm toàn bộ Thánh vịnh phản ánh tâm tình chung của cả một dân tộc, là tiếng nói của toàn thể cộng đồng dân Chúa, trong đó cá nhân và cộng đồng hài hoà với nhau, cái “tôi” và cái “chúng tôi” gắn bó chặt chẽ với nhau, đến độ không thể và không nên phân biệt nữa ; đúng như cha Albert Gelin PSS đã có lần nhận định : “con người Thánh kinh không bao giờ là con người cô độc trước nhan Thiên Chúa ; ngược lại, đó là con người luôn có chỗ đứng ở giữa anh em mình: vì con người thánh kinh là con người của Giao ước” (kiểu nói “gia đình Thánh vịnh” có lẽ xuất phát từ cha Albert Gelin pss ?)

Bởi thế, trong cái nhìn nầy, tác giả đích thực của Thánh vịnh không phải là một cá nhân nào ; và ở đây cũng không bao giờ phản ánh tâm tình của riêng một ai ! Nhưng chính là sự sống, tâm tình, tiếng ca ngợi của những con người có cùng chung với nhau một huyết thống: huyết thống Giao ước, huyết thống phát xuất từ niềm tin, lòng mến và niềm cậy trông của những con người vào một vị Thiên Chúa đầy yêu thương và tín thành trong giao ước. Và bởi vì Thánh vịnh là sản phẩm của những con người cùng chung một dòng máu, một lẽ sống , một lịch sử, nên các Thánh vịnh có họ hàng với nhau, bà con với nhau. Trong một gia đình, thường người ta có một nét giống nhau, mặt mũi, bộ đi, kiểu nói, tình cảm, truyền thống.. (dĩ nhiên cũng có những nố trừ như khi hai anh em ruột lại có thể khác hẳn nhau). Chính quan hệ trong một gia đình tạo nên cho con cái những nét giống nhau, pha lẫn với nhau cũng như có cảm tình với nhau.
Trong lãnh vực Thánh vịnh cũng thế, khi tiếp xúc với các bài Thánh vịnh, chúng ta ghi nhận các bản văn này có nhiều nét giống nhau về hình thức bên ngoài như cấu trúc, cách đặt câu, cung giọng, từ ngữ sử dụng, đến hoàn cảnh, môi trường của chúng, cũng như nội dung, chủ đề của bài thơ.
Căn cứ trên những nhận định này, chúng ta tìm hiểu các Thánh vịnh khởi từ hình thức để đi đến nội dung (vì là quy luật của thi phú), và giới thiệu ba gia đình lớn :
- Gia đình Thánh vịnh ca ngợi
- Gia đình Thánh vịnh lời nguyện
- Gia đình Thánh vịnh Giáo huấn
1. Gia đình Thánh vịnh ca ngợi
Gia đình này gồm rất nhiều nhánh rải rác trong toàn bộ Thánh vịnh. Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu, thì đa số các bài Thánh vịnh ca ngợi được sáng tác để sử dụng trong các nghi lễ phụng vụ và ca hát vào các dịp đại lễ, ngày hội của Israel. Các Thánh vịnh thuộc gia đình này phản ánh tính chất cộng đoàn rất rõ rệt : đối đáp nhau, ca đoàn, điệp khúc, lời tung hô, lời xướng đáp, những công thức như Amen, Alleluia … Bầu khí trang trọng và tham gia tích cực của cả cộng đoàn phụng vụ, như đoàn rước, kiệu, nhảy múa, vỗ tay, bái quỳ, phủ phục … đều thể hiện rõ trong gia đình Thánh vịnh này.
Cấu trúc các bài Thánh vịnh ca ngợi có nhiều nét chung.
- Phần giáo đầu : tạo bầu khí hân hoan phù hợp với tâm tình của cộng đoàn trong ngày lễ hoặc bằng một lời mời gọi tổng quát, hoặc bằng một công thức đạo đức nâng tâm hồn lên, hoặc bằng một dấu hiệu nào đó.
