Header Ads

BÀI 4. THÁNH CA TIN MỪNG

BÀI 4.

THÁNH CA TIN MỪNG

1. Magnificat : Hồn tôi tôn dương Chúa (Lc 1,46-55)
2. Benedictus: Chúc tụng Chúa (Lc 1,68-79
3. Nunc dinittis : Giờ đây, lạy Chúa (Lc 2,29-32)
Trước khi phân tích ba bản thánh ca này, chúng ta hãy đặt vào trong mạch văn Lc 1, 5-2,52 để thấy được chủ ý của tác giả trong công trình biên soạn này.
Theo nhiều nhà nghiên cứu về thánh Luca, thì chúng ta biết thánh sử đã ghi lại tác phẩm của mình trên quan điểm lịch sử cứu độ, khởi từ lời hứa về ơn cứu độ, thời gian dân Chúa chuẩn bị đón nhận ơn cứu độ, cho đến lúc Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ.

Do đó, việc đặt các bản thánh ca này : Lc 1,46-55 ; 1,68-79 và 2,29-32 vào mạch văn của chúng sẽ soi sáng cho chúng ta rất nhiều trong việc tìm hiểu ý nghĩa của ba bài thánh ca mà chúng ta xướng lên mỗi ngày trong kinh thần vụ.
Cấu trúc của Lc 1,5 – 2,52
Luca trình bày cho chúng ta hai điệp vận (diptyques) về truyền tin và giáng sinh, trước khi hé mở mầu nhiệm Đức Yêsu.
a. Điệp vận về truyện tin (Lc 1,5-56)
– Truyền tin cho Zacaria (Lc1,6-25)
+ sứ thần : Gabriel
+ Người nhận : Zacaria
+ nơi chốn : đền thờ Yerusalem
+ kết thúc : “ông đi về nhà”.
– Truyền tin cho Đức Maria (Lc 1,26-38)
+ sứ thần : Gabriel
+ Người nhận : mẹ của Đức Giêsu
+ nơi chốn : nhà của Đức Maria ở Nazareth
+ kết thúc : “sứ thần từ giã và ra đi”.
Mối liên hệ giữa hai câu chuyện truyền tin :
Cuộc thăm viếng của hai người mẹ (Lc 1,39-56)
–     Thánh ca “hồn tôi tôn dương Chúa” (Lc 1,46-55)
Kết thúc : “Đức Maria trở về nhà”.
b. Điệp vận về giáng sinh (Lc 1,57 - 2,40)
– Yoan (Lc 1,57-80)
+ sinh ra
+ cắt bì, đặt tên
+ tiếng đồn khắp nơi
+ trong gia đình
+ Thánh ca “chúc tụng Chúa” (Lc 1,68-79)
+ “Còn hài nhi thì lớn dần, nên dũng mãnh về thần khí và lưu lại nơi hoang tịch cho đến ngày thụ mệnh đến với Israel”      .
– Đức Yêsu (Lc 2, 1-52)
+ sinh ra
+ tiếng đồn khắp nơi
+ cắt bì đặt tên
+ dâng cho Thiên Chúa ở đền thờ Yerusalem
+ Thánh ca “giờ đây, lạy Chúa” (Lc 2,29-32)
+ “Còn hài nhi thì lớn dần, nên dũng mãnh , tràn đầy khôn ngoan. Và ân sủng của Thiên Chúa đậu trên Ngài”.
c. Mạc khải mầu nhiệm Đức Giêsu (Lc 2,41-52)
Đức Giêsu từ Nazareth lên đền thờ Yerusalem để mạc khải: Thiên Chúa là Cha của mình.
