Header Ads

BÀI 5. THÁNH VỊNH : TẬP HỒI KÝ CỦA DÂN CHÚA.

BÀI 5.

THÁNH VỊNH : TẬP HỒI KÝ CỦA DÂN CHÚA.

1.    Thánh vịnh là tập hồi ký của Dân Chúa
Đối với dân Chúa thời Cựu ước,chắc chắn thánh vịnh không phải là cuốn sách duy nhất chiếm vai trò độc tôn trong sinh hoạt phụng vụ - vì còn Lề luật, Ngôn sứ và các sách khác - nhưng trong thực tế Thánh vịnh đã chiếm một chỗ đứng rất đặc biệt trong sinh hoạt phụng vụ và ngay cả trong đời sống thừơng nhân của Israel qua dòng lịch sử.
Thật vậy, đối với dân giao ước, một khi xác tín mình là “dân sở hữu”, “dân cưng” của Thiên Chúa (Xh 19,5) và Thiên Chúa là kho báu riêng tư của mình, họ đã không có gì mà không bộc lộ, phơi bày ra với Thiên Chúa. Họ chia sẻ mọi biến cố, mọi tâm tình của mình với Thiên Chúa ; đến độ ta có thể nói họ đã biến lịch sử đời mình trở thành kinh nguyện. Mà chính bởi vì lịch sử thì phức tạp và đời sống thì đa dạng, nên những nét đa dạng và phức tạp của các trạng huống trong lịch sử dân Chúa được phơi bày ra một cách trung thực trong kinh nguyện của họ, trong tập Thánh vịnh. Khi nhận ra tình Chúa yêu thương họ, khi niềm tin dâng cao, họ hát lên những bài ca ngợi ; khi được giải thoát khỏi gian nguy, bệnh tật, thử thách, họ dâng lên Người những tâm tình tạ ơn và quý mến ; trên đường tiến về Đền thánh, lòng hân hoan vui sứơng hứơng về nơi Thiên Chúa hằng sống ngự trị, tâm hồn họ rộn rã hát bài ca hành hương, ca ngợi Sion ; có những khi suy nghĩ về tình yêu, về Giao ứơc, họ trầm tư qua những Thánh vịnh suy niệm về luật Chúa, về giáo huấn của Người ; rồi trong những ngày hội lớn của toàn dân, tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ thiết lập vương quốc của Người ở trần gian, họ vang ca bài Thánh vịnh hy vọng ca tụng Đấng Mesia của Thiên Chúa ; ngay cả khi toàn dân gặp khủng hoảng, niềm tin bị lung lạc, họ cũng không ngần ngại bộc lộ với Thiên Chúa tâm tình chua chát đến tuyệt vọng của mình.
Vì thế, không phải là quá đáng, nếu chúng ta gọi Thánh vịnh là “tập hồi ký” của dân Chúa.
Nhưng gọi là “tập hồi ký” chúng ta có sợ làm cho Thánh vịnh trở nên một tuyển tập những bài thơ phản ánh tâm tình Dân Chúa trong quá khứ không ? - thưa không ! bởi các bài thơ bài ca trong Thánh vịnh luôn luôn được dân Chúa “đọc lại” (re-lecture) dưới ánh sáng các cao điểm trong lịch sử dân Chúa. Và mỗi dịp “đọc lại” này, trong các cộng đoàn phụng vụ hoặc trong gia đình, dân Chúa lại càng thấm thía nội tâm hoá lịch sử giao ước giữa Thiên Chúa với họ ; đồng thời họ càng ý thức hơn rằng họ phải sống trung thành với Thiên Chúa của họ. Về điểm này, chúng ta co thể mượn lời của André Chouraqui để kết luận : “Dân Chúa yêu mến Thánh vịnh, vì tập Thánh vịnh chính là tập hồi ký, ghi lại lịch sử của dân tộc họ. Họ đã sinh ra và lớn lên trong lịch sử đó”.
2.    Thánh vịnh với Đức Giêsu
Chỗ đứng của Thánh vịnh trong đời sống Israel như thế.
Nhưng đối với Hội Thánh là Israel mới, và cách riêng đối với Đức Giêsu thì sao ?
