Header Ads

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Ngoại ngữ quan trọng không kém Văn, Toán”


(Dân trí) - Phát biểu tại lễ tổng kết năm học 2013 - 2014 ngày 29/7, nói về tầm quan trọng của việc thi Ngoại ngữ hiện nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: "Thi Ngoại ngữ bắt buộc là thông điệp cho toàn xã hội, rằng từ nay, ngoại ngữ quan trọng không kém Toán, Văn”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ tổng kết năm học 2013 - 2014 ngày 29/7.

Theo đề án đổi mới thi, môn ngoại ngữ lại là một trong những môn thi bắt buộc. Tuy nhiên, tại buổi lễ tổng kết năm học 2013 - 2014, nhiều ý kiến phản ánh bỏ thi rồi lại bắt thi ngoại ngữ, nhiều lãnh đạo tỉnh miền núi nói rằng không phù hợp với học sinh địa phương vì không có điều kiện học.
Nhận định về vấn đề trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương phải nghiên cứu kỹ.
Phó Thủ tướng Đam hoan nghênh quan điểm của Bộ GD-ĐT là đặt môn thi Ngoại ngữ thi như quốc tế.
Ông cho rằng: “Thi Ngoại ngữ bắt buộc là thông điệp cho toàn xã hội, rằng từ nay, ngoại ngữ quan trọng không kém Toán, Văn. Chúng ta không được quên là bây giờ Việt Nam thực chất là một bộ phận của nền kinh tế thế giới rồi. Chúng ta đảm bảo đào tạo con em chúng ta tới đây phải là công dân toàn cầu. Có những người ví von là bây giờ mà không biết Ngoại ngữ giống như ra trận mà không có súng.
Theo Phó Thủ tướng, định hướng cho con em học, bắt thi Ngoại ngữ không có nghĩa là bắt ngay lập tức các cháu ở miền núi cũng phải thông thạo ngoại ngữ như ở Hà Nội hay TPHCM. Sẽ có lộ trình, sẽ có các bước đi phù hợp với từng vùng miền, để tiến tới thế hệ trẻ Việt Nam thông thạo ngoại ngữ, dù ở bất cứ khu vực nào.
“Tôi rất hoan nghênh quan điểm của Bộ GD-ĐT tức là ngoại ngữ sau này chúng ta có thể thi giống như quốc tế. Tất cả phải thi, tiếng Anh là như vậy. Nếu như các cháu thi có bằng, chứng chỉ ngoại ngữ rồi, nếu không có nhu cầu lấy điểm ngoại ngữ cao để vào đại học thì có thể miễn. Chỉ cần đưa chứng chỉ ra là được công nhận. Còn các cháu ở miền núi thì mình ra cái đề làm sao để các cháu đỗ đúng trình độ là được” - Phó Thủ tướng chia sẻ.
Không bỏ thi tốt nghiệp!
Về nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ thi tốt nghiệp THPT, chỉ nên tổ chức thi ĐH, CĐ vì thi tốt nghiệp đỗ tới 99% thì thi làm gì?
Nói về vấn đề này, Phó Thủ tướng cho rằng, việc học ở bậc THPT sẽ bị xao nhãng khi học sinh không còn áp lực phải thi hết cấp.
Lật lại vấn đề, Phó Thủ tướng Đam cho biết: “Chúng ta chỉ có thể tin vào những đánh giá ở học bạ. Ngành giáo dục cũng có kiểm tra đánh giá 15 phút, 1 tiết, thi học kỳ nhưng liệu tất cả các cơ sở giáo dục đều gương mẫu, đều trong sạch? Nếu được như vậy thì chắc không cần thi! Còn phương án thi từng trường, từng tỉnh cũng sẽ có chuyện vì thành tích mà tỉnh này ra đề thấp, tỉnh kia ra đề cao khiến việc đánh giá mặt bằng giáo dục phổ thông quốc gia không đồng nhất. Lật đi, lật lại mới thấy chưa bỏ thi tốt nghiệp được”.
Đề Toán vừa sức, thí sinh phấn khởi
Ngoại ngữ sẽ là một môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong ảnh: Học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2014. (Ảnh: Mai Châm)
Làm tốt một kỳ thi, các trường ĐH, CĐ sẽ không thi riêng
Đối với mục đích sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia làm căn cứ cho các trường ĐH, CĐ có thể tham khảo xét tuyển, Phó Thủ tướng cho biết: Tại rất nhiều nước tiên tiến, chỉ một vài trường ĐH tổ chức thi, còn lại cứ tốt nghiệp THPT là vào học. Học năm thứ nhất nếu không được thì loại, thậm chí hết học kỳ I đã bị loại ra rất nhiều. Nếu làm được như thế chúng ta cũng không cần thi ĐH. Nhưng thực tế, do kiểm định chất lượng giáo dục ở ĐH và giáo dục dạy nghề chưa tốt nên ngành Giáo dục phải siết đầu vào, trong đó có điểm thi.
Phó Thủ tướng phân tích, nếu Bộ GD-ĐT làm tốt một kỳ thi này như phương án đưa ra thì các trường ĐH, CĐ sẽ không thi riêng. Còn nếu các trường không tin vào kết quả kỳ thi này, họ vẫn tổ chức thi riêng. Như thế, cũng có tiết kiệm xã hội nhưng không được nhiều. Vì vậy, phải tính xem nên tổ chức kỳ thi này như thế nào để đáp ứng được cả hai mục tiêu.
Theo Phó Thủ tướng, việc chỉ còn một kỳ thi quốc gia gắn với 2 mục tiêu (xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ) phải được tính toán kỹ, làm rõ với dư luận, xã hội mặt lợi, mặt hại. Điều quan trọng không phải là thi môn gì mà là ngành giáo dục phải có quyết tâm đổi mới. Tới đây, nếu còn một kỳ thi phải làm nghiêm túc, trách nhiệm.
Thẳng thắn đưa ra những quan điểm về đổi mới thi cử, theo Phó Thủ tướng Đam, phải tính thi là một khâu đột phá nhưng tự nó không thể tách rời việc thiết kế lại chương trình, SGK trên cơ sở xem xét làm rõ một số điều trong hệ thống. Đây là một khâu đột phá kích thích các khâu khác cùng đi theo, trên tinh thần căn bản và toàn diện.
“Ta không sợ tốn kém nếu thi là cần thiết. Ngay chuyện bỏ thi cũng cần tính toán, phân tích thật kỹ cái được cái mất, đưa ra quyết định sau khi thuyết phục xã hội và tính toán kỹ càng. Nếu có khó khăn cho ngành GD, nhưng có lợi cho xã hội thì nên làm. Ta đặt lợi ích của xã hội, của các cháu, của phụ huynh lên hàng đầu”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.
Hồng Hạnh (ghi)

Không có nhận xét nào