Như thế, trên quan điểm lịch sử cứu độ, nhận ra vị trí của ba bài thánh ca trong cấu trúc của mạch văn Lc 1,51-2,52 chúng ta đã có một cái nhìn sơ khởi :
- Bài “hồn tôi tôn dương Chúa” được đặt trong điệp vận truyền tin, trong bối cảnh cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ diễm phúc. Đây chính là tâm tình tạ ơn của những con người phận nhỏ tiêu biểu cho dân Chúa trong dòng lịch sử cứu dộ (Cựu ước và Tân ứơc) ;
- Bài “chúc tụng Chúa” trong điệp vận giáng sinh, gắn liền với sự xưất hiện của Yoan, vị tiền hô của Đấng Cứu Thế, chuẩn bị tâm hồn đón nhận hồng ân cứu chuộc ;
- Bài “giờ đây, lạy Chúa” gắn liền với chính Đức Yêsu Kitô, mạc khải sứ mạng cứu thế của Người.
Chúng ta sẽ tuần tự tìm hiểu từng bài thánh ca.

1. MAGNIFICAT, HỒN TÔI TÔN DƯƠNG CHÚA (Lc 1,46-55)
46. Và, Maria nói :
“hồn tôi tôn dương Chúa
47. và thần khí tôi nhảy mừng Thiên Chúa,
Cứu Chúa của tôi.
48. Vì Người đã đoái nhìn thân phận mọn hèn
Tớ nữ của Người.
Này từ đây mọi đời sẽ khen tôi có phúc
49. Vì Đấng quyền năng đã làm cho tôi những điều cao cả
Danh Người là thánh
50. Và lòng nhân nghĩa của Người suốt đời nọ đến đời kia
Trên những kẻ kính sợ Người
51. Người đã ra oai sức mạnh cánh tay Người
Làm cho tan tác lũ kiêu căng lòng trí
52. Hạ kẻ quyền năng khỏi ngôi báu
Và suy tôn những người khiêm nhượng
53. Đói khó Người cho no phỉ sự lành
Giàu sang Người xua đuổi về không
54. Người đã nâng đỡ Israel tôi tớ Người
Bởi nhớ lại tình nhân nghĩa
55. Như Người đã phán cùng tổ tiên chúng ta
Hứa với Abrham và dòng dõi cho đến muôn đời”.
Bài Magnificat theo lối cấu trúc của một bài Thánh vịnh tạ ơn, sử dụng từ ngữ, nguồn cảm hứng từ Cựu ước, từ đầu đến cuối. Bài thánh ca tạ ơn này diễn tả tâm tình của Đức Maria (1,46-49) và của toàn dân Chúa trong dòng lịch sử (1,50-55). Vì thế chúng ta có thể chia bài thơ này làm hai phần :
Lc 1,46-49 tâm tình tạ ơn của Đức Maria
1,50-55 lòng nhân nghĩa của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ
- Tâm tình tạ ơn của Đức Maria :
Trước lời chúc phúc của bà Elizabeth : “trong nữ giới, có người là diễm phúc ! và đáng chúc tụng thay hoa quả lòng Người ! … phúc cho người là kẻ đã tin rằng viên thành sẽ đến cho mọi điều Chúa truyền phán dạy cho người !”
Đức Maria đã hiểu, và như để đáp trả lời chúc phúc của con người đầy Thánh Thần đó, Đức Maria chia sẻ niềm hạnh phúc lớn lao của mình :
“Hồn tôi tôn dương Chúa
Và thần khí tôi nhảy mừng Thiên Chúa
Cứu Chúa của tôi”
Đức Maria đã bộc lộ tâm tình “tôn dương” và “nhảy mừng”. Không phải là tiếng nói của tâm tình mà thôi, nhưng là tiếng nói của “hồn”, của “thần khí” Đức Maria ; tức la tiếng nói của con ngừơi Maria đang sống (= hồn) và đang ngoan ngoãn để Thánh Thần Thiên Chúa (Thần Khí) tác động và hướng dẫn mình.
Đối tượng của “tôn dương” và “nhảy mừng” chính là Chúa. Đức Maria muốn xác định rõ hơn khi biểu lộ niềm tin của mình vào Vị Chúa đó, chính là Thiên Chúa, Cứu Chúa của mình (ho Kyrios - ho theos ho sôter mou).