Trước tiên, nhìn vào Tân Ước, chúng ta bắt gặp có khoảng 300 câu Cựu ước được trích dẫn ; trong số đó có tới 1/3 xuất phát từ Thánh vịnh, thậm chí có người quả quyết khoảng một nửa câu trích dẫn Cựu ước đã được lấy từ Thánh vịnh. Như thế, Thánh vịnh là cuốn sách Cựu Ước đã được đã được Tân ước trích dẫn nhiều nhất. Điều hấp dẫn chúng ta ở đây là xem coi Đức Giêsu có thái độ thế nào đối với Thánh vịnh ?
Qua nghiên cứu tìm hiểu, chúng ta thấy Đức Yêsu có hai tương quan sau đây với Thánh vịnh :
- Đức Yêsu cầu nguyện bằng Thánh vịnh
- Đức Yêsu là tâm điểm của Thánh vịnh
* Đức Giêsu cầu nguyện bằng Thánh vịnh
Trong Tân Ước và cách riêng trong các sách Tin Mừng, không ai cầu nguyện nhiều và liên lỉ như Đức Yêsu. Người đối thoại thường xuyên với Chúa Cha và kết hợp mật thiết với Ngài qua lời nguyện, lời ca ngợi. Tâm tình cầu nguyện của Đức Yesu phản ánh thái độ tin tưởng, vâng phục. Người còn bộc lộ cho thấy một nhu cầu kết hợp với Chúa Cha, đến độ ta có thể nói là Đấng luôn luon hướng về Thiên Chúa : “Ad Patrem” (hướng về Cha) như các nhà thần học nhận định ; hoặc “pros ton Thêon” (ở nơi Thiên Chúa, apud Deum, touné vers Dieu - TOB), như thánh Yoan khẳng định trong lời tựa sách Tin mừng (Yn 1,1)
Thánh Luca ghi lại Đức Yesu cầu nguyện trong mỗi giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của Ngài : lúc chịu phép rửa, chọn 12 tông đồ, lên núi, đặt Phêrô làm đầu, biến hình … trong vườn Ghetsemani, hấp hối trên thập giá…
Nhìn sâu vào lời cầu nguyện của Đức Yesu, chúng ta sẽ khám phá ra Người đã dùng Thánh vịnh để cầu nguyện. Thật vậy, Người đã sử dụng lối cầu nguyện, ca ngợi theo truyền thống của dân Người và Người soi sáng lời nguyện của dân Người bằng chính con người của Người. Người không đến “để bãi bỏ lề luật hay các tiên tri, mà là để làm cho trọn” (Mt 5,17). Từ đó ta có thể nói : Người không đến để bãi bỏ lời ca ngợi, lời nguyện đã có từ ngàn xưa trong lịch sử dân tộc, nhưng để đem lại ý nghĩa trọn vẹn cho những lời ca ngợi đó. Đúng như thánh Augustinô nhận định : “Iste Cantator Psalmorum” (Người là vị ca sĩ kỳ tài diễn đạt Thánh vịnh một cách tuyệt hảo).
Năm lên 12 tuổi, tuổi trưởng thành về mặt tôn giáo, Đức Yesu đã theo cha mẹ và đoàn khách hành hương tiến về Yerusalem (Lc 2,41-42). Chắc hẳn Người đã hát các Thánh vịnh 122, Tv. 84 … Trong thời gian hoạt động công khai, Người luôn luôn trung thành với các ngày lễ (Vượt qua, Ngũ tuần, Lều, Cung hiến đền thờ). Cùng đồng hành và tham dự các nghi lễ phụng vụ, làm sao Người có thể lặng thinh giữa một cộng đoàn luôn ca ngợi, cầu nguyện bằng Thánh vịnh ? Người còn thường xuyên đến các hội đừơng vào các ngày hưu lễ. Đây cũng là dịp Người hát Thánh vịnh với đồng bào của Người.