- Phần thân đề : lý do, nội dung lời ca ngợi theo ý nghĩa của dịp lễ
- Phần kết đề : thừơng lập lại tâm tình của phần giáo đầu hoặc tóm lại các lý do ca ngợi hoặc kết bằng một lời chúc lành hoặc một lời nguyện chúc khác.
Đối tượng của các Thánh vịnh thuộc gia đình ca ngợi là : Thiên Chúa, Đền thờ, Sion - Yerusalem, Đức Vua
a. Thánh Thi. Gọi là thánh thi những bài Thánh vịnh ca ngợi Thiên Chúa của giao ứơc, gồm 18 bài : Tv 8 ; 19 ; 33 ; 100 ; 103 ; 104 ; 111 ; 113 ; 114 ; 117 ; 135 ; 136 ; 145 ; 146 ; 147 ; 148 ; 149 ; 150 (ngoài ra hai Tv 78 và 105 đôi lúc cũng được xếp vào nhóm thánh Thi).
Trên căn bản giao ước, Israel biểu lộ niềm tin của mình vào một vị Thiên Chúa duy nhất vĩnh cửu, toàn năng, toàn tri, Đấng tạo dựng muôn loài, chủ tể của lịch sử, luôn yêu thương, trung thành với đoàn dân mà Người đã tuyển chọn. Đây là lời dân giao ứơc đáp trả lời Chúa tín thành. Tâm tình này phát xuất từ kinh nghiệm và lịch sử của mình. Dân Chúa có cảm nghiệm đã gặp Chúa, được Chúa dẫn dắt. Người vừa là Đấng thẩm phán, vừa là Đấng bầu chữa, vừa là Đấng giải thoát. Thiên Chúa hành động bằng Lời Hằng sống, bằng các dấu chỉ, bằng các cuộc thần hiển. Vị Thiên Chúa mà Israel ca ngợi không bao giờ đồng hoá với các hiện tựơng sức mạnh trong vũ trụ, nhưng là vị Thiên Chúa của lịch sử, Thiên Chúa của Israel.
b. Thánh vịnh về Nước Thiên Chúa : Tv 93 ; 96 ; 97 ; 98 ; 99 (Tv 47)
      Tương tự như các bài Thánh thi, đặc điểm của 5 Thánh vịnh trên nhấn mạnh đến tính phổ quát của vương quyền Thiên Chúa. Các bài thơ đượm tinh thần phấn khởi, náo nhiệt, ca ngợi Yavê Thiên Chúa làVua. Vịnh gia bộc lộ sự hân hoan, tràn đầy hạnh phúc khi được chiêm ngưỡng vị vua của mình ngự trên ngai báu : Người là Vua của Israel và là chủ tể muôn loài. Vị minh quân của các dân, các nước. Loại Thánh vịnh nầy bắt nguồn từ việc phụng tự (Tv 96,8-9 ; 99,5). Đặc điểm của phụng tự Israel là điều hiện tại hiện tại hoá quá khứ và dự báo trước tương lai. Thật vậy, phụng tự làm cho quá khứ trở nên sống động trong hiện tại, tạo ra niềm hy vọng vào tương lai cho toàn thể cộng đồng Dân Chúa. Toàn dân hớn hở vui mùng như trong ngày đăng quang của Đưc vua : Israel, mọi dân tộc, các đảo xa xôi, muôn loài muôn vật trong vũ trụ và lịch sử vang tiếng ngợi khen, tưng bừng, phấn khởi.
c. Thánh vịnh ca ngợi Sion - hành hương. Loại Thánh vịnh này biểu dương Yerusalem và đền thờ ở Sion (Tv 46 ; 48 ; 76 ; 84 ; 87).