Tâm tình hoan lạc tri ân phát xuất từ thâm tâm Đức Maria dựa trên những hành động cụ thể của Thiên Chúa. Hai trạng từ “vì” (hoti) ở câu 48 và 49 nói lên lý do tạ ơn :
“Vì Người đã đoái nhìn thân phận mọn hèn tớ nữ của Người,
- này từ đây mọi đời sẽ khen tôi có phúc ;
vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều cao cả,
- Danh Người là Thánh”
Theo cha Albert Gelin Pss , câu này là tâm điểm của bài thơ !
Đó là bài ca của người nghèo, của người hèn mọn. Từ ngữ nòng cốt ở đây là “thân phận mọn hèn” (tapeinosis). Theo một số học giả, từ ngữ này nói lên địa vị khiêm tốn, tầm thường, bị lãng quên của Đức Maria. Vì thế, tapeinosis như muốn diễn tả thân phận cùng khốn của Đức Maria xét như một con người trong xã hội, trong thế giới, trong lịch sử.
Nhưng nét đặc sắc của từ ngữ này, là Thánh kinh lại thường sử dụng để nói tới thân phận hèn mọn, khiêm nhu, nhục nhã của chính dân Chúa, cf 1 S 1,11 ; Nê 9,9 ; Tv 25,18; 31,8 ; 119,153 ; Tv 149,4
Dân Chúa, từ trong thân phận khốn cùng, bị đoạ đày, khổ nhục … đã kêu lên cùng Chúa. Lời kêu cũng như lời ca ngợi của những người Anawim này chính là lời kêu, lời ca ngợi chân thành nhất ; bởi lẽ, theo cách hiểu của Thánh kinh, người nghèo của Yavê Thiên Chúa là người sống đặt tin tưởng hoàn toàn và tuyệt đối vào Yavê.
Khi xưng mình là “thân phận mọn hèn”, Đức Maria chắc chắn đã tự nhận mình thụôc hạng Anawim, nói lên tâm tình và tiếng nói của họ, để bộc lộ niềm tin và sự trung thành, phó thác nơi Yavê Thiên Chúa. Trong cương vị đó, Đức Maria quả là người “tớ nữ” của Thiên Chúa. Người tôi tớ là người tin vàyêu mến Thiên Chúa.
Động từ “đoái nhìn” luôn gắn liềnvới tình thương, ân sủng. Đó là cái nhìn có tính chất tạo dựng của Thiên Chúa (Kn 1) ; đó cũng là cái nhìn có tính chất cứu độ (Xh 3,7). Vì lẽ đó mà từ nay về sau, mọi đời, mọi thế hệ sẽ công bố chân lý này là Dân Chúa – tức hạng người Anawim mà Đức Maria là nhân vật tiêu biểu – chính là hạng người có phúc, vì họ là đối tượng của cái nhìn tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa.
Lý do thứ hai của tâm tình tạ ơn là việc Thiên Chúa đã thực hiện cho Đức Maria “những điều cao cả” (mirabilia). Từ tình trạng một người trinh nữ, son sẻ, Đức Maria đã trở thành mẹ một cách nhiệm mầu mà vẫn là người nữ đồng trinh. Thánh kinh Cựu ứơc đã sử dụng từ ngữ “những điều cao cả” để nói về việc Thiên Chúa tạo dựng (Yb 5,9), biến cố xuất hành (Xh 3,20 ; 34,10 ; Ys 3,5) và việc Thiên Chúa ban luật thánh của Người cho dân (Tv 119,18). Nay tất cả những điều đó như được kết tinh một cách diệu kỳ nơi con người của Đức Maria. Do đó, cũng như bà Anna xưa (1S2,2), Đức Maria đã tuyên xưng Thiên Chúa là “Đấng thánh” khác hẳn các tà thần ngẫu tượng. Đó là tiếng nói của đức tin.