Rồi, khi tự xưng mình là Đấng “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,29), Người đã minh nhiên tự giới thiệu mình là thành viên thuộc hạng người Anawim trong Kinh thánh : hiền lành, nghèo khó … sống theo truyền thống các Anawim trong lịch sử dân Chúa. Chính trong quỹ đạo của người “hiền lành”, “nghèo khó”, chúng ta mới hiểu được tâm ttình của Đức Yêsu khi Người nói với Yuda trong bữa tiệc ly (Yn 13,18 ; cf Tv 41), khi Người bộc lộ lời tín thác ở trên thập giá (Lc23,46 ; cf Tv 31,6) hoặc Người phải bật ra tiếng kêu của người nghèo, ngừơi công chính bị bách hại (Yn 19,28 ; cf Tv 22,16 ; Mt 27,46 // Mc 15,34 ; cf Tv 22,2). Những tiếng kêu này, đối với não trạng Kinh thánh, không phải là tiếng kêu tuyệt vọng, phản kháng, nhưng là tiếng kêu của người Anawim luôn phó thác, tín nhiệm Thiên Chúa của mình ; đồng thời nại đến giao ước để biểu lộ tâm tình mình thật sự gắn bó với Thiên Chúa của giao ước, ngay cả trong những lúc khốn quẫn, đầy nguy nan, thử thách.
Thật đúng như lời thánh Augustinô : “Người là Vị ca sĩ kỳ tài diễn đạt Thánh vịnh một cách tuyệt hảo”.
* Thánh vịnh nói về Đức Yêsu
Ở đây, chúng ta dựa vào câu tuyên bố của chính Đức Yêsu : “các ngươi truy tầm kinh thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ngươi có sự sống đời đời ; ấy mà chính kinh thánh lại làm chứng cho Ta” (Yn 5,39). Rồi sau khi sống lại, Đức Yêsu Kitô cũng đã nói : “phải nên trọn mọi điều đã viết về Ta trong luật Môsê và các tiên tri cùng Thánh vịnh “ (Lc 24,44)
Đối với chúng ta, đức tin dạy cho biết Đức Yêsu - Kitô là tâm điểm kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, tâm điểm của lịch sử cứu độ. Trong cuộc tranh luận về Đấng Mesia xảy ra tại Yerusalem, trung tâm tôn giáo, nơi toàn dân mong đợi Đấng Mesia. Đức Yêsu đã sử dụng Tv 110 để biện minh (x. Mt 22,41-46). Rõ ràng Người nói về Người ! Rõ ràng Người sử dụng Tv 110, Thánh vịnh ca ngợi Đấng Mesia, để tự giới thiệu mình với toàn dân.
Kết hợp trình thuật ghi lại ở Mt 22,41-46 với câu chuyện tiệc cưới Cana trong Yn 2,1-11 ; chúng ta thấy rõ hơn Đức Yêsu mạc khải cho ta biết Người chính là Đấng Mesia, nhưng là Đấng Mesia thực hiện sứ mạng của mình trong “giờ của Người”. Từ đó, thánh Yoan cũng như các tác giả Tin mừng khác đều mô tả khuôn mặt của Đức Yêsu - Mesia chính là khuôn mặt của “người tôi tớ Yavê”, người công chính bị bách hại, đau khổ, dùng cái chết của mình để thực hiện ơn cứu độ. Cuộc đời của Đức Yesu qủa đã thực hiện điều mà Tiên tri Ys 52,13 – 53,12 đã loan báo. Điểm này hàm chứa trong trình thuật của Yoan và Matthêô về cuộc khổ nạn và tử nạn của Đức Yêsu. Họ đã ghi lại các lời lăng nhục, chia áo của Người … dưới ánh sáng của Tv 22, đặc biệt ở các câu 8, 19 và sau này trong lời rao giảng tiên khởi (kerygma) thánh Phêrô đã không ngần ngại sử dụng Tv 16,10 :
“Người sẽ không thí bỏ mạng tôi cho âm phủ
Người sẽ không để kẻ thành tín phải thấy mồ chôn”
để nói về sự sống lại của Đức Yêsu (x. Cv 2,31). Như vậy ta có thể nói, tất cả các Thánh vịnh đều quy chiếu, nói về Đức Yêsu. Chính hội thánh sơ khai (x. Sách Công vụ) minh xác điều đó, vì Người được tin và được hiểu là Vị Ebed Yavê, Người tôi tớ của Yave, người Anaw trọn hảo.