Ngoài ra có thể xếp vào loại này các Tv 24 ; 68 ; 122 ; đặc biệt có 15 Thánh vịnh thường được gọi là : “khúc ca lên đền”, từ Tv 120 – 134.
Sion - Jerusalem được vịnh gia khoác cho những tước hiệu hết sức huy hoàng : thủ đô của triều đại Đavit, trung tâm tôn giáo, nơi cực thánh trong số các nơi Đấng tối cao cư ngụ, thành của Thiên Chúa, đô thị của Đức vua đại đế. Vịnh gia mặc cho Sion - Jerusalem một chuỗi vô tận các tước hiệu, vì lẽ Sion - Yerusalem gắn liền với Thiên Chúa, Đấng đã tuyển chọn Sion làm nơi Người ngự. Sự hiện diện của Thiên Chúa là đảm bảo cho sự kiên vững, an toàn của Sion. Từ đó Sion trở nên nơi nương náu bất khả xâm phạm cho Dân Chúa. Họ có một niềm tin tuyệt đối vào điều đó, ngay cả giữa những lúc bi đát nhất trong lịch sử của họ. Các bài Thánh vịnh ca ngợi Sion mở ra một chiều kích thần bí, lý tưởng hoá thành thánh Yerusalem. Họ xem đó là nơi sẽ quy tụ mọi dân mọi nước trong tương lai (Tv 87). Từ tư tưởng đó, các nhà chú giải có khuynh hướng đề cập đến thời cánh chung của lịch sử cứu độ. Thật ra, chúng ta chỉ cần lưu ý đến ý nghĩ phụng tự của Israel như đã nói ở trên, thì có thể hiểu rõ chiều kích thần bí đó : chính phụng tự mở ra cho ta thấy tương lai.    
Trong các Thánh vịnh ca ngợi Sion, chúng ta còn gặp một số Thánh vịnh thường được gọi là : “khúc ca lên Đền” (Tv 120 – 134). Theo sách Mishna,các thầy Levi xuống và hát các Thánh vịnh này tại 15 bậc cấp tiến về cửa Nicanor của đền thờ. Các khúc ca này thường được khách hành hương hát mỗi dịp lên Yerusalem trẩy hội.
d. Thánh vịnh ca ngợi Đức vua - Đấng Mesia : Tv 2 ; 18 ; 20 ; 21 ; 45 ; 72 ; 89 ; 110 ; 132 ; 144
Nếu các Thánh vịnh ca ngợi Nước Thiên Chúa nhằm đề cao Thiên Chúa là Vua vũ hoàn, thì loại Thánh vịnh này nhằm tán dương các vị vua Israel trong lịch sử cụ thể. Các dịp lễ tấn phong, đăng quang, các ngày kỷ niệm, ngày thành hôn của Đức vua, trước khi vua xuất trận, sau một chiến thắng, lúc gặp khủng hoảng hay khi thành công … tất cả biến cố trên đều có các nghi lễ hoặc tại đền vua, hoặc tại đền thờ. Những hoàn cảnh khác nhau đã tạo nên những bài thơ, bài hát khác nhau : tán dương Đức vua và triều đại của người, tạ ơn, khẩn nài, chúc mừng … chính những hoàn cảnh khác nhau trong thể văn ca ngợi Đức vua tạo nên nét phong phú trong cấu trúc tư tưởng, từ ngữ sử dụng, tiết điệu … phù hợp với các lễ nghi ở cung đình. Một trong những đặc điểm của các lời ca ngợi này là hướng tâm hồn mọi người đến vị chủ tế tối cao, đó là Thiên Chúa ; vì, theo chế độ thần quyền, nhà vua thuộc dòng tộc Đavit được gọi là “con Thiên Chúa”, là “thiên tử”, “Đấng được xức dầu” tưc Đấng Mesia. Và từ đó, các Thánh vịnh này làm nổi bật lời sấm của tiên tri Natan, loan báo về sự tồn tại mãi mãi của Vương quyền thuộc dòng tộc Đavit. Tâm tình này nuôi dưỡng niềm hy vọng của toàn dân hướng về Đấng được xức dầu một cách hoàn hảo, mà truyền thống Dân Chúa gọi là Đấng Mesia hay là Đấng Kitô. Do đặc điểm này, các Thánh vịnh ca ngợi Đức vua - đấng Mesia có tương quan chặt chẽ với các Thánh vịnh ca ngợi nước Thiên Chúa, ca ngợi Sion - Yerusalem ; đồng thời hướng tâm hồn toàn dân Chúa về lời hứa ban Đấng Mesia, về vương quốc vĩnh cửu của Thiên Chúa, về thành thánh lý tưởng quy tụ muôn dân nước thành Dân của Thiên Chúa.