- Lòng nhân nghĩa của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ (1,50-55)
Tới đây, Đức Maria như chiêm ngắm hành động của Thiên chúa nơi bản thân mình: Người đang cưu mang Đấng là hiện thân của lòng nhân nghĩa của Chúa (to eleos, Hy lạp; khêsed, Hipri). Nhìn vào mình, nhìn lại lịch sử của Dân Chúa, hứơng về tương lai với tâm hồn con người, Đức Maria khẳng định:
“Lòng nhân nghĩa của Người suốt đời nọ đến đời kia trên những kẻ kính sợ Người”
Mệnh đề không có động từ ! Lời tuyên xưng đó diễn tả tính chất phi thời gian của lòng nhân nghĩa của Thiên chúa.
“Kẻ kính sợ Thiên Chúa” chính là những người mọn hèn, người Anawim (cf 22, 26-27 ; 34,3-8). Như thế, theo mạch văn, họ là những kẻ bị bỏ rơi, bị coi thừơng, không được xếp vào hàng những người được gọi là hạnh phúc của xã hội trần thế. Đó là những người “khiêm nhượng”, những người “đói khó” đối lại hạng người “kiêu căng lòng trí”, hạng người quyền thế, “giàu sang”, chính từ nghèo hèn khiêm nhượng mà nảy sinh ra mầm mống của hạnh phúc siêu nhiên. Tại sao thế ? - vì do lòng nhân nghĩa (khêsed) của Thiên Chúa. Từ đó trật tự bị đảo lộn : Thiên Chúa đứng về phía những con người phận nhỏ, những kẻ biết kính sợ Người.
Chính lịch sử dân Chúa đã chứng minh chân lý đó. Abraham và miêu duệ ông – tức những người Anawim – mãi mãi là đối tượng của lòng nhân nghĩa của Thiên Chúa. Ysaya II đã lớn tiếng công bố niềm hạnh phúc của dân Chúa :
“Trời hãy reo vui, đất hãy nhảy mừng !
Núi non hãy hớn hở hò reo !
Vì Yavê an ủi dân người
Người chạnh thương những kẻ cùng khốn của Người” (Ys 49,13)
Qua bài Magnificat, Đức Maria quả là kết tinh của lời ca ngợi, lời tạ ơn của toàn thể dân Chúa trong xã hội loài người thụôc muôn thế hệ.

2. BENEDICTUS, CHÚC TỤNG CHÚA (Lc 1,68-69)
68. Chúc tụng Chúa, Thiên Chúa của Israel
Vì Người đã thăm viếng và cứu chuộc dân Người
69. Người đã làm chỗi dậy cho ta uy cứu độ
Trong nhà Đavit tôi tớ Người
70. Như Người đã phán nhờ miệng chư thánh
Các tiên tri từ muôn thuở
71. Nguồn cứu độ khỏi quân thù ta
Khỏi tay mọi kẻ ghét ta
72. Trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên chúng ta
Và nhớ lại giao ứơc thánh của người
73. Lời nguyền đã thề với Abraham cha chúng ta, để cho ta
74. Hết khiếp sợ, thoát tay địch thù, được thờ phụng Người
75. Trong thánh thiện và công minh
Trước mặt Người mọi ngày đời ta
76. Hài nhi, con ơi, con sẽ được gọi là tiên tri của Đấng tối cao,
Vì con sẽ đi trứơc mặt Chúa, dọn lối cho Người
77. Để ban cho dân Người biết ân cứu độ
Bởi ơn tha thứ các tội khiên
78. Nhờ lòng Thiên Chúa chúng ta chạnh thương nhân nghĩa
Làm cho thái dương từ cao xanh khấn viếng thăm ta
79. Sáng soi những kẻ ngồi trong tối tăm bóng chết
Và hướng chân ta thẳng đường bình an.
