Tại Sao Phải Đi Nhà Thờ ? Why Go to the Church?
Tại sao phải đi nhà thờ?
Tại
sao đi nhà thờ? Đó là tựa đề của một bài viết mà tôi đọc được trên
internet. Bài viết này có trích lại những dòng cảm nhận của một người
bên Âu Châu, viết thư cho tổng biên tập một tờ báo. Ông ấy viết như sau:
“Tính đến nay tôi đã đi Nhà Thờ liên tục 30 năm, và trong thời gian đó
tôi đã nghe khoảng 10.000 bài giảng, cả Chúa Nhật và ngày thường… Nhưng
dù chết, tôi cũng không thể nhớ nổi bất cứ một bài giảng nào trong số
các bài giảng ấy. Vì vậy, tôi nghĩ tôi đã thật sự uổng phí thời giờ của
mình để đi Nhà Thờ, còn các Linh Mục thì cũng đã uổng phí thời giờ của
họ khi giảng như thế trong Nhà Thờ…” Vậy mỗi Kitô hữu chúng ta có suy
nghĩ gì về những dòng cảm nhận như thế?
Trong
một lần dạy giáo lý, anh giáo lý viên hỏi người dự tòng thế này: “Tại
sao anh muốn vô đạo?” Anh dự tòng trả lời rằng vì đạo chỉ cho anh ta một
hướng đi, một con đường tốt để sống. Nếu không có đạo thì anh không
biết phải đi, phải sống như thế nào cho đúng.” Anh dự tòng này là đang
sống bên Hoa Kỳ, nhưng lại có một cảm nhận rất đơn sơ và ý nghĩa như
vậy. Rồi có một người ngoại đạo trả lời cho câu hỏi: tại sao đi nhà thờ
như sau: “Đến nhà thờ để được nghe những lời dạy của Chúa, những lời
nhắc nhở của ông cha để mình sống tốt. Nhiều khi cuộc sống dễ làm cho
mình lệch lạc và dễ quên. Đến nhà thờ để tâm hồn được tĩnh lặng khi nhìn
ngắm những khung cảnh, ảnh tượng trong nhà thờ.” Có lẽ những cảm nhận
này sẽ đối nghịch với những dòng phàn nàn đã được ghi trên.
Thế
nhưng, mỗi Kitô hữu sẽ tự suy ngẫm trong lòng và tự trả lời với chính
mình: tại sao tôi phải đi nhà thờ? Phải chăng tôi đi lễ mỗi Chúa nhật vì
sợ lỗi luật, sợ có tội, sợ bị Chúa phạt xuống hỏa ngục? Nhiều người đi
nhà thờ nhưng ở ngoài nhà thờ. Vậy thì trong tâm thức của họ có thật sự
nghĩ rằng mình đến nhà thờ là để gặp được Chúa hay vì sợ bỏ lễ ngày Chúa
nhật là có tội? Thật vậy, chỉ có con người mới tính toán với Chúa mà
thôi. Việc giữ đạo và sống đạo phải có chiều sâu nội tâm. Ngày nay,
nhiều giáo dân than phiền có một số linh mục giảng dài lê thê, không vô
chủ đề, đi lễ rất mệt. Điều này cũng là lời nhắc nhở cho các linh mục.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các linh mục cần dành ưu tiên thời gian
cho việc soạn bài giảng. Bài giảng không phải là một bài thuyết trình
thần học cao siêu. Bài giảng phải ngắn gọn dễ hiểu và gần gũi đi vào
lòng người, giúp tâm hồn người giáo dân gặp được Chúa. Quả thật, giảng
là chuyện khó, sống những gì mà các linh mục giảng lại càng khó hơn gấp
bội.
Vậy
thì, chính các linh mục hay người giáo dân cần tự xét lại về cung cách
sống đạo của mình mỗi ngày. Vào đạo là một chuyện, giữ đạo là một
chuyện, và sống đạo lại là chuyện khác. Sống đạo mới quan trọng và là
chuyện cả một đời chứ không phải ngày một ngày hai. Vì thế, Giáo hội cần
truyền giáo nhưng cũng phải tái truyền giáo. Và đó chính là hành trình
đức tin trong đời mỗi Kitô hữu chúng ta.
Post a Comment