2. Gia đình lời nguyện
Gia đình thứ hai là gia đình lời nguyện. Gia đình này cũng có màu sắc tương tự như gia đình ca ngợi. Vị Chúa công chính, đầy uy quyền, giàu lòng thương xót, cách riêng trong những lúc dân Chúa kêu cứu, tin tưởng và tạ ơn.
Gia đình này đông đảo nhất và có ba nhánh chính : kêu cứu, tin tưởng, tạ ơn. Ba nhánh này có nhiều nét rất giống nhau vì có cùng một nguồn gốc chung, một xuất xứ chung, đó là hoàn cảnh hiện sinh khốn cùng của con người. Trong cuộc sống, khi gặp khủng hoảng, thử thách, người ta kêu cứu ; trong cơn khủng hoảng, lúc phải chiến đấu vất vả, hy sinh, khổ nhục, tâm tình tin tưởng nổi bật lên như ngọn đèn soi lối, tạo sức mạnh và niềm hy vọng cho người gặp thử thách ; rồi một khi đã gặp qua khủng hoảng, người ta có tâm tình tạ ơn đối với vị Thiên Chúa giao ước, luôn đồng hành và hỗ trợ họ trong lúc gặp gian nguy. Vì có cùng một nguồn gốc chung, nên có khi chúng ta bắt gặp cả ba tâm tình : kêu cứu, tin tuởng, tạ ơn ngay trong một bài Thánh vịnh (x. Tv 22 ; 30 ; 31 ; 54 ; 56 ; 61).
Các Thánh vịnh thuộc gia đình này có khi phát xuất từ lời nguyện riêng lẻ của một cá nhân đạo đức nào đó, có khi là lời nguyện của cộng đoàn phụng vụ. Tuy nhiên trong quá trình tìm hiểu loại Thánh vịnh này, chúng ta không nên quá phân biệt lời nguyện cá thể hay cộng đoàn, tâm tình đạo đức của một cá nhân hay lời cầu của một cộng đoàn phụng vụ ; vì như chúng ta đã biết, trong não trạng của dân Giao ước, người tín hữu không bao giờ cô độc, dầu có cầu nguyện một mình ; ngược lại, qua lời cầu nguyện, người tín hữu luôn luôn liên đới với mọi thành phần Dân Chúa (x. Tv 25,6 ; 28,9 ; 61,7 ; 65,12 ; 69,36) và hoà nhập tâm tình của mình với bầu khí phụng tự của cộng đoàn dân Chúa (x. Tv 5,8 ; 28,2 ; 140 ; 13-14). Thêm vào đó, một bài thơ, dù phát xuất từ lời nguyện của một cá nhân, nhưng khi đã được tuyển chọn và xếp vào bộ Thánh vịnh, thì bài thơ đó đã trở nên của chung của cả cộng đoàn dân Chúa.