Trong ngày lễ đặt tên cho người con của mình, ông Zacaria sau khi viết dòng chữ: “Yoan là tên nó” (1,63) và trước sự bở ngỡ của mọi người, “tức khắc miệng lưỡi ông mở ra và ông tuyên lời ngợi khen Thiên Chúa” (1,64), thánh Luca ghi rõ thêm : “Zacarya được đầy Thánh Thần, nói tiên tri rằng:
“Chúc tụng Chúa, Thiên Chúa của Israel ...”
Như vậy, bài thánh ca này chính là lời tiên tri, làm vang vọng lại âm hưởng sứ điệp các tiên tri trong quá khứ, chuẩn bị tâm hồn của toàn dân đón tiếp hồng ân trong giai đoạn mới của lịch sử dân Chúa.
Bản thánh ca có cung giọng thâm trầm, bình thản, tin tưởng. Đây là cung giọng của con người có đời sống nội tâm sâu xa (tiên tri) biết đón nhận mọi biến cố trong niềm vui “chúc tụng Chúa”. Bài ca diễn tả đúng chủ đề : “sự thăm viếng cứu độ của Thiên Chúa”.
Chúng ta có thể chia bài thơ làm 3 phần :
Lc 1,68-75 sự thăm viếng cứu độ của Thiên Chúa :
a. Ơn cứu độ là bảo chứng Thiên Chúa trung thành (1,68,71)
b. Ơn cứu độ để ta được thờ phượng Thiên Chúa (1,72-75)
Lc 1,76-77 sứ vụ của hài nhi Yoan
Lc 1,78-79 thời cứu độ đã đến
1. Sự thăm viếng cứu độ của Thiên Chúa (1, 68-75)
“Chúc tụng Chúa”. Đây là một công thức chúc tụng thường gặp trong Cựu ước (cf Kn 9,26 ; 14,20 ; 24,27 ; Xh 18,10 ; 1S 25,32 ; 1 V 1,48 ; 8,15…), diễn tả đức tin và lòng đạo đức của dân Chúa (Yb 1,21). Zacarya nói rõ vị Chúa mà mình chúc tụng chính là Thiên Chúa của Israel : đây là niềm tin căn bản của toàn dân Giao ước :
“Hãy nghe, hỡi Israel,
Yavê Thiên Chúa của chúng ta là Yavê độc nhất
Người sẽ yêu mến Yavê Thiên Chúa của ngươi hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, hết sức lực ngươi” (Tl 6,4-5)
Zacarya tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa mà mình yêu mến, điều đó thật hợp lý, vì:
“Người đã thăm viếng và cứu chụôc dân Người”
Israel có kinh nghiệm về sự “thăm viếng” của Thiên Chúa. Từ ngữ đó gợi lại bao kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện vì “thăm viếng” gắn liền với ân sủng, cứu độ (cf Kn 21,1 ; 50,24-25 ; Xh 3,16 ; Yr 29,10) ; “thăm viếng” đồng thời cũng gắn liền với hình phạt (cf Xh 32,34 ; Ys 10,12 ; Ez 23,21 ; 34,11-12)
Ở đây, Zacarya nhận ra sự thăm viếng của Thiên Chúa gắn liền với hoạt động cứu chuộc. Từ câu 69-75, Zacarya mô tả ơn cứu chuộc mà Thiên Chúa sẽ thực hiện.   
a. Ơn cứu độ là bảo chứng Thiên Chúa trung thành. Trước hết, từ hoàng tộc Davit, Thiên Chúa đã cho chỗi dậy “uy cứu độ”. Trong nguyên ngữ Hy Lạp viết là “sừng cứu độ”. Theo Cựu ước, sừng chỉ sức mạnh 1S 2,10 ; Tv 89,25 ; 132,17
Kiểu nói “làm chỗi dậy… uy cứu độ” có hai nội dung :
- Thiên Chúa cho xuất hiện vị cứu tinh, Đấng Mesia từ dòng tộc Davit
- Từ ngữ chuyên biệt của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi để ám chỉ việc Đức Kitô phục sinh từ cõi chết (cf Mt 16,21 ; 17,9 ; Cv 3,15 ; 4,10 ; 5,30)
Cho nên “uy cứu độ” chính là đấng Mesia (Kitô) và là Đấng Mesia (Kitô) phục sinh.