3.    Nhờ Thánh vịnh, Hội Thánh nói với Đức Yêsu
Tập Thánh vịnh không phải chỉ nói về Đức Yêsu, nhưng còn nói với Chúa Yêsu. Điều này sẽ khiến chúng ta vô cùng ngạc nhiên, vì một khi hiểu Đức Yêsu và Thánh vịnh, chúng ta sẽ không ngần ngại thay thế Danh Yavê trong Thánh vịnh bằng chính Danh Yêsu.
Plinius Junior trong một bức thư viết cho hoàng đế Roma, để báo cáo về sinh hoạt của giáo đoàn kitô hữu tiên khởi, có đoạn viết : “carmen Christo tamquam Deo” (bài thơ ca ngợi Đức Kitô như thể Ngài là Thiên Chúa)
Đây là một chứng từ quý báu nói về đức tin và sinh hoạt của hội thánh sơ khai : họ hoàn toàn đồng hoá Đức Yêsu Kitô với Thiên Chúa. Họ ca ngợi Đức Kitô, cầu nguyện với Đức Kitô bằng những bài Thánh vịnh ca ngợi Yavê, cầu nguyện với Yavê Thiên Chúa.
Thư Hippri 1,10 nói về địa vị Chúa Kitô vượt trên các thiên thần. Tác giả đã trích dẫn Thánh vịnh 102 nói về chỗ đứng trỗi vượt của Yavê. Khải huyền 2,23 đề cập đến Đức kitô la Đấng thấu suốt tâm can của con người. Đây chính là đặc điểm của Yavê theo tinh thần Thánh vịnh 7,10 :
“Người là Đấng dò thấu lòng dạ can trường
Lạy Thiên Chúa chí công”
Khi diễn tả Đức Yesu lên trời, vinh thăng, toàn thắng, thánh Phaolô trong Ep 4,8-10 đã sử dụng tư tưởng của Tv 68,19.
Lời mời gọi của vịnh gia Tv 34,9 :
“Hãy nếm và xem Yavê tốt lành dừơng bao !
Phúc cho ai ẩn náu bên Người”
đã được thánh Phêrô trong 1 P 2,3 lặp lại : “quả anh em đã được nếm biết Chúa (Kitô) tốt lành nhường bao !”
Ngoài ra, trong các bài phụng vụ của lễ Hiển linh, lễ Chúa Lên Trời, Lễ Chúa Biến hình, lễ Mình Máu Thánh Chúa, Lễ Chúa Yêsu Kitô Vua … Hội Thánh đã mời gọi con cái mình hát lại những bản Thánh vịnh nói về Yavê Thiên Chúa, để ca ngợi, cầu nguyện với chính Đức Yêsu Kitô.
**********
BÀI 6
THÁNH VỊNH, TIẾNG NÓI CỦA CON NGƯỜI BẤT TOÀN
Thấy được chỗ đứng của Thánh vịnh trong dòng lịch sử cũng như đời sống của dân Israel, đồng thời khám phá ra con người và thái độ của Đức Yêsu Kitô đối với Thánh vịnh, chắc hẳn chúng ta không những yêu quý Thánh vịnh mà còn muốn thật sự biến Thánh vịnh trở nên như “tập hồi ký” của bản thân,của hội thánh mình.
Thế nhưng, trong việc sử dụng Thánh vịnh, hình như chúng ta đôi khi vẫn cảm thấy Thánh vịnh là tập sách xa lạ, khô khan, khó hiểu, thậm chí còn chứa đựng những tư tửơng thần học xem ra như nghịch với sứ điệp tin mừng. Dầu có thiện chí muốn tìm hiểu và có khát vọng muốn biến Thánh vịnh thành lời ca ngợi, lời kêu cứu, lời giáo huấn của chính mình, nhưng hình như còn có một cái gì ngăn cách giữa ta với tư tưởng, ngôn từ, tâm tình Thánh vịnh .
Vậy làm thế nào để “những ai tham dự vào kinh thần vụ, phải hoà hợp tâm hồn mình với lời kinh mình đọc” như lời dạy của công đồng Vatican II trong hiến chế về phụng vụ thánh (PV 90) ?
Để góp phần vào công vịêc này,chúng ta hãy có cái nhìn của dân Chúa, dựa trên cơ sở giao ước. Từ đó, khi đọc, hát Thánh vịnh, ta “đọc lại” “tập hồi ký” của Dân Chúa, nhờ đó ta sẽ khám phá ra Thánh vịnh là tiếng nói của con người bất toàn, đồng thời là tiếng nói của con người liên kết với dân Chúa thụôc mọi thời đại.