a. Thánh vịnh kêu cứu
Tv 5 ; 6 ; 6 ; 12 ; 13 ; 7 ; 22 ; 5 ; 26 ; 28 ; 31 ; 36 ; 38 ; 39 ; 42 ; 43 ; 44 ; 51 ; 54 ; 55 ; 56 ; 57 ; 58 ; 59 ; 60 ; 61 ; 63 ; 64 ; 69 ; 70 ; 71 ; 74 ; 79 ; 80 ; 83 ; 85 ; 86 ; 90 ; 94 ; 102 ; 108 ; 109 ; 120 ; 123 ; 130 ; 137 ; 140 ; 141 ; 142 ; 143 (Tv 77 ; 82 ; 106 ; 126)
Trong số 51 Thánh vịnh kêu cứu chúng ta đặc biệt lưu ý đến 7 Thánh vịnh mà truyền thống Kitô giáo gọi là “Thánh vịnh sám hối” (Tv 6 ; 32 ; 38 ; 51 ; 102 ; 130 ; 143)
Loại Thánh vịnh này thường có tiết điệu 4 thì :
- khẩn cầu nại đến danh Thiên Chúa
- phơi bày hiện trạng bi đát của mình
- khẩn nài lòng thương xót của Thiên Chúa
- tin tưởng Thiên Chúa chí công sẽ chấp nhận, lắng nghe lời van xin của mình
Thánh vịnh kêu cứu chiếm hơn 1/3 toàn bộ Thánh vịnh. Người kêu cứu giãi bày tâm sự bất ổn, không vui của mình. Các bài thơ mô tả những cảnh khốn cùng, quẫn bách của con người ; tình trạng tội lỗi, đau yếu, bị bách hại, bị hàm oan, bị lưu đày … Họ đang đối diện với biết bao nghịch cảnh. Ho sử dụng một chuỗi từ ngữ và tâm tình trong truyền thống văn chương khôn ngoan của Dân Chúa để mô tả những kẻ làm khổ họ: là những người lính chiến, những thợ săn luôn giăng bẫy mai phục họ, những kẻ lòng lang dạ sói, loại sư tử hung hãn, bò rừng, trâu, chó, rắn rết … kẻ địch thù của họ dùng mọi âm mưu, thủ đoạn để hãm hại họ, mà thủ đoạn gây đau khổ nhất cho họ là những lời nói ác ý : chứng gian, vu cáo, nói xấu, những lời nguyền rủa …
Trong cơn quẫn bách, vịnh gia nại tới đức công chính của Thiên Chúa ; có khi họ đòi trả oán theo luật “mắt thế mắt, răng thế răng” (luật talion). Tâm trạng khốn quẫn của họ khiến ta liên tưởng đến những lời than vãn nổi tiếng của Yêremia hoặc của Yob. Họ mong đợi Thiên Chúa can thiệp để giải thoát họ khỏi cảnh khốn cùng - và cảnh khốn cùng khiếp hãi nhất đối với họ chính là sự chết, vì cái chết sẽ đưa họ vào thế giới tối tăm, im lặng và quên lãng (Sheol). Vì thế một khi quan niệm rằng tội lỗi là nguyên nhân đem tới hình phạt của Thiên Chúa, họ tin tưởng rằng việc xưng thú tội lỗi sẽ làm giảm cơn giận của Thiên Chúa, đem lại cho họ ơn tha thứ và ơn giải thoát. Trong số 7 “Thánh vịnh sám hối” (Tv 6 ; 32 ; 38 ; 51 ; 102 ; 130 và 143) thì truyền thống và phụng vụ kitô giáo trân trọng đặc biệt hai Thánh vịnh 51 “Miserere, lạy Thiên Chúa, xin thương xót tôi” và Tv 130 “De Profundis, từ chốn thẳm sâu tôi kêu lên Người”. Hai Thánh vịnh sám hối này bộc lộ chiều kích nội tâm và thiêng liêng rất sâu xa của vịnh gia.