“Quân thù” và “mọi kẻ ghét ta” ở đây là ai ? ý thơ gợi hứng từ Tv 106,10 :
“Người đã cứu họ khỏi tay kẻ chết
Người đã chụôc họ khỏi tay kẻ thù”
Tức là những kẻ đàn áp, bách hại dân người như trong thời Xuất hành thuở xưa.
b. Ơn cứu độ để ta được thờ phượng Thiên Chúa. Các câu thơ ở tiểu đoạn này như lập lại ý các câu thơ trên : câu 72 // câu 68 ; câu 73 // câu 69-70 ; câu 74-75 // câu 71.
Giới thiệu song song hai khuôn mặt Đavit và Abraham, Zacarya như muốn nói lên chiều kích thân mật giữa Thiên Chúa với Dân người. Tương quan thân mật đó chỉ đem đến cho Dân Người một hậu quả là “ơn cứu độ” và nhờ được cứu độ mà dân Người nhận ra và sống ơn gọi đích thực của mình : “thờ phượng Thiên Chúa trong thánh thiện và công minh”
Thánh Phaolô trong Ep 4,24 đã viết :
“Hãy mặc lấy người mới đã được dựng nên tạo theo Thiên Chúa trong công chính và thánh thiện bắt nguồn trong sự thật”
Thánh Gioan đã ghi mạc khải của Đức Giêsu (Yn 4,24)
“Thờ phượng trong Thánh Thần và Sự Thật”
      Đó sẽ là đời sống của con người như tổ phụ Abraham, tự do đi đứng trứơc mặt Thiên Chúa, ở trọn nghĩa với Người. Cf 17,1 : “hãy bước đi trước mặt ta”.
2. Sứ vụ của hài nhi Yoan (1,76-77)
Ca tụng sự thăm viếng cứu độ của Thiên Chúa rồi, trong tâm tình của con ngừơi thật sự hạnh phúc, Zacarya âu yếm nhìn vào đứa con bé nhỏ của mình: “hài nhi, con ơi …”
Từ ngữ “hài nhi” (Paidion, Pais) nói lên sự thân mật gần gũi. Với tâm tình yêu thương trìu mến, Zacaria nói tiên tri về sứ mạng của người con thân yêu :
“Con sẽ được gọi là tiên tri của Đấng tối cao
vì con sẽ đi trứơc mặt Chúa, dọn lối cho Người”
Sứ mạng tiên tri là nói thay cho Thiên Chúa, công bố cho dân ý muốn của Thiên Chúa. Yoan sẽ thi hành sứ mạng này bằng cách : “đi trứơc mặt Chúa, dọn lối cho Người”. Đó là sứ mạng tiền hô của Đấng Cứu Thế mà tiên tri Malaiki đã loan báo (3,1). Trong vai trò đó, Yoan sẽ là tiên tri, công bố sứ điệp, chuẩn bị lòng dân đón nhận Đấng cứu thế. Vị tiền hô sẽ khơi dậy trong tâm hồn dân Chúa lòng khao khát ơn cứu độ : ơn cứu độ đã thực hiện trong thời xuất hành, giải thoát dân Chúa, ban cho họ Giao ước và đưa về đất hứa ; ơn cứu độ đã thực hiện trong thời lưu đày, giúp dân Chúa ý thức về tội để biết hoán cải nếp sống, đào sâu đời sống nội tâm sau khi được hồi hương xây dựng lại đền thờ ; ơn cứu độ hoàn hảo mà Thiên Chúa đã thực hiện trong giao ứơc mới khi Người tha thứ tội lỗi cho dân Chúa. Vì thế, sứ mạng tiên tri của Yoan sau này sẽ nhằm vịêc mời gọi dân Chúa hoán cải nếp sống để đón nhận ơn tha tội.