1. Thánh vịnh, tiếng nói của con người bất toàn.
Những thế hệ đã ca ngợi, đã cầu nguyện bằng Thánh vịnh, dĩ nhiên là những con ngừơi chưa hoàn hảo. Đó là những con người đang còn khắc khoải tìm kiếm, đang vươn lên … Không những thế, họ còn là những con người đầy dẫy mâu thuẫn trong tâm hồn, luôn tìm kiếm bản thân mình, luôn phải dằng co với cuộc sống, luôn phải đấu tranh cam go để sống còn, để giữ vững niềm tin, để tìm ra lẽ sống.
Thế giới của Thánh vịnh là một thế giới chưa gặp được bình an một cách trọn vẹn, chưa hoàn toàn được giao hoà.
Thế giới của Thánh vịnh như muốn chứng minh rằng công lý đích thực chưa hoàn toàn ngự trị trên mặt đất này, giữa những con người mà ta vẫn tin tưởng, vẫn gọi là anh em.
Thế giới của Thánh vịnh là thế giới trong đó dung mạo Thiên Chúa như ẩn như hiện, và hình như Thiên Chúa thường giấu mặt và im lặng hơi nhiều.
Thế giới của Thánh vịnh phơi bày một thực tại phũ phàng : xã hội còn đầy dẫy những con người tìm cách lợi dụng kẻ khác, những con người châm biếm, phản bội nhau, những con người còn đùa giỡn trên đau khổ, trên niềm hy vọng hay niềm tin của kẻ khác …
Vì thế, Thánh vịnh là tiếng nói của những tâm hồn tôn giáo chưa gạt bỏ hết được mọi mâu thuẫn, bạo lực chứ chưa nói đến tìonh trạng chan hoà tâm tình ca ngợi tinh trong.
Vậy mà, đã có biết bao người, trong số đó có chúng ta là những đồ đệ của sứ điệp tin mừng tân ước, đôi khi cũng đã phải thốt lên :
- Làm sao tôi có thể ca ngợi, cầu nguyện cách trung thực, khi lòng tôi, môi tôi còn phải khẩn khoản cầu xin với một danh Thiên Chúa xa lạ : “Thiên Chúa các đạo binh”, “Thiên Chúa một trang dũng sĩ” ?
- Làm sao tôi có thể khẩn xin Thiên Chúa của Đức Yêsu là Thiên Chúa của tình yêu, phải “trả thù”, “báo óan” cho tôi ?
- Làm sao, trong một xã hội khoa học tân tiến, tôi lại còn phải gọi Thiên Chúa là “Chúa chiên tôi” ?
* Qua Thánh vịnh, con người khám phá ra chính mình
Có thể nào, qua kinh nghiệm bản thân, chúng ta gặp được Thiên Chúa, nếu chúng ta chưa bao giờ tìm kiếm Người ? Có thể nào chúng ta bắt gặp được sự bình an, nếu chúng ta không phải dày gian nan tranh đấu ? có thể nào chúng ta đạt tới hạnh phúc vì được yêu thương, nếu chúng ta không bao giờ phải đau khổ ? có thể nào chúng ta hiểu được sự gần gũi, thân mật, nếu chúng ta chưa bao giờ kinh nghiệm những đau xót vì phải chia ly ? Trên môi miệng, không ai trong chúng ta chấp nhận bạo lực, chấp nhận cảnh con người bóc lột, đàn áp… nhưng thực tại của thời đại hôm nay như thế nào ? xã hội hôm nay đã hoàn toàn hết bạo lực, chèn ép, bóc lột nhau chưa ?
Vì thế, lời nguyện trung thực mà con người dâng lên Thiên Chúa là lời nào, nếu không phải là tiếng nói tâm tình hồn nhiên, chân thật nhất, phản ánh trung thực nhất hiện trạng của xã hội hôm nay ? Đối với Chúa, chúng ta có cần gọt dũa lời nguyện thành một bài diễn văn chải chuốt, hay là chỉ cần nói với Chúa bằng ngôn ngữ cụ thể, chứa đựng những phản ứng của con người bất toàn, với giận dữ, khắc khoải, đau khổ hoặc sung sướng ? trong tâm hồn chúng ta đã chắc không còn một phần đất nhỏ nào dành cho những tâm tình xấu xa là giận giữ, thù hận, oán ghét không ?