b. Thánh vịnh tin tưởng
Tv 3 ; 4 ; 11 ; 16 ; 23 ; 27 ; 62 ; 115 ; 121 ; 125 ; 129 ; 131 (Tv 91)
Trong lúc kêu cứu, tâm tình tin tưởng của Dân Chúa đã được biệu lộ rõ ràng. Tuy nhiên có một số Thánh vịnh đề cao đặc biệt tâm tình này, khiến chúng ta gặp được một nền đạo đức thiêng liêng thật siêu thoát. Có lẽ loại Thánh vịnh này phát xuất từ môi trường Lêvi. Qua các bài thơ, bài hát, chúng ta như được chia sẻ sự an bình, thanh thản và niềm vui nội tâm bất tận của những con người đã chọn Chúa làm gia nghiệp, tin tưởng, phó thác tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngoài chiều kích nội tâm sâu xa, chúng ta còn thấy được niềm tin kiên vững của vịnh gia giữa bao gian truân, uẩn khúc của cuộc đời. Niềm vui, sự an bình của những con người có đời sống nội tâm kết hợp với Thiên Chúa còn được phơi bày ra qua lòng yêu mến, gắn bó của họ với đền thờ, nơi Chúa ngự. Từ đó họ thường kết thúc bài Thánh vịnh tin tưởng bằng cách mời gọi mọi tìn hữu hãy tìm cách nương thân nơi Thiên Chúa bằng cách ẩn náu nơi nhà Chúa.
c. Thánh vịnh tạ ơn
Tv 9 ; 10 ; 30 ; 32 ; 34 ; 40 ; 41 ; 66 ; 67 ; 92 ; 116 ; 118 ; 124 ; 138 ; (Tv 65 ; 68 ; 107)
Sau khi lời kêu cứu được Thiên Chúa đáp trả, người tín hữu thường lên đền thờ – cùng với họ hàng và bạn hữu – để chu toàn điều mà họ đã khấn hứa cùng Thiên Chúa. Có lẽ điều này diễn ra trong một nghi lễ phụng vụ. Vịnh gia bắt đầu bằng lời ca ngợi Thiên Chúa, rồi nhắc lại các mối hiểm nguy họ đã trải qua, chia sẻ lại cho mọi người những lời nguyện cầu họ đã dâng lên Thiên Chúa trong cơn thử thách, để rồi công bố hồng ân mà họ đã lãnh nhận do lòng nhân từ của Thiên Chúa ; sau cùng họ mời mọi người hiện diện hiệp ý với họ trong tâm tình tạ ơn. Thánh vịnh 107 gợi ra 4 hạng người đặc biệt cần sự trợ giúp của Thiên Chúa và tâm tình của các Thánh vịnh tạ ơn cũng thường phát xuất từ những người này, đó là những khách lữ hành qua sa mạc an toàn, người bị tù đày được trả tự do, người đau yếu được chữa lành, người vượt biển đến bến bình an.
3. Gia đình giáo huấn
Thật ra, yếu tố giáo huấn gồm những lời giảng khôn ngoan nhằm mục đích huấn luyện Dân Chúa cũng đã tiềm ẩn trong hai gia đình ca ngợi và lời nguyện rồi. Thế nhưng, chúng ta còn gặp thấy một số bài Thánh vịnh nhằm mục đích giáo huấn dân Chúa một cách đặc biệt. Vịnh gia sử dụng nhiều phương pháp có tính chất sư phạm để giáo dục, như các bài học về lịch sử của dân giao ước, các lời khuyến dụ theo kiểu các tiên tri, những lời dẫn nhập mời gọi cộng đoàn chuẩn bị tâm hồn tham dự các nghi lễ phụng vụ, các suy niệm của các bậc hiền nhân về một vài kinh nghiệm trong đời sống đạo đức, đời sống luân lý…
Theo truyền thống khôn ngoan trong Israel, vịnh gia sử dụng lối văn cách ngôn, lối dạy học ở nhà trường, như loại Thánh vịnh mà mỗi câu bắt đầu bằng một chữ cái trong mẫu tự (Acrostiche alphabétique), mục đích là giúp cho người học dễ nhớ, dễ thuộc lòng.