3. Thời cứu độ đã đến (1,78-79)
Zacarya kết thúc bài ca chúc tụng của mình khi cho ta biết lòng nhân nghĩa của Thiên Chúa được tỏ hiện vì Người “chạnh thương” chúng ta. “Chạnh thương” (les entrailles) là một từ ngữ rất gợi hình trong cựu ước, diễn tả lòng củaThiên Chúa khác nào lòng của một người mẹ, cảm thông sâu xa, chia sẻ tâm tình sâu đậm nhất (cf Ys 54,7 ; 63,7 ; yr 31,20 ; Za 1,16 ; Tv 79,8, 119,77 ; 145,9). Chính vì lòng nhân nghĩa (khêsed) mà “thái dương từ cao xanh khấn viếng thăm ta”
“Thái dương” trong cựu ứơc có hai nghĩa :
- Chồi lộc cứu độ mọc ra rừ nhà Davit (cf Yr 23,5 ; Za 3,8 ; 6,12)
- Ngôi sao Đấng Mesia trong lời sấm của Balaam (cf Ds 24, 17 ; Ma 3,20)
Như vậy, “thái dương”chính là đấng Mesia, Đấng Kitô của Thiên Chúa khấn viếng thăm ta, do lòng nhân nghĩa của Người ; nhờ đó Người sẽ:
“Sáng soi những kẻ ngồi trong tối tăm bóng chết”
(cf Ys 9,1)
“Và hướng chân ta thẳng đường bình an”
(cf Ys 9,5-6 ; Mi 5,4)
Tâm tình của Zacarya mở ra con đường đầy hy vọng của dân Chúa.

4.    NUNC DIMITTIS, GIỜ ĐÂY, LẠY CHÚA (Lc 2,29-32)
29. Giờ đây, lạy Chúa,xin thả tôi tớ Người về
Chiếu theo lời Người, trong bình an
30. Bởi chứng mắt tôi đã thấy ơn cứu độ
31. Người đã dọn sẵn trước mặt muôn dân
32. Ánh sáng mạc khải cho dân ngoại
Và vinh quang của Israel dân Người
Chúng ta thấy được chỗ đứng và tác dụng của bài thánh ca này trong mạch văn của tin mừng theo thánh Luca. Bài ca này gắn liền với mầu nhiệm Đức Yêsu trong bối cảnh Người được dâng vào Đền Thánh.
Cụ già Simeon, “một người công chính và mộ đạo” (2,25) “những ngóng đợi niềm an ủi của Israel và Thánh Thần ở trên ông” không theo hình thức một bản Thánh vịnh, nhưng bộc lên tíêng nói, tâm tình của chính thánh kinh mạc khải về mầu nhiệm của Đức Yêsu.
Thật vậy lời mạc khải này phát xuất từ một con người đầy tràn Thánh Thần và là lời mạc khải từ đền thờ Yerusalem, tâm điểm và là cao điểm của dòng lịch sử cứu độ theo cái nhìn thần học của Luca.
Khi nói Simeon là “người công chính và mộ đạo”, Luca diễn tả đay là con người “những ngóng đợi niềm an ủi của Israel”, Luca làm sống lại lời sấm của Ysaya II về hình ảnh của người sứ giả loan báo tin mừng bình an, tin mừng cứu độ cho dân Chúa, cf Ys 52,7-10
Đặt lời sấm Ys 52,7-10 gợi hứng cho đoạn Lc 2,29-32 chúng ta sẽ hiểu sâu xa hơn ý nghĩa của bài thánh ca mạc khải này:
2,29 “Giờ đây, lạy Chúa, xin thả tôi tớ Người về
chiếu theo lời Người, trong bình an”
Với danh hiệu “tôi tớ của Chúa”, Simeon trở nên đại diện cho tất cả những ai mang tước hiệu đó trong lịch sử dân Chúa.