Vì vậy, tâm tình của vịnh gia đâu có quá xa lạ với tâm tình trung thực của chúng ta và của xã hội hôm nay ?
* Qua Thánh vịnh, con người dần dần hiểu được tương quan Giao Ước với Thiên Chúa
Đọc Thánh vịnh, chúng ta biết Thiên Chúa đã nhiều lần ký kết giao ứơc với loài người, đặc biệt là giao ứơc cũ và giao ứơc mới với dân Người.
Chúng ta hãy tự hỏi : để hiểu và sống giao ứơc với Thiên Chúa, Môsê và đoàn dân Do Thái trong cuộc hành trình sa mạc đã có những thái độ nào ? Davit, người tôi trung, người con ngoan của Thiên Chúa, đã hành động ra sao ? các ngôn sứ, chẳng hạn như Yêremia, khi tìm cách đáp lại tiếng Yavê, đã cảm thấy tâm hồn tan nát đến chừng nào ? Từ lời nói ngoan ngoãn : “vâng, con xin theo Ngài” đến tiếng than đầy bất mãn “tại sao ngài lại quyến rũ tôi?” Yeremia đã hiểu Chúa nhiều hơn trong giai đoạn nào ?
Rồi ngay các tông đồ, là những người đã chia sẻ cuộc sống và sứ vụ với Đức Yesu, các ngài đã sống thế nào ? Từ tâm tình nhiệt thành của Phêrô : “lạy Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết theo ai, vì Thấy mới có lời ban sự sống” đến lời phản bội “không, tôi không biết người ấy bao giờ” - thử hỏi lúc nào Pherô đã thực sự hiểu Thầy mình ?
Bởi thế, từ tâm tình hiền dịu theo Chúa đến thái độ phản kháng khi thấy Người im lặng và có vẻ bất lực, con người chúng ta hình như được dẫn dắt từng bứơc đi vào giao ứơc với Thiên Chúa, để khám phá ra những yêu sách của giao ứơc, những bất trung thừơng xuyên của mình đối diện với lòng nhân nghĩa bao la của Người.
* Qua Thánh vịnh, con người còn được đi sâu vào tâm tình của một dân được tuyển chọn
Thánh vịnh giúp chúng ta đi sâu vào tâm tình của một dân được Thiên Chúa tuyển chọn riêng. Dân đó đã thành hình trong tư thế là một “dân cưng”, sở hữu riêng của Thiên Chúa (Xh 19,5), từ ngày được Thiên Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, được Người giáo dục, dẫn dắt từng bứơc như một người mẹ tập cho đứa con thơ chập chững bứơc đi… cho đến ngày vào Đất Hứa, sống niềm tin của mình qua những bứơc thăng trầm vinh nhục, vấp ngã rồi chỗi dậy … (Cf. “Lời trối trong lò lửa” – Tes-tament dans la fournaise).
Qua bao biến cố, Dân ấy dầu lắm bao phen bất trung, vẫn không bao giờ quên được Yavê Thiên Chúa của họ. Họ biết tâm sự với Chúa lúc tràn trề niềm vui hay khi được hạnh phúc. Họ cũng biết giãi bày tâm sự với Chúa lúc tức giận, căm hờn hay trong cơn tuyệt vọng. Họ còn biết xích lại gần Đấng mà họ yêu mến, dầu hình như Người cứ lánh xa, ruồng rẫy họ ! còn gì sâu sắc và trung thực hơn tiếng nói của con người đau khổ sau đây:
“Tôi nhẩm lại những ngày xưa kia
Tôi hoài tưởng lại những năm quá vãng
Lòng với lòng tôi ôn lại thâu đêm
Tôi ngẫm nghĩ, trí óc tôi cố tìm ra manh mối
Phải chăng Chúa bỏ cho đến muôn muôn đời
Và không còn thương đoái nữa” (Tv 77,6-8).