Cấu trúc, cung giọng, từ ngữ sử dụng cũng như nội dung của các Thánh vịnh thuộc gia đình giáo huấn không được linh hoạt, sống động, phong phú như các Thánh vịnh thuộc hai gia đình trên, thậm chí khô khan, vì ít hình ảnh biểu trưng và thi hứng. Điều đó cũng dễ hiểu, vì các Thánh vịnh này không nhằm chia sẻ tâm tình của mình cho bằng giáo dục độc giả - tức các thế hệ con cháu - về các đề tài mà vịnh gia quan tâm.
Gia đình giáo huấn chia làm 4 nhánh chính :
a. Thánh vịnh về lịch sử thánh Tv 78 ; 105, 106
Trong loại Thánh vịnh này vịnh gia nêu lên những chủ đề căn bản trong lịch sử Dân Chúa, đó là : truyền thống về các tổ phụ, đất hứa và giao ước,biến cố xuất hành cùng các kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện cho dân trong cuộc hành trình sa mạc, vào hứa địa. Vịnh gia kể lại những chuyện quá khứ của dân tộc như chính mình là nhân chứng cụ thể. Điều đó bộc lộ ảnh hưởng của phụng tự Israel trong đời sống của Dân Chúa. Bài Thánh vịnh về lịch sử nhằm đề cao vinh quang của Thiên Chúa, đồng thời mời gọi các thế hệ sau này sống trung thành với giao ước, kiên trì, nhẫn nại, cậy trông vào lòng nhân nghĩa của Thiên Chúa. Ảnh hưởng của văn chương thứ luật sâu đậm đối với loại Thánh vịnh này.
b. Thánh vịnh phụng vụ Tv 15 ; 24 ; 134 - (Tv 91,95)
Các Thánh vịnh này nhằm chuẩn bị tâm hồn dân Chúa tham dự các nghi lễ phụng vụ ở đền thờ : thái độ, tư cách phải có khi vào đền thờ, đến trước nhan Thiên Chúa
c. Thánh vịnh tiên tri - Tv 14 ; 50 ; 52 ; 53 ; 75 ; - (Tv 95)
Chúng ta bắt gặp một số Thánh vịnh theo cách thức giáo huấn kiểu thứ luật với một số đặc điểm sau đây : trong bài thơ còn có các lời sấm, lời hứa và ngay cả những lời răn đe kiểu các tiên tri. Qua các Thánh vịnh này, chúng ta thấy tinh thần và ảnh hưởng tiên tri rất rõ ; bài thơ phơi bày tội lỗi, bất trung của con người, nhắc nhở toàn dân quay trở về với thiên Chúa, nhớ lại giao ước để sống công chính đạo đức.
d. Thánh vịnh về lề luật-Tv1; 49; 57; 73; 112; 119; 127; 133; (Tv 128; 139)
Các bậc hiền nhân, các bậc niên trưởng trong dân Chúa suy ngắm lề luật với niềm tin và lòng yêu mến. Lề luật là nguồn vô tận ban phát mọi hồng ân. Vịnh gia công bố niềm hạnh phúc dành cho người công chính và số phận diệt vong mà kẻ dữ phải chuốc lấy. Trong các Thánh vịnh này, xuất phát từ kinh nghiệm sống cụ thể, các bậc hiền nhân, sau khi nêu ra những thành đạt nhất thời của kẻ dữ và những đắng cay khổ nhục tạm thời của người công chính sẽ cho ta bắt gặp sự công minh của Thiên Chúa và thẳng thắn khuyên nhủ mọi người đi vào con đường đem tới nguồn hạnh phúc, đó là con đường “thú vui để nơi thánh chỉ Yavê, ngày đêm ngâm mãi thánh chỉ của Người”.
source simonhoadalat

Không có nhận xét nào