“Giờ đây” mang tính hiện đại của thời gian. Thế nhưng trong phụng vụ của Israeel, “hôm nay” luôn gắn liền với “hôm qua” và “ngày mai”. “Hôm qua” của cả một quá khứ của một đoàn dân chuẩn bị đón nhận ơn cứu độ và bắt đầu khai mở cánh cửa tương lai.
Tất cả những gì Thiên Chúa đã hứa với người tôi tớ, hôm nay Người thực hiện ; và hậu quả của việc đó la dẫn đưa Người tôi tớ đến bình an. Đây là lời nói tạ ơn của một tâm hồn đã gặp được hạnh phúc.
Nguồn hạnh phúc đem lại sự bình an trong đời sống người tôi tớ phát xuất từ lý do nào?
2,30 “bởi chưng mắt tôi đã thấy ơn Người cứu độ
Người đã dọn sẵn trước mặt muôn dân”
Ơn cứu độ được hiểu như một sức mạnh (Lc 1,69) giải thoát người tôi tớ khỏi tay quân thù và mọi kẻ ghen ghét (Lc 1,71) bằng cách tha thứ các tội khiên (Lc 1,77)
Ơn Cứu độ đó đã tỏ hiện trước mắt Simeon và đang ở trong vòng tay của ông : đó là hài nhi Yêsu. Đối với Simeon, hài nhi Yêsu là hiện thân của sự chạnh thương của Thiên Chúa. Từ niềm vui gặp gỡ đó, Simeon thấy trải rộng ra trước mắt ông cảnh “muôn dân” cũng sẽ được hưởng hồng ân cứu độ.
Luca có chủ ý khi sử dụng từ ngữ muôn dân (tôn laôn). Trong thánh kinh, từ ngữ “dân” (ho laos) là một từ ngữ chuyên biệt để chỉ Dân Giao ước. Khi sử dụng từ ngữ “Ho laos” ở số nhiều, Simeon như báo trứơc hiệu quả của ơn cứu độ do hài nhi Yêsu thực hiện là biến “muôn dân” trở nên “dân giao ước ” (từ ngữ thánh kinh thừơng dàng để chỉ “dân ngoại” là “Hoi ethnoi”, tiếng Hipri là “Goyim”)
2,32 “ánh sáng mạc khải cho dân ngoại và vinh quang của Israel dân Người”
Theo ngữ pháp, thì từ “ơn Người cứu độ” được triển khai bằng hai mệnh đề:
Ánh sáng mạc khải cho dân ngoại
Vinh quang của Israel dân Người (Ho laos)
Nhờ hai mệnh đề này mà chúng ta thấy được vai trò và sứ mạng của Đức Yêsu : Người thực sự là “người tôi tớ Yavê” mà tiên tri Ysaya đã loan báo :
“Này đây tôi tớ của Ta…
Ta đặt ngươi làm ánh sáng các nước” (Ys 42,1.6)
“…Tôi tớ của Ta
Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng các dân tộc
để ơn cứu độ của Ta đạt thấu mút cùng cõi đất” (49,6)
“vinh quang Yave sẽ tỏ mình
và mọi xác phàm một trật đều thấy” (Ys 40,5)
Như vậy, hài nhi Yêsu mà Simeon đang ẵm trong vòng tay chính là “nguồn an ủi của Israel”, là “ơn cứu độ của Thiên Chúa” biểu lộ qua hai chiều kích : ánh sáng dân ngoại và vinh quang của Israel.
Từ đó, bài thánh ca xác định vai trò của hài nhi Yêsu chính là người tôi tớ của Yavê và sứ mạng của Người là thực hiện ơn cứu độ mà Ysaya II đã vẽ ra cho người tôi tớ: con đường đau khổ của người vô tội, con đường cứu độ bằng hành động vâng phục của người tôi tớ.
Và một khi Đức Yêsu thực hiện hoàn toàn con đường đó, thì ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ đến với muôn dân.
source simonhoadalat

Không có nhận xét nào