* Qua Thánh vịnh, con người bắt gặp tiếng kêu của người nghèo : “Anawim”
Thánh vịnh còn đưa chúng ta đến gặp gỡ những ngừơi anh chị em nghèo của ta. Tâm tình và lời nói của họ, dẫu là tâm tình và lời nói của cá nhân, cũng đều được nuôi dưỡng múc nguồn từ lịch sử của toàn dân họ. Bởi thế, chỉ có thể sử dụng Thánh vịnh để ca ngợi, cầu nguyện, nếu chúng ta cũng thuộc hạng người nghèo, hạng ngừơi không giữ riêng gì cho bản thân, nhưng có tâm hồn rộng mở ra với Thiên Chúa và mọi người. Chỉ những ai chọn con đừơng đó mới có thể cầu nguyện bằng Thánh vịnh, vì Thánh vịnh chính là lời ca của hạng người nghèo “Anawim”.
Do đó, nếu chúng ta sống ích kỷ, sống sa hoa, sống đóng kín, ta không thể chia sẻ được tâm tình hàm chứa trong các Thánh vịnh. Và khi ấy, nếu chúng ta sử dụng Thánh vịnh, thì Thánh vịnh cũng chỉ dừng lại trên môi miệng, chứ không thâm nhập vào tâm hồn ta được.
2. Thánh vịnh, tiếng nói của con người liên kết với dân Chúa thụôc mọi thời đại.
Môi sinh phát xuất ra Thánh vịnh là dân Chúa, một Dân tin và nhận biết Chúa là lẽ sống của mình.
Khung cảnh tiêu biểu của Dân Chúa là Yerusalem : Yerusalem của Cựu Ứơc cũng như của Tân ước.
Chúng ta cùng đưa mắt, lắng tai, hướng lòng về Yerusalem, chúng ta sẽ thấy được chân lý này : Thánh vịnh quả là tiếng nói của một con người liên kết với dân Chúa thụôc mọi thời đại.
Tại Yerusalem, trên ngoạn đồi Sion hôm nay, chúng ta đang thấy gì ? - bên cạnh những con người đang gục mặt vào vách từơng ngày đêm đọc, hát Thánh vịnh bằng ngôn ngữ Hipri, chúng ta còn nghe tiếng hát Thánh vịnh xen lẫn tiếng chuông của biết bao kitô hữu thuộc các hệ phái khác nhau (khoảng 31 hệ phái có mặt tại Yerusalem), thuộc các nghi lễ khác nhau (La tinh, chính thống, thệ phản, Copte..). tất cả những con người ấy đều xứơng lên những bài thơ, bài hát đã được dịch ra trên 2000 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.
Họ là ai ?
- Là những thầy Rabbi, là những giám mục, linh mục, những mục sư, những tu sĩ, những khách hành hương, những tín hữu từ mọi phương trời quy tụ về Yerusalem. Họ khác nhau về hệ phái, về tôn giáo, khác nhau về màu da, chủng tộc, ngôn ngữ, tuổi tác, địa vị, lập trường chính trị… nhưng họ đều gặp nhau tại một điểm cốt yếu : tất cả đều ca ngợi Thiên Chúa, cầu nguyện cùng Thiên Chúa bằng một bản văn duy nhất. Bản văn đó có địa vị và sức mạnh nào để có thể trở nên yếu tố hợp nhất, trở nên chất keo liên kết mọi thành phần Dân Chúa thụôc mọi thời đại ?
Vì, trong bản văn đó, con người của mọi thời đại cùng đối diện với những khó khăn, thử thách như nhau ;
Vì, cũng trong bản văn đó, con người của mọi thời đại cùng múc được một nguồn hy vọng cứu độ như nhau ;
Và hôm nay, khi dùng bản văn đó để ca ngợi, cầu nguyện cùng Thiên Chúa, mọi tín hữu đều làm công việc đó nhân danh toàn thể nhân loại.
Vì thế, chúng ta có thể nói một cách thâm tín rằng :
THÁNH VỊNH quả thực là LỜI NGUYỆN CỦA DÂN CHÚA LUÔN ĐỒNG HÀNH VỚI LỊCH SỬ CON NGƯỜI.

        ĐGM. Giuse Võ Đức Minh
source simonhoadalat

Không có nhận